Lý giải việc nhiều người già bị lừa đến hàng chục tỷ đồng bởi điện thoại của "Công an" gọi đến

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Thời gian gần đây báo chí và các phương tiện thông tin đại chúng đã liên tục thông tin về các chiêu trò, thủ đoạn của tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua điện thoại, tuy nhiên, tại Hà Nội vẫn xảy ra rất nhiều vụ việc người cao tuổi bị lừa từ 1 tỷ đến gần 20 tỷ đồng.

"Ôm vốn liếng" cả đời nộp cho đối tượng lừa đảo

Như ANTĐ đã thông tin, ngày 5-5, Công an quận Tây Hồ, Hà Nội tiếp nhận đơn tố giác của bà T (SN 1947) trú tại Tây Hồ về việc bị chiếm đoạt tài sản.

Theo đơn trình báo, bà T có nhận được điện thoại của một đối tượng tự xưng là cán bộ Công an quận Hoàn Kiếm nói bà đang nợ ngân hàng 63 tỷ đồng. Sau đó đối tượng yêu cầu bà chuyển tiền vào tài khoản của đối tượng để xác minh.

Do lo sợ bà T đã chuyển khoản 6 lần với tổng số tiền là gần 18 tỷ đồng cho đối tượng. Sau đó, bà biết mình bị lừa nên đã đến cơ quan Công an trình báo.

Theo trình báo của bà T, số tiền 18 tỷ đồng bị các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt, bà có được chủ yếu là do mua bán đất trong nhiều năm.

Trước đó, ngày 5-4-2024, bà P (SN 1956, trú tại quận Hà Đông, Hà Nội) cũng bị nhóm đối tượng gọi điện thoại lừa đảo chiếm đoạt số tiền 15 tỷ đồng. Cụ thể, khi đang ở nhà một mình, bà P nhận được cuộc điện thoại từ số lạ người đầu dây tự xưng là nhân viên một công ty viễn thông, báo rằng bà sử dụng căn cước công dân số 03415600xxx của mình, để đăng ký sim và đang nợ cước tổng là 3.951.000 đồng.

Bà P phủ nhận nên đối tượng tự xưng là nhân viên công ty viễn thông thông báo sẽ liên hệ với cơ quan Công an để giải quyết.

Một lúc sau, có số điện thoại lạ gọi đến, tự xưng là cán bộ Công an và quả quyết là có ai đó dùng căn cước công dân số 03415600xxx để lập tài khoản ngân hàng A., rồi bán lại cho một đối tượng tên là Nguyễn Viết Long với giá 200 triệu đồng. “Hiện tại, đối tượng Long đã bị bắt và khai báo đang điều hành đường dây buôn bán ma túy, rửa tiền được hưởng lợi hơn 6 tỷ đồng”, vị “Công an” hé lộ và cho rằng bà P có liên quan đến đường dây mua bán ma túy này; và vài ngày nữa sẽ bắt bà.

Suốt quá trình nói chuyện, vị “Công an” yêu cầu bà P phải di chuyển ra khu vực vắng người, và tuyệt đối không hé lộ thông tin với bất kỳ ai.

Do lo sợ nên bà đã làm theo. Từ lúc này, cái bẫy đã chính thức ụp xuống đầu người phụ nữ.

Ban đầu, vị ”Công an” cung cấp cho bà P liên hệ với tài khoản zalo tên “Vinh Vinh”, và yêu cầu chuyển tiền vào cho chúng nhằm mục đích “xác minh số tiền vi phạm pháp luật”.

Năm nay gần 70 tuổi, sức khỏe không được tốt và hoàn cảnh gia đình rất khó khăn. Nghe vị “Công an” bắt chuyển tiền, rồi không được kể với người nhà, bà P nhớ đến số cổ phần, cổ phiếu chứng khoán mà hồi làm công ty Nhà nước, vợ chồng bà được mua. Hơn chục năm rồi, bà P. không giao dịch, và cũng chẳng biết là số cổ phần, cổ phiếu ấy giá trị bao nhiêu. Bà P quyết định dùng đến nó.

Trong ngày 5-4, bà P đã chuyển 32 lần tiền cho đối tượng, tổng số tiền 15.093.000.000 đồng, cũng là lúc, số cổ phần, cổ phiếu đã bán sạch. Đến khi ấy, bà mới biết bị lừa đảo, nên đến cơ quan Công an trình báo. Và cũng đến lúc ấy, người thân và bà P mới biết mình từng có số tiền lớn như vậy.

Nhiều cảnh báo đã được cơ quan chức năng phát đi. Thủ đoạn của tội phạm không mới. Nhưng đáng tiếc là danh sách các nạn nhân vẫn nối dài…

Hiện tại, Công an quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội đang điều tra, xác minh vụ đối tượng giả danh cán bộ Công an, lừa đảo chiếm đoạt hơn 1 tỷ đồng.

Cụ thể, ngày 24-5, Công an phường Đồng Xuân, quận Hoàn Kiếm tiếp nhận tin trình báo của bà N (SN 1953; trú tại quận Hoàn Kiếm) về việc bị chiếm đoạt tài sản.

Bà N tường trình có nhận được điện thoại của một người tự xưng là cán bộ Công an. Người này thông báo bà đang liên quan đến đường dây buôn bán ma túy, rửa tiền đồng thời yêu cầu bà cung cấp tài khoản ngân hàng để chứng minh không liên quan.

Do lo sợ nên bà N đã chuyển 1,1 tỷ đồng vào tài khoản của các đối tượng để xác minh. Sau đó, bà N biết mình bị lừa nên đã cơ quan Công an trình báo.

Không làm việc với người dân qua điện thoại...

Trong những vụ việc này, hầu hết bị hại là phụ nữ đã cao tuổi. Các đối tượng lợi dụng tâm lý lo sợ của các cụ bà khi có Công an gọi đến nhà để liên tiếp “tung đòn, ra chiêu" khiến các cụ sập bẫy.

Trao đổi với các bị hại của những vụ lừa đảo cho thấy, đa số vụ việc xảy ra các đối tượng phối hợp với nhau rất chuyên nghiệp, liên tiếp giở những mánh khoé thao túng tâm lý khiến bị hại tưởng thật. Điều đặc biệt, các đối tượng lừa đảo luôn đe doạ yêu cầu người bị hại phải giữ bí mật với người thân, gia đình, ra chỗ ít người để nói chuyện. Mấu chốt của vấn đề là các bị hại đã để cho các đối tượng lừa đảo có thời gian và cơ hội để thao túng tâm lý, đe dọa, dồn bị hại vào bẫy.

Trong tâm lý hoảng loạn, các cụ già quên hết những thông tin cảnh báo hàng ngày vẫn xem qua tivi, báo, đài. Chỉ đến khi tài khoản không còn đồng nào để chuyển cho các đối tượng, người bị hại mới sững sờ nhận ra mình đã “sập bẫy” kẻ lừa đảo.

Thực tế cho thấy, thủ đoạn mạo danh cơ quan tư pháp thực hiện cuộc gọi điện thoại lừa đảo chiếm đoạt tài sản tái diễn và thường nhắm vào người cao tuổi. “Đề nghị người dân thường xuyên nhắc nhở, phổ biến thủ đoạn mạo danh cơ quan tư pháp, ngân hàng, bưu điện thực hiện các cuộc gọi điện thoại lừa đảo đến người thân trong gia đình, đặc biệt là người cao tuổi để tránh bị mất tiền oan” - đại diện phòng chức năng CATP Hà Nội khuyến cáo.

Để làm việc với người dân, cơ quan Công an sẽ gửi giấy mời, giấy triệu tập, và không gọi điện thoại, tuyệt đối không yêu cầu người dân chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng.

Khi phát hiện các trường hợp có dấu hiệu lừa đảo như trên, người dân cần báo ngay cho cơ quan Công an nơi gần nhất.