Lúng túng việc ngăn chặn sinh vật ngoại lai xâm hại

ANTĐ - Hàng loạt loài sinh vật ngoại lai xâm hại như ốc bươu vàng, rùa tai đỏ, cây trinh nữ đầm lầy (mai dương)... gây tổn hại đa dạng sinh học, ảnh hưởng tới sức khỏe, môi trường, kinh tế và an ninh lương thực đã xuất hiện tại Việt Nam nhưng giải pháp để ngăn chặn vẫn chưa thực sự hiệu quả. 
Cơ quan quản lý cần nâng cao năng lực nhận diện, quản lý sinh vật ngoại lai

Du nhập theo 3 con đường

Ông Nguyễn Thế Đồng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết, mặc dù các loài sinh vật ngoại lai có tác hại lớn, nhưng các hạn chế trong việc nhận diện, phòng ngừa các nguy cơ này lại xuất phát từ chính các cơ quan quản lý. “Chúng ta đã gặp phải bài học đắt giá qua sự bùng phát ốc bươu vàng. Nhưng đến nay, sự du nhập nhiều loài sinh vật ngoại lai xâm hại vẫn chưa được kiểm soát”, ông Nguyễn Thế Đồng nhấn mạnh.

Ông Mai Hồng Quân - Cục Bảo tồn đa dạng sinh học (Tổng cục Môi trường) cho biết, hiện sinh vật ngoại lai xâm hại đang du nhập vào Việt Nam rất phức tạp. Sự xuất hiện của các loài này đã gây nhiều tác hại cho các hệ thống thủy lợi, gây nhiều thiệt hại cho trồng trọt, chăn nuôi, làm giảm sản lượng nông sản, giảm giá trị và hiệu quả sản xuất... Đáng chú ý là dịch ốc bươu vàng, cây mai dương, rùa tai đỏ, bèo Nhật Bản. 

Theo các chuyên gia, quá trình toàn cầu hóa, với sự gia tăng các hoạt động thương mại, du lịch, vận chuyển hàng hóa xuyên biên giới đã tạo cơ hội cho sự du nhập, lan truyền của nhiều sinh vật ngoại lai. Theo thống kê, số lượng thực vật ngoại lai nhập nội ở Việt Nam có 94 loài. Các loài động vật thủy sinh ngoại lai đang tồn tại ở Việt Nam là 48 loài, trong đó 24 loài có tiềm năng gây hại và 14 loài gây hại.  

“Các loài sinh vật ngoại lai xâm hại chủ yếu du nhập qua 3 con đường. Cụ thể là con đường tự nhiên như theo dòng nước, gió, bão. Con đường thứ 2 là du nhập không chủ đích do được vận chuyển qua lại, buôn bán thương mại hàng hóa. Và con đường thứ 3 là du nhập có chủ đích qua hoạt động buôn bán, trao đổi hàng hóa”, ông Mai Hồng Quân cho biết.

Khó quản lý, kiểm soát

Ông Mai Hồng Quân cho biết,  tất  cả  các  loài  sinh  vật ngoại lai được phát hiện ở Việt Nam đều là những loài đã  được  liệt  kê trong  danh  sách 100 sinh vật ngoại lai xâm lấn nguy hiểm trên thế giới. Tuy vậy, việc nhận diện loài và quy định đối với các loài sinh vật nguy hại này ở các cấp cơ quan từ Trung ương tới địa phương còn nhiều hạn chế. 

Theo kết quả điều tra, đánh giá của Cục Bảo tồn đa dạng sinh học, có tới 90% cán bộ được hỏi thuộc cấp quản lý Trung ương và trên 90% cán bộ được hỏi thuộc cấp địa phương đánh giá cơ quan công tác chưa đủ khả năng, năng lực quản lý sinh vật ngoại lai xâm hại do chưa có cán bộ hiểu biết về sinh vật ngoại lai hay do chưa có đủ phương tiện vật chất, kỹ thuật, tài chính...

Cơ quan Hải quan là đơn vị thực thi kiểm soát việc nhập khẩu sinh vật ngoại lai nhưng việc nhận diện các loài sinh vật ngoại lai xâm hại còn hạn chế. Có khoảng 60% cán bộ được hỏi tại Sở Tài nguyên - Môi trường và Chi cục Hải quan địa phương không nhận biết được một số loài là sinh vật ngoại lai xâm hại. 

Trước thực tế trên, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Văn Khương cho rằng: “Đã có nhiều văn bản quy định về sinh vật ngoại lai, nhưng dường như việc nhận diện và xử lý chúng, đối với các cơ quan chức năng còn hạn chế. Nếu thực tế này không được khắc phục, thì sinh vật ngoại lai không ngừng phát sinh và sẽ gây ra những hậu quả nặng nề”.

Tăng cường quản lý sinh vật ngoại lai

Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện đã có 20 loài ngoại lai có nguy cơ xâm hại xuất hiện ở nước ta, gây tác động lên tài nguyên môi trường, đa dạng sinh học, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân, nhất là gây thiệt hại cho trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, thủy sản. 

Các chuyên gia đều cho rằng, cần chú trọng đến các biện pháp tăng cường năng lực quản lý sinh vật ngoại lai xâm hại như phân loại giám định, phát hiện sớm sự xâm nhập của sinh vật ngoại lai, đồng thời nâng cao nhận thức cho cán bộ quản lý và cộng đồng dân cư về các loài sinh vật này.