Lương thực tăng giá, vựa lúa tăng đói nghèo

ANTĐ - Giá lương thực, thực phẩm tăng mạnh, song, đối tượng được hưởng lại không phải là nông dân. Trái lại việc tăng giá lương thực, thực phẩm làm tăng tỷ lệ đói nghèo ở nông dân, nhất là nông dân vùng vựa lúa.

Nông dân bị tác động mạnh nhất trong cuộc tăng giá lương thực

Ngũ cốc tăng 200%

Giá lương thực, thực phẩm tăng mạnh trong thời gian qua đã giúp làm tăng phúc lợi bình quân của nông dân Việt Nam thêm 7,5%. Tuy nhiên chỉ có 37,4% số hộ gia đình hưởng lợi từ sự tăng giá này, còn nhiều hộ gia đình nghèo, những đối tượng thiếu đói lương thực lại không được hưởng lợi mà trái lại, tăng giá lương thực, thực phẩm đã làm tăng tỷ lệ nghèo thêm 2,1% và cũng làm cho khoảng cách giàu, nghèo tăng lên. Đó là kết quả của cuộc khảo sát vừa được ông Phùng Đức Tùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Nghiên cứu và Tư vấn Đông Dương phối hợp với Trung tâm Thông tin phát triển nông nghiệp, nông thôn công bố.

Theo ông Tùng, thực phẩm trên thị trường thế giới đã tăng tới 80% trong năm 2008, riêng giá lương thực tăng tới 230%. Sau đó, giá giảm đi đôi chút trong năm 2009, nhưng lại tăng mạnh từ cuối năm 2010 cho đến nay, mức tăng cao hơn cả năm 2008. Khủng hoảng giá lương thực, thực phẩm đang gây ra những lo ngại rất lớn đối với Chính phủ các nước cũng như các tổ chức quốc tế.

Theo ước tính của Ngân hàng Thế giới, khủng hoảng giá lương thực trong giai đoạn vừa qua có thể đã đẩy thêm 100 triệu người trên toàn cầu rơi vào nghèo đói và làm tăng thêm 4,8% dân số thế giới bị suy dinh dưỡng. Việt Nam cũng không nằm ngoại lệ bởi tác động của khủng hoảng giá lương thực, thực phẩm do nền kinh tế ngày càng hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới. Dù Chính phủ đã áp dụng hạn ngạch xuất khẩu gạo nhằm hạn chế tác động đến giá lương thực trong nước, nhưng giá lương thực trong nước vẫn tăng 70%, đặc biệt giá ngũ cốc đã tăng 200% trong 3 năm qua.

Ông Tùng phân tích, về mặt lý thuyết, khủng hoảng giá lương thực tạo lợi thế và đem lại lợi ích cho Việt Nam, vì nước ta là quốc gia xuất khẩu nông sản hàng đầu thế giới, đặc biệt là xuất khẩu gạo. Song thực tế cho thấy, nhóm các mặt hàng vật tư nông nghiệp cũng đã tăng rất mạnh.

Đói nghèo vùng ĐBSCL cao nhất

Khủng hoảng giá lương thực, thực phẩm đã làm tăng tỷ lệ nghèo ở Việt Nam thêm 2,1%. Đáng chú ý, nếu tính theo vùng, tăng giá lương thực đã làm tỷ lệ nghèo tại ĐBSCL tăng 6,1% - cao nhất cả nước. Ngoài ra, kết quả khảo sát còn chỉ ra, số hộ gia đình không có đất tại vựa lúa ĐBSCL chiếm tỷ lệ rất lớn. Đây có thể là nguyên nhân chính khiến tỷ lệ nghèo vùng vựa lúa ĐBSCL tăng cao nhất cả nước.

Ông Trịnh Văn Tiến, Trưởng phòng Phân tích ngành hàng, Viện nghiên cứu Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn cho hay, nhìn vào bối cảnh hiện tại, đầu tháng 10 tới, Chính phủ sẽ thực hiện việc tăng lương cơ bản. Giá gạo thế giới được dự báo sẽ tiếp tục tăng nhưng đối với các hộ trồng lúa khu vực ĐBSCL kể cả đạt mức lợi nhuận 30% thì mức thu nhập của họ cũng không đạt được 1 USD/ngày. Điều này lý giải vì sao, giá gạo liên tục tăng cao nhưng người nông dân lại không mặn mà với trồng lúa, đặc biệt là với các hộ đi làm thuê nông nghiệp.

Bên cạnh những lợi ích do tăng giá lương thực mang lại, việc giảm thiểu tác hại cần được xem xét thận trọng trong các chính sách của Chính phủ. Chính phủ đưa ra một số chính sách như tăng lương tối thiểu, tuy nhiên, nếu xét theo từng thành phần được thụ hưởng trong xã hội, tăng lương cơ bản chỉ đảm bảo tác động đến khu vực trí thức, khu vực người hưởng lương từ nhà nước. Nhóm lao động làm thuê trong nông nghiệp bị tác động nhiều nhất lại chưa có chính sách hỗ trợ tương ứng . “Có thể lấy phần lợi từ xuất khẩu gạo, lương thực để bù đắp cho nhóm này”, ông Tùng đề xuất.