Toàn cảnh khu phức hợp Etihad Campus
Sau khi giành quyền kiểm soát Manchester City vào năm 2008, chủ sở hữu đến từ Abu Dhabi, Sheikh Mansour bin Zayed al Nahyan đầu tư không biết bao nhiêu tiền vào đội bóng vùng Eastlands. Mặc dù vậy, phương pháp và cách thức của chủ sở hữu người Trung Đông khác hẳn so với triều đại của cựu Thủ tướng Thái Lan, Thaksin Shinawatra. Man Xanh hiện được đầu tư cả theo chiều sâu và bề rộng, ở cả lĩnh vực chuyên môn cũng như thương mại trong khuôn khổ khu đất rộng tới 80 hecta.
Khu phức hợp Etihad Campus chính là hạng mục lớn nhất nói lên tham vọng của Sheikh Mansour trong mục tiêu tạo dựng Man City trở thành một đế chế hùng mạnh. Chủ sở hữu từ Trung Đông đã đầu tư hơn 200 triệu bảng xây dựng hạ tầng, trong đó có đầy đủ những hạng mục cần thiết, từ mặt sân cỏ, phòng tập, bể bơi… Cùng với cơ sở hạ tầng hiện đại, đội bóng vùng Eastlands cũng bắt tay vào công tác đào tạo trẻ nhằm xây dựng một nền móng vững chắc, lâu dài giống như La Masia của Barcelona.
Để đưa tham vọng trở thành hiện thực, Manchester City đã lôi kéo chính những cựu quan chức của Barcelona như Ferran Soriano và Txiki Begiristain đến Etihad. Đây chính là lời giải thích cho chính sách Tây Ban Nha hóa Man Xanh trong những năm qua, từ tư duy cho đến con người. Với sự xuất hiện của Manuel Pellegrini, một người Chile nhưng rất am hiểu bóng đá Tây Ban Nha và Barcelona, quá trình rập khuôn mô hình CLB xứ Catalan ngày càng được đẩy mạnh. Không ít cầu thủ người Tây Ban Nha hoặc thi đấu ở xứ sở đấu bò lần lượt gia nhập đội bóng vùng Eastlands như Yaya Toure, David Silva, Jesus Navas hay Alvaro Negredo…