Lý do Tổng thống Đức bị từ chối tiếp đón ở Ukraine

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Giới chính trị gia Đức phản ứng khá mạnh sau khi Ukraine được cho là từ chối chuyến thăm của Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier. Sau sự cố này, Ukraine đã có động thái giải thích, nhưng câu chuyện phần nào cho thấy rạn nứt trong quan hệ giữa Kiev và Berlin.
Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier đã thăm Ba Lan trong tuần qua nhưng không tới Ukraine như dự kiến

Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier đã thăm Ba Lan trong tuần qua nhưng không tới Ukraine như dự kiến

Giới chính trị gia Đức bất ngờ

Tổng thống Frank-Walter Steinmeier chuẩn bị thăm Kiev cùng với những người đồng cấp từ Ba Lan, Estonia, Latvia và Lithuania vào ngày 13-4. Tuy nhiên, trước đó một ngày, ông Walter Steinmeier nói rằng ông không được chào đón ở Thủ đô của Ukraine. Berlin cho đến nay vẫn chưa đưa ra lời giải thích chính thức nào về việc này.

Tổng thống Steinmeier cho biết hôm 12-4 rằng, ông đã lên kế hoạch gặp gỡ Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cùng các nhà lãnh đạo của Ba Lan và 3 nước Baltic tại Kiev. Kế hoạch của họ là đến Kiev để phát một tín hiệu mạnh mẽ về tinh thần đoàn kết chung của châu Âu đối với Ukraine. “Tôi đã sẵn sàng để thực hiện chuyến đi này nhưng dường như… đây không phải là mong muốn của Kiev” - Tổng thống Steinmeier khẳng định trong chuyến thăm Warsaw.

Việc Kiev từ chối tiếp ông Steinmeier, nhà lãnh đạo từng vận động cho quan hệ kinh tế gần gũi giữa Đức - Nga, đã dẫn đến phản ứng kịch liệt từ Đức. Nghị sĩ Michael Roth, chuyên gia chính sách đối ngoại của Đảng Dân chủ Xã hội (SPD) - đối tác hàng đầu trong chính phủ liên minh của Đức và chính đảng của ông Steinmeier trước khi ông nhậm chức tổng thống bày tỏ “sự thất vọng lớn” trước việc chuyến thăm bị hủy bỏ. “Ban đầu tôi không thể tin được. Đặc biệt là thời điểm hiện tại, điều quan trọng là phải tiếp tục đàm phán” - chính trị gia SPD nói với hãng tin Đức Der Spiegel.

Ngay sau sự cố, Ukraine tìm cách hàn gắn quan hệ ngoại giao với Berlin khi gửi lời mời đến Thủ tướng nước này là ông Olaf Scholz. Bản thân Thủ tướng Scholz gọi hành động trên của Ukraine là “gây khó hiểu” đồng thời khẳng định ông Steinmeier sẽ rất vui khi đến thăm Thủ đô của Ukraine và “sẽ rất tốt nếu Ukraine chào đón ông ấy”.

Phản ứng của Ukraine

Theo giới phân tích, ông Frank-Walter Steinmeier bị Ukraine từ chối đón tiếp do lập trường thân thiện với Nga. Ukraine có lần đã phàn nàn về sự thiếu đoàn kết từ Đức. Kiev tuyên bố rằng, Đức quá do dự trong việc cung cấp vũ khí và chỉ trích Berlin vì trì hoãn lệnh cấm vận năng lượng đối với Nga. Các chính phủ trước đây cũng không được tha thứ. Tổng thống Zelensky cũng nói rằng, Đức đã nhiều năm “treo” mong muốn trở thành thành viên EU và NATO của Kiev. Tất cả những điều này đã lên đến đỉnh điểm là chỉ trích nhắm vào Tổng thống Steinmeier, người từng giữ chức Ngoại trưởng và duy trì mối quan hệ tốt đẹp với Nga. Tuần trước, Tổng thống Steinmeier lần đầu tiên thừa nhận công khai rằng, ông “bị hiểu nhầm” về lập trường mềm mỏng của mình với Matxcơva, đặc biệt là trong vấn đề liên quan đến dự án đường ống dẫn khí đốt gây tranh cãi “Dòng chảy phương Bắc 2” và hiện dự án đã bị Berlin hủy bỏ.

Ngày 13-4, ông Steinmeier nhắc lại sự ủng hộ của mình đối với Ukraine, kêu gọi đoàn kết với Kiev và các biện pháp trừng phạt hơn nữa đối với Nga. “Cần phải có những biện pháp trừng phạt cứng rắn nhất mà châu Âu từng áp dụng để thuyết phục ông Putin chấm dứt xung đột. Các biện pháp trừng phạt có hậu quả hữu hình và khó khăn cho chúng tôi. Đoàn kết cũng có nghĩa là sẵn sàng chịu gánh nặng” - ông nói tại một cuộc triển lãm khai mạc tại Bảo tàng Do Thái Berlin.

Giải thích về quyết định mới nhất của Kiev, cố vấn của Tổng thống Volodymyr Zelensky đã nói với tờ Die Welt rằng, Ukraine sẽ chào đón bất kỳ quan chức cấp cao nước ngoài nào miễn là họ đi kèm với đề nghị cụ thể liên quan đến hỗ trợ kinh tế hoặc quân sự, “Bất kỳ chuyến thăm nào diễn ra ngày nay đều có kết quả cụ thể” - ông Igor Zhovkva nói với hãng tin Đức. Sau đó, ông tiếp tục gợi ý rằng, Đức có thể đặt lệnh cấm vận đối với dầu của Nga, cung cấp cho Kiev “thiết bị hạng nặng”, hoặc “đảm bảo” về khả năng Ukraine gia nhập Liên minh châu Âu (EU).

Mặc dù sự cố ngoại giao này phần nào cho thấy rạn nứt trong quan hệ giữa Kiev và Berlin, nhưng nhiều người tin rằng tiếp tục cầu nối giữa 2 bên là điều cần thiết. Bởi không thể phủ nhận, Đức là một trong những đối tác hàng đầu trong việc hỗ trợ tài chính cho Ukraine, hỗ trợ nhân đạo, giúp đỡ những người tị nạn trên quy mô lớn và ngày càng gửi nhiều vũ khí hơn cho Kiev.