“Ma trận” thông tin về xuất khẩu lao động và cách tránh bẫy lừa đảo

ANTD.VN - Lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người dân, nhiều đối tượng đã giở trò lừa đảo xuất khẩu lao động với hứa hẹn chi phí thấp, xuất cảnh trong thời gian ngắn, tỷ lệ thành công cao...

Không được cấp phép vẫn ngang nhiên hoạt động

Không có chức năng tuyển dụng lao động, không đăng ký đơn hàng, nhưng một số công ty vẫn đăng tin quảng cáo, tuyển dụng lao động rầm rộ. Trước những quảng cáo “ngọt ngào” này, người lao động sẵn sàng cầm cố nhà cửa, vay mượn để có tiền đóng lệ phí xuất ngoại.

Công ty Cổ phần thương mại và dịch vụ Educa Việt Nam không nằm trong danh sách các công ty xuất khẩu lao động được cấp phép

Được coi là một trong những điểm đến rất “hot” bởi thu nhập hấp dẫn và điều kiện làm việc, đãi ngộ tốt, nhu cầu đi làm việc tại Hàn Quốc của lao động Việt Nam tăng cao trong những năm vừa qua. Đặc biệt, trong 2 năm trở lại đây, thị trường Hàn Quốc thu hút trên 15.000 người xuất cảnh/năm. Hiện số lượng lao động Việt Nam cũng đang dẫn đầu trong 16 nước đưa lao động sang làm việc tại nước này.

Thực tế, theo kế hoạch năm 2024, Hàn Quốc dành cho Việt Nam khoảng 15.000 chỉ tiêu lao động sang làm việc tại nước này theo Chương trình EPS. Trong kỳ thi tiếng Hàn tuyển chọn lao động sang làm việc năm nay có số người đăng ký cao kỷ lục với gần 45.000 người, cho thấy nhu cầu sang nước này lao động rất lớn. Đây cũng là một trong những yếu tố khiến thị trường này luôn phải đối mặt với “ma trận” thông tin giả mạo liên quan đến phái cử lao động. Vụ việc đáng báo động gần đây là trường hợp Công ty Cổ phần thương mại và dịch vụ Educa Việt Nam (trụ sở số 78 Duy Tân, Cầu Giấy, Hà Nội) thu tiền của hơn 200 người lao động, nhưng không thực hiện cam kết đưa họ đi làm việc tại Hàn Quốc.

Theo đó, hơn 200 lao động đã phải đóng gần 300 triệu đồng/người để được đi làm việc ở Hàn Quốc, song lại bị công ty thông báo hoãn lịch bay ngay sát giờ vào ngày 22-9, khiến hàng trăm người rơi vào khủng hoảng, bức xúc. Đáng chú ý, theo Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) qua rà soát, Công ty Cổ phần thương mại và dịch vụ Educa Việt Nam không được Bộ LĐ-TB&XH cấp giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Cục Quản lý lao động ngoài nước nhận định, việc Educa Việt Nam “đem con bỏ chợ” là vụ việc lớn, phức tạp, liên quan đến số lượng lớn người lao động, có dấu hiệu vi phạm pháp luật và lừa đảo. Để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người lao động, ngày 24-9, Cục Quản lý lao động ngoài nước ban hành Công văn số 1335/CQLLĐNN-TTr gửi các cơ quan chức năng đề nghị phối hợp kiểm tra, xác minh và xử lý vụ việc theo quy định của pháp luật.

Lao động đối chiếu thông tin trước khi vào phòng kiểm tra năng lực tiếng Hàn

17 địa phương được cấp phép

Theo ông Phạm Viết Hương - Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết, trong 6 tháng đầu năm, tình hình đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng có nhiều chuyển biến tích cực. Tính đến hết tháng 6-2024, cả nước đưa được hơn 78.000 người đi làm việc ở nước ngoài (đạt 62,4% kế hoạch năm). Tuy nhiên, tình trạng lừa đảo trong hoạt động đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài vẫn thường xuyên diễn ra, tính chất vẫn phức tạp và tinh vi.

Liên quan đến đưa lao động đi làm việc tại Hàn Quốc, Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết, chương trình lao động thời vụ diện visa E8 là chương trình hợp tác trực tiếp giữa địa phương của Việt Nam với địa phương của Hàn Quốc trên cơ sở thỏa thuận hợp tác được ký kết giữa địa phương 2 nước để tuyển chọn đưa người lao động (cư trú tại địa phương) sang làm việc thời vụ trong lĩnh vực nông nghiệp tại Hàn Quốc theo chương trình này.

Thời gian qua, mặc dù các cơ quan chức năng đã nhiều lần cảnh báo, khuyến cáo người lao động, nhưng vẫn tiếp tục xảy ra tình trạng đối tượng môi giới đưa tin, lừa đảo người lao động có nhu cầu đi làm việc thời vụ trong lĩnh vực nông nghiệp tại Hàn Quốc theo diện visa E8. Đến nay, có 17 địa phương gồm: Đà Nẵng, Đồng Tháp, Thái Bình, Hà Nam, Thừa Thiên Huế, Cà Mau, Quảng Bình, Hậu Giang, Hà Giang, Lai Châu, Tuyên Quang, Nam Định, Đăk Lăk, Yên Bái, Lâm Đồng, Bạc Liêu và Phú Yên đã ký thỏa thuận với địa phương của Hàn Quốc để đưa lao động thời vụ sang làm việc theo thị thực E8. Tại các địa phương triển khai chương trình này, việc tuyển chọn, làm hồ sơ, thủ tục và đưa người lao động đi làm việc do cơ quan chức năng của địa phương thực hiện.

Không chuyển tiền cho cá nhân, tổ chức khi chưa xác minh

Theo đại diện Cục Quản lý lao động ngoài nước, ngoài các kênh chính thống được bảo hộ như trên, người lao động hiện nay cũng có thể đi làm việc tại Hàn Quốc theo các kênh như đi du lịch, du học, kết hôn, thăm thân… rồi trốn lại làm lao động bất hợp pháp. Tuy nhiên, việc cư trú như vậy sẽ không đảm bảo quyền lợi cho người lao động.

Từ góc độ đơn vị tư vấn dịch vụ việc làm, ông Vũ Quang Thành - Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cho rằng, tình trạng lừa đảo đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài sẽ gây ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người lao động. Trong quá trình tiếp xúc, cán bộ Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội luôn tư vấn cho người lao động các thông tin để tránh khỏi bẫy lừa đảo của những đối tượng đang trục lợi từ hoạt động này, song nhiều người lao động cả tin vẫn mắc phải.

Do đó, ông Vũ Quang Thành cho rằng, điều quan trọng nhất với người lao động khi lựa chọn thị trường đi làm việc là cần tìm hiểu kỹ thông tin, tình hình hoạt động của đơn vị, doanh nghiệp đưa đi. Bên cạnh đó, cần tìm hiểu các chế độ quyền lợi, đặc biệt là tính pháp nhân, pháp lý. Với những đơn vị được quảng cáo đưa đi với mức phí rẻ hơn mà lại có yêu cầu và chế độ, mức lương tốt cũng cần cân nhắc, không nên vội tin tưởng.

Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước, người có nhu cầu đi xuất khẩu lao động nên liên hệ trực tiếp với các cơ quan chính quyền địa phương, trực tiếp là Phòng LĐ-TB&XH các huyện, thành phố hoặc trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh, thành phố để được hỗ trợ và hướng dẫn chi tiết. Tránh tin tưởng và chuyển tiền cho những cá nhân, công ty không rõ nguồn gốc hoặc không được cơ quan chức năng công nhận.

Hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là ngành nghề kinh doanh có điều kiện và phải được Bộ LĐ-TB&XH cấp giấy phép. Do đó, người lao động cần chủ động tìm hiểu trước thông tin về đơn vị đang thực hiện quảng cáo và đối chiếu với danh sách doanh nghiệp được cấp phép hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài được đăng tải trên trang thông tin điện tử của Cục Quản lý lao động ngoài nước (http://www.dolab.gov.vn). Khi phát hiện các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp có dấu hiệu lừa đảo, người lao động cần nhanh chóng trình báo cơ quan công an địa phương để ngăn chặn, xử lý kịp thời.