ANTD.VN - Theo truyền thống, lễ cúng 30 Tết còn gọi là lễ tất niên thường được tổ chức vào chiều ngày 30 Tết (hoặc 29 Tết nếu tháng Chạp không đủ 30 ngày). Tuy nhiên, ngày nay, các gia đình có thể sắp xếp tổ chức tiệc tất niên sớm hơn tùy thuộc vào từng gia đình.
Trong các dịp lễ tết, người dân Việt luôn chuẩn bị cầu kỳ các nghi lễ và đồ cúng. Đặc biệt mâm cỗ mặn cúng tất niên, 3 ngày Tết thường mang đậm nét truyền thống.
Bát thịt đông trong veo như thạch thể hiện ước muốn về khởi đầu năm mới tinh khôi, trong trẻo là món ăn hợp tiết trời lạnh dịp Tết.
Cá trắm đen kho riềng vị đậm đà, mềm béo, nếu kho lâu còn ăn được cả xương là nét đặc trưng trong mâm cỗ Tết truyền thống của người Hà Nội xưa.
Bát canh bóng hài hòa sắc vị và hương với bóng bì mềm, nước dùng ngọt thanh, rau củ quả giòn, tươi. Đây là một trong những món chính của cỗ Tết của người miền Bắc xưa.
Gà lễ thể hiện ước mong "mưa thuận gió hòa", năm mới vẹn tròn của người dân. Một đĩa gà luộc vàng ươm, rắc chút lá chanh thái chỉ là điểm nhấn cho cỗ Tết Hà Nội.
Nem rán có vỏ vàng ruộm, giòn tan mà nhân bên trong vẫn mềm ngọt từ thịt quyện cùng rau củ quả tươi. Đây là món ăn truyền thống trong mâm cỗ Tết của người Hà Nội.
Xôi gấc với sắc màu đỏ tự nhiên luôn được ưu ái trong cỗ Tết tượng trưng cho sự khởi đầu năm mới vẹn tròn, may mắn.
Canh miến nấu lòng mề gà nấm hương.
Truyền thống của người dân Việt, thấy bánh chưng là thấy Tết.
Dưa hành muối sẽ giúp cân bằng vị, chống ngấy trong mâm cỗ nhiều thịt, bánh chưng ngày Tết.