Màn kịch không trọn vẹn

Mỗi lần nhận được tiền gia đình gửi đến, Trương Hùng lại thấy mặc cảm tội lỗi dâng lên, song khi bước chân vào quán net chơi game, tất cả đều tan biến hết. Những lời nói dối nâng cấp dần, cho đến khi vượt qua ngưỡng, trở thành hành vi phạm tội.

Màn kịch không trọn vẹn

Mỗi lần nhận được tiền gia đình gửi đến, Trương Hùng lại thấy mặc cảm tội lỗi dâng lên, song khi bước chân vào quán net chơi game, tất cả đều tan biến hết. Những lời nói dối nâng cấp dần, cho đến khi vượt qua ngưỡng, trở thành hành vi phạm tội.

Tin nhắn tống tiền liên tục được gửi đến điện thoại của Tiểu Đình

Lời đe dọa đầy… sơ hở

Trưa 3-8-2010, điện thoại bất ngờ đổ chuông dồn dập trong gia đình ông Trương Tuấn ở thành phố Phì Đông, An Huy, Trung Quốc. Khi đó bà Trương đang chuẩn bị đồ ăn, đã phát hoảng khi nghe thấy tiếng con trai kêu cứu. “Mẹ, cứu con với, con bị lừa vào đường dây bán hàng đa cấp rồi, họ không để con về”, tiếng Trương Hùng, cậu con trai duy nhất của bà nghe vô cùng thảm thiết, sau đó điện thoại chỉ còn lại những tiếng tút dài. Hai vợ chồng Trương Tuấn cố gắng gọi vào máy điện thoại di động của Trương Hùng nhưng không sao liên lạc được. Đoán con trai đã gặp bất trắc, hai người lo cuống cuồng không biết phải làm gì.

Cho đến tối hôm đó, vẫn không có tin tức gì về Trương Hùng, Trương Tuấn đang định đi báo cảnh sát thì khoảng 8h, Tiểu Đình, em gái Trương Hùng nhận được tin nhắn. “Chúng tôi là một doanh nghiệp chính quy, không phải bán hàng đa cấp như con trai ông bà nói. Chúng tôi chỉ cần tiền, không cần mạng người, mang đủ 5.000 tệ đến đây, sẽ thả người ngay”. Vì thấy việc này hơi kỳ quái, nên vợ chồng Trương Tuấn tạm hoãn việc báo án, huy động người thân đi tìm kiếm khắp mọi nơi, hỏi han các mối quan hệ bạn bè của Trương Hùng, song không thu được manh mối gì. 4 ngày sau đó, Tiểu Đình tiếp tục nhận được các tin nhắn từ số máy của anh trai gửi tới, nội dung gần giống nhau, đều nói chỉ cần gửi số tiền như yêu cầu vào tài khoản tín dụng được cung cấp sẽ lập tức thả người. Những kẻ bắt cóc còn cảnh cáo nếu báo cảnh sát sẽ không để Trương Hùng lành lặn trở về. Ngày 8-8, khi bọn bắt cóc ra “tối hậu thư”, Trương Tuấn buộc lòng phải báo cảnh sát thành phố Hợp Phì, nơi Trương Hùng đang làm việc.

Thủ phạm là nạn nhân

Sau khi lập án điều tra, cảnh sát khu kinh tế mở thành phố Hợp Phì đã kiểm tra các cuộc điện thoại và tin nhắn, nhanh chóng khoanh vùng được địa điểm nghi vấn. Chiều 8-8, dưới sự sắp xếp của cảnh sát, Trương Tuấn gửi một phần tiền chuộc vào tài khoản được những kẻ bắt cóc chỉ định, sau đó dùng điện thoại của Tiểu Đình nhắn tin, thông báo “tiền đã vào tài khoản”. 18h30, quả nhiên một đối tượng khả nghi xuất hiện ở khu vực mà cảnh sát đã khoanh vùng. Nam thanh niên này vừa thực hiện xong hành vi rút tiền từ tài khoản lập tức bị cảnh sát khống chế. Điều mà cả cảnh sát và vợ chồng Trương Tuấn không ngờ được là nghi phạm không phải ai khác, chính là “nạn nhân” - cậu con trai cưng của họ.

Trương Hùng vốn là một học sinh giỏi, tuy nhiên đến năm thứ 2 đại học bắt đầu ham mê game online, lâu dần thành nghiện. Những năm sau đó, phần lớn thời gian của Trương Hùng đều ở trong quán game, chính vì thế nên nhiều môn không qua, sau khi tốt nghiệp vẫn không lấy được bằng. Không công ăn việc làm, không thu nhập, Trương Hùng ở lì trong ký túc xá, tuy đôi lúc nghĩ đến bố mẹ vất vả cũng thấy có lỗi, nhưng cảm giác đó lập tức tiêu tan khi cậu ta bước chân vào hàng internet. Để có tiền tiêu hàng ngày và chơi game, Trương Hùng hết gọi điện về nhà nói cần tiền đi xin việc, lại tìm cách vay mượn của bạn bè. Trong suốt 2 năm sống vất vưởng, Trương Hùng đã lấy của nhà gần 15.000 NDT, tuy nhiên số tiền nợ nần vẫn lên tới vài nghìn. Chính vì không có khả năng thanh toán, hơn nữa không thể tiếp tục bịa chuyện, Trương Hùng nghĩ ra kế giả bị bắt cóc để “kiếm” thêm chút tiền, không ngờ trò lừa bịp đó đã bị lộ tẩy.

Gia Vinh

(Theo Yahoo.cn)