Lượng khí tự nhiên hóa lỏng mà châu Âu hy vọng sẽ trôi sang châu Á?

ANTD.VN - Người đứng đầu công ty dầu khí Total của Pháp dự đoán tình hình sẽ trở nên trầm trọng hơn với nguồn cung khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) trong năm nay.

Những biện pháp trừng phạt được Brussels đưa ra chống lại Moskva có nghĩa là châu Âu sẽ nhận được ít khí đốt đường ống của Nga hơn trong năm nay, và EU sẽ lại phải nhập khẩu khí tự nhiên hóa lỏng đắt tiền với số lượng lớn.

"Sự hỗn loạn trên thị trường khí đốt được dự báo sẽ gia tăng", người đứng đầu công ty dầu khí Total của Pháp - ông Patrick Pouyanne đã đưa ra cảnh báo nói trên trong cuộc trả lời phỏng vấn hãng tin Bloomberg.

Vì lợi ích an ninh năng lượng của mình, châu Âu cần quan tâm đến việc tìm kiếm các nhà cung cấp khí đốt thay thế và bắt đầu ký kết thỏa thuận nhiên liệu dài hạn. Tuy vậy, không ai đảm bảo đối tác mới sẽ thay thế được vai trò của Nga.

"Vấn đề khí đốt ngày nay khiến người dân châu Âu lo lắng, sự quan ngại của họ là hoàn toàn hợp lý", ông Alexander Frolov - Phó tổng giám đốc Viện Năng lượng Quốc gia cho biết trong một cuộc trả lời phỏng vấn tờ PolitExpert (PE).

“Liên minh châu Âu đã chuẩn bị cho tình hình kinh tế hiện tại nhờ vào khối lượng khí đốt mà họ đã mua từ Liên bang Nga dọc theo các tuyến đường hiện không thể tiếp cận, đó là các đường ống Nord Stream và Yamal - Europe".

"Tuy vậy hợp tác bị cản trở, tuyến ống Yamal - Europe trở thành chủ đề của một cuộc đối đầu trừng phạt. Và bây giờ Tập đoàn Gazprom không có quyền sử dụng hướng đi này để cung cấp khí đốt cho châu Âu".

"Trên lãnh thổ Nga, do nhiều biện pháp hạn chế liên quan đến việc không thể tiếp cận cơ sở hạ tầng, khoảng 100 tỷ mét khối khí đốt mỗi năm đang bị khóa. Đây là một khối lượng chắc chắn có tác động gián tiếp đến thị trường châu Âu”, người đối thoại của tờ PE cho biết.

Bên cạnh đó, ông Frolov nêu tên hai rủi ro đối với ngành công nghiệp của EU. Ngay cả khi tính đến nhu cầu ở châu Âu giảm 60 tỷ mét khối vào năm ngoái, thì họ vẫn cần khoảng 40 - 50 tỷ mét khối.

Vào năm 2022, khối lượng này đã được mua dưới dạng LNG. Tuy nhiên, hiện nay có một mối đe dọa đối với việc cung cấp khối lượng bổ sung trong bối cảnh nhu cầu tại châu Á đang tăng lên và báo giá luôn cao hơn so với châu Âu trong tháng trước.

“Khối lượng bổ sung mà châu Âu đã nhận được vào năm 2022 có thể chuyển sang châu Á và Tập đoàn Total nhận thức được rủi ro này, vì họ là một trong ba nhà nhập khẩu LNG hàng đầu từ Mỹ".

"Doanh nghiệp Pháp có hợp đồng dài hạn với các nhà máy của Mỹ, và họ đang đưa LNG đến những nơi mà khách hàng phải trả nhiều tiền hơn cho nó".

"Vào năm 2022, Châu Âu đã trả nhiều tiền hơn và Total rất vui khi gửi tất cả khối lượng LNG ở đó, nhưng nếu Châu Á trả nhiều tiền hơn vào năm 2023, Total có thể sẽ điều hướng những con tàu của mình sang phương Đông", chuyên gia Frolov dự đoán.

"Khoảnh khắc nguy hiểm thứ hai liên quan đến thực tế là khí đốt của Nga đang trở nên không có sẵn với số lượng đủ để chống lại rủi ro này. Và để mua ở một nơi khác với số tiền tương tự thậm chí về mặt lý thuyết là không thể", ông Frolov tiếp tục.

Các vấn đề về cơ sở hạ tầng, đối đầu với lệnh trừng phạt có thể dẫn đến tình trạng thiếu khí đốt ở thị trường châu Âu và trong tương lai - nhu cầu sẽ giảm dưới áp lực của giá cao.

Đây là phản ứng duy nhất mà châu Âu có thể đưa ra nhằm chống lại thách thức này trong một cuộc khủng hoảng, nhà phân tích người Nga kết luận.