Mạnh tay ngăn chặn lạm dụng kháng sinh trong thủy sản

ANTĐ - Liên tiếp các lô hàng thủy sản của Việt Nam xuất khẩu ra nước ngoài bị cảnh báo dư lượng kháng sinh. Bộ NN&PTNT cho biết, sau chất cấm chăn nuôi, Bộ sẽ dốc toàn lực để giải quyết tình trạng lạm dụng kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản.

Lạm dụng kháng sinh trong chăn nuôi gây hại cho sức khỏe con người

3 tháng, 31 lô hàng bị trả về

Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Nafiqad - Bộ NN&PTNT) thông tin, từ ngày 4 đến 12-7 tới đây, Tổng cục An toàn thực phẩm Panama (AUPSA) sẽ cử đoàn công tác sang Việt Nam để đánh giá hệ thống kiểm soát an toàn thực phẩm thủy sản xuất khẩu và thanh tra một số cơ sở chế biến thủy sản của Việt Nam đối với mặt hàng cá da trơn xuất khẩu vào Panama. Đoàn thanh tra sẽ chia làm 4 nhóm gồm 1 nhóm kỹ thuật và 3 nhóm thanh tra. Mỗi nhóm thanh tra sẽ tới 5-7 cơ sở chế biến và nuôi thủy sản. Dự kiến, có 19 cơ sở nằm trong đợt thanh tra này của cơ quan hữu quan Panama. 

Trước đó, vào ngày 13-5, Tổng vụ Sức khỏe và An toàn thực phẩm của Ủy ban châu Âu (EC) cũng đã có công thư gửi Nafiqad thông báo, các doanh nghiệp của Việt Nam vẫn chưa khắc phục được vấn đề lạm dụng hóa chất, kháng sinh trong sản xuất kinh doanh thủy sản xuất khẩu.

Theo đó, 4 đơn vị xuất khẩu bị EU cảnh báo là Xí nghiệp thực phẩm Mekong Delta thuộc Công ty CP xuất nhập khẩu thủy sản Cần Thơ; Công ty TNHH Công nghiệp thủy sản Miền Nam; Công ty  CP Foodtech; Nhà máy chế biến thủy sản Công ty CP Khang Thông. EU cũng cảnh báo các cơ sở chế biến thủy sản của Việt Nam sẽ bị đưa ra khỏi danh sách được phép xuất khẩu vào thị trường này trong trường hợp có lô hàng bị cảnh báo có hóa chất, kháng sinh bị cấm theo quy định.

Số liệu từ Nafiqad cho thấy, chỉ tính năm 2015, gần 260 lô hàng thủy sản Việt Nam bị các nước nhập khẩu từ chối, buộc phải “quay đầu” về nước vì hóa chất, kháng sinh, vi sinh vật vượt ngưỡng cho phép. Trong quý I-2016, con số trên là 31 lô, trong đó, 10 lô vi phạm quy định về hóa chất, kháng sinh (Nhật Bản, EU cảnh báo nhiều nhất).

Khi đề cập đến tình trạng thủy sản nhiễm kháng sinh, tồn dư kháng sinh quá cao, các cơ quan Nhà nước thường đổ lỗi cho người chăn nuôi, do doanh nghiệp thu mua không sát sao. Tuy nhiên, trách nhiệm về việc để các loại kháng sinh, thuốc thú y, thủy sản bán tràn lan, không kiểm soát được như hiện nay thì không thấy ai đề cập.

Áp dụng nhiều chế tài

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát vừa thông qua kế hoạch mở đợt tổng kiểm tra, kiểm soát và ngăn chặn tình trạng sản xuất kinh doanh trái phép và lạm dụng hóa chất kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản trên diện rộng.

Bộ NN&PTNT cho rằng, tình trạng lạm dụng kháng sinh, bơm tạp chất trong nuôi trồng thủy sản đã diễn ra nhiều năm qua, ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất kinh doanh của các hộ nông dân và doanh nghiệp làm ăn chân chính cũng như thị trường xuất khẩu. 

Theo ông Trần Công Khôi, Phó Vụ trưởng Vụ Nuôi trồng thủy sản, Tổng cục Thủy sản, có nhiều nguyên nhân dẫn đến dư lượng kháng sinh thủy sản vượt ngưỡng cho phép. Do thu mua từ nhiều nguồn nuôi khác nhau nên doanh nghiệp chế biến rất khó kiểm soát dư lượng kháng sinh đối với 100% sản phẩm, mà chỉ có thể kiểm soát theo mẫu. 

Ông Dương Tiến Thể, Phó Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) cho rằng, Cục Thú y đã được Bộ NN&PTNT giao xây dựng kế hoạch mở đợt “tổng tấn công” nhằm chấm dứt tình trạng lạm dụng hóa chất, kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản. Bộ NN&PTNT sẽ triển khai đồng bộ, từ Trung ương đến địa phương cùng vào cuộc, thanh tra, kiểm tra 100%  hộ sản xuất và cơ sở sản xuất, kinh doanh thuốc thú y. “Chúng tôi sẽ sử dụng nhiều biện pháp cùng một lúc, từ phạt hành chính, tiêu hủy hàng, đình chỉ hoạt động sản xuất, kinh doanh… tùy theo mức độ vi phạm…”, ông Trần Công Khôi cho hay.