Mãi ấm áp tình đồng đội, đồng chí

ANTD.VN - “Tai nạn thảm khốc đó đã cướp đi người chồng yêu dấu của tôi, người cha thương yêu của các con, người chiến sỹ cảnh sát cơ động luôn tận tụy với công việc. Sau mất mát ấy, nếu không có sự giúp đỡ về vật chất và tinh thần của người thân, các cơ quan, đoàn thể, đặc biệt là Báo An ninh Thủ đô, 3 mẹ con tôi chắc khó có thể gượng dậy…”.

Bức ảnh gia đình hiếm hoi được chụp khi Thượng úy Lê Văn Sinh còn sống

Còn đó nỗi đau

Đó là tâm sự của chị Đoàn Thị Thanh Trà (37 tuổi) - vợ Thượng úy Lê Văn Sinh công tác tại Đại đội 2 - Trung đoàn Cảnh sát Cơ động, CATP Hà Nội - người đã gặp nạn trong khi làm nhiệm vụ cách đây hơn 5 năm.

Nhớ lại nỗi đau ngày đó, chị Trà không kìm được xúc động: “Khoảng 1h50 sáng 4-3-2011, tổ tuần tra kiểm soát của Đại đội 2 do chồng tôi làm tổ trưởng khi đang làm nhiệm vụ trên đường Thụy Khuê (đoạn dốc La Pho) bất ngờ bị một chiếc xe ô tô đâm mạnh từ phía sau. Do chiếc xe này đi với tốc độ cao nên sau khi va chạm, 2 chiến sỹ cảnh sát cơ động ngồi trên xe máy đã bị đẩy đi một đoạn dài, ép mạnh vào một bức tường. Vụ tai nạn khiến chồng tôi bị thương nặng và mất vài giờ sau đó tại bệnh viện, người đi cùng xe là hạ sỹ Sơn tử vong tại chỗ”.

Kể từ ngày ấy, căn phòng trọ nhỏ hẹp của vợ chồng chị Trà ở Xuân Đỉnh, Từ Liêm, vốn tuềnh toàng càng thêm chống chếnh. Do cả hai đều quê ở Hải Dương, khi bế con nhỏ theo chồng lên Hà Nội làm nhiệm vụ, chị Trà không có công ăn việc làm ổn định, phải thuê một sạp hàng để kinh doanh quần áo.

Công việc buôn bán bận rộn, sáng đi sớm, tối về khi thành phố đã lên đèn nên việc đưa đón con chị đều trông cậy vào chồng. Không chỉ giữ vai trò trụ cột gia đình, giúp vợ lo toan cho các con, hầu hết các buổi tối trong tuần Thượng úy Lê Văn Sinh đều phải đi trực.

“Do đặc thù công việc, trong những ngày lễ, Tết, khi mọi người được nghỉ ngơi, thì chồng tôi và đồng đội lại phải gồng mình để làm nhiệm vụ với cường độ làm việc căng thẳng hơn ngày thường.

Đặc biệt, trong những đêm Giao thừa, khi người dân sum họp đầm ấm với gia đình lại là thời gian các anh phải tập trung cao độ cả về lực lượng và phương tiện phục vụ công tác bảo vệ. Bận rộn, nguy hiểm và vất vả là vậy nhưng ở anh, tôi không nhìn thấy sự mệt mỏi mà thay vào đó là niềm vui được làm việc và được cống hiến” - chị Trà tự hào khi nói về công việc của chồng mình.

Chị Trà còn kể, vì anh Sinh là con trai trưởng trong gia đình, nên khi nghe tin con trai mất, bố mẹ chồng chị suy sụp nghiêm trọng. Cũng từ đận ấy, sức khỏe mẹ chồng chị xuống rất nhanh, nhiều khi ngơ ngẩn như người mất hồn. Thấy 3 mẹ con chị quá vất vả (anh Sinh mất khi con gái nhỏ mới 3 tuổi, cháu lớn 8 tuổi), hai bên gia đình nội ngoại dù khó khăn cũng gắng gượng hết sức hỗ trợ để 2 cháu được ăn học đến nơi đến chốn.

Vì muốn 2 con có chỗ ăn ở ổn định, được sự giúp đỡ của người thân, họ hàng, bạn bè, cách đây vài năm, chị Trà đã cố gắng vay mượn thêm mua một căn nhà trong một con ngõ trên phố Thụy Khuê để sinh sống. Tuy vậy, từ khi mua nhà áp lực kiếm tiền trả nợ, nuôi con càng đè nặng lên đôi vai gầy của chị, khiến đôi lúc chị không khỏi mệt mỏi. Những lúc như vậy, chị  lại nghĩ đến anh để có thêm nghị lực.

Cuộc sống hiện tại của 3 mẹ con tuy khó khăn, vất vả nhưng vẫn đầy ắp niềm vui

Báo ANTĐ - nơi gửi gắm niềm tin

Chị Trà chia sẻ, do tính chất công việc, anh Sinh hầu như không có thời gian đưa vợ con đi chơi đây đó. Có những lần dù đã xin nghỉ phép nhưng do có việc đột xuất, anh lại sẵn sàng nhận nhiệm vụ. Khi anh mất, cháu Lê Nhật Anh (SN 2003) và cháu Lê Nhật Linh (SN 2008) còn quá nhỏ, chị Trà phải đảm nhận vai trò trụ cột nên bất kể ngày nắng hay mưa, chưa khi nào chị Trà “được phép” ốm.

Vì công việc bán hàng bận rộn nên mỗi khi có việc đột xuất, chị thường xuyên phải nhờ họ hàng, làng xóm đến trông nhà, đón con giúp. Thấy mẹ vất vả, hai đứa trẻ cũng có ý thức tự lập từ sớm, từ việc tự chăm sóc bản thân, học hành đến tham gia công việc nội trợ trong gia đình.

Với sự cố gắng, nỗ lực của bản thân, hàng năm, hai cháu đều đạt danh hiệu học sinh giỏi. Khi được hỏi về ước mơ sau này, cháu trai Lê Nhật Anh hồn nhiên tiết lộ: “Cháu sẽ cố gắng học thật giỏi để sau này được làm chiến sỹ cảnh sát như bố cháu, dũng cảm chiến đấu với tội phạm, đem lại sự bình yên cho mẹ, cho em và những người dân khác”.

Sau khi Thượng úy Lê Văn Sinh mất, tháng 5-2012, Thượng tá Vũ Kim Thành - Phó Tổng Biên tập Báo ANTĐ thay mặt Báo ANTĐ đã về tận nhà chị Trà (khi đó còn ở Hải Dương) trao quà, hỗ trợ chăm sóc 2 cháu, mỗi suất quà 500 nghìn đồng/tháng đến khi 2 cháu tròn 18 tuổi.

Số tiền tuy không nhiều, nhưng đó là tấm lòng của CBCS Báo ANTĐ trước hoàn cảnh đặc biệt khó khăn của gia đình chị, thể hiện sự nhân nghĩa, ấm áp tình đồng đội, đồng chí. Việc làm của Báo ANTĐ làm vợi đi nỗi đau thương, mất mát của các gia đình cán bộ chiến sỹ công an Thủ đô nói chung, giúp họ phần nào giảm bớt khó khăn về kinh tế, có thêm niềm tin, sức mạnh vượt qua mất mát.

“Nhân dịp Báo An ninh Thủ đô kỷ niệm 40 năm xuất bản số báo đầu tiên và đón nhận Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhì, tôi xin trân trọng cảm ơn và kính chúc Ban Biên tập và CBCS của Báo sức khỏe, niềm vui và hạnh phúc. Chúc tờ báo ngày càng phát triển, luôn luôn là địa chỉ tin cậy để mỗi chiến sỹ công an, người thân của họ và người dân gửi gắm nỗi niềm, chia sẻ mọi khó khăn, vướng mắc trong cuộc sống” - chị Trà xúc động nói.

Dù vắng bóng người đàn ông trụ cột trong gia đình đã hơn 5 năm nhưng căn nhà nhỏ nằm trong con ngõ trên phố Thụy Khuê của 3 mẹ con chị Đoàn Thị Thanh Trà vẫn luôn nhận được sự quan tâm, thăm hỏi của những người đồng chí, đồng đội.

Dù cuộc sống còn nhiều vất vả và bộn bề lo toan nhưng sự vươn lên của thân nhân những người chiến sỹ công an đã hy sinh trong khi làm nhiệm vụ khiến chúng tôi vô cùng cảm phục. Và Báo ANTĐ nói riêng, CATP Hà Nội nói chung sẽ luôn nhớ và tri ân những chiến sỹ luôn tận tụy vì công việc thầm lặng mà vinh quang.