Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở là đòi hỏi cấp bách của thực tiễn

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Từ thực tiễn công tác tại các tỉnh Tây Nguyên trong nhiều năm, ĐBQH Dương Khắc Mai (đoàn Đắk Nông) khẳng định, việc thành lập lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở là đòi hỏi cấp bách…
ĐBQH Trần Thị Thu Phước phát biểu

ĐBQH Trần Thị Thu Phước phát biểu

Thảo luận tại Quốc hội về dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự (BVANTT) ở cơ sở sáng 27-10, đa phần ý kiến ĐBQH đồng tình với sự cần thiết phải ban hành luật này nhằm góp phần nâng cao BVANTT quốc gia và TTATXH trong tình hình mới.

Đại biểu Trần Thị Thu Phước (đoàn Kon Tum) cho rằng, đây là dự án luật đột phá và thiết thực. Theo đại biểu, để đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra trong giai đoạn hiện nay, lực lượng công an đã được tổ chức chính quy thành 4 cấp, từ cấp Bộ đến cấp xã.

Tuy nhiên do biên chế phân định hạn chế và ít được bổ sung nên đến nay mỗi xã chỉ bố trí 5 công an chính quy, tối đa 9 người.

“Do vậy, nếu Luật Lực lượng BVANTT ở cơ sở được Quốc hội thông qua thì sẽ giúp huy động được nguồn lực để hỗ trợ lực lượng công an trong giữ gìn an ninh trật tự ngay từ ban đầu” - đại biểu Trần Thị Thu Phước phân tích.

Đại biểu Dương Khắc Mai phát biểu

Đại biểu Dương Khắc Mai phát biểu

Đồng quan điểm, đại biểu Dương Khắc Mai (đoàn Đắk Nông) nêu bản thân ông đã có thực tiễn công tác nhiều năm tại các tỉnh Tây Nguyên.

Qua đó nhận thấy, nếu Luật Lực lượng BVANTT ở cơ sở được thông qua tại Kỳ họp lần này sẽ đáp ứng kịp thời yêu cầu đòi hỏi cấp bách của thực tiễn về BVANTT ở cơ sở, đảm bảo cho nhân dân sống trong môi trường xã hội an toàn trước diễn biến phức tạp của tình hình ANTT với nhiều loại tội phạm và hành vi vi phạm pháp luật ở cơ sở hiện nay.

Góp ý vào một số nội dung cụ thể, đại biểu Dương Khắc Mai đề nghị cân nhắc bổ sung quy định về quyền hạn đối với lực lượng tham gia BVANTT ở cơ sở; bổ sung thêm nội dung lực lượng tham gia BVANTT ở cơ sở phối hợp với Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố, Trưởng Ban Công tác Mặt trận trong việc xây dựng hương ước, quy ước của thôn, tổ dân phố về nội dung đảm bảo ANTT ở cơ sở…

Trong khi đó, đại biểu Đào Hồng Vận (đoàn Hưng Yên) góp ý: Không nên mở rộng phạm vi điều chỉnh dự thảo luật. Theo đại biểu, tại điều 46 Hiến pháp năm 2013, mọi công dân đều có nghĩa vụ tham gia bảo vệ an ninh quốc gia, TTATXH.

“Việc mở rộng phạm vi điều chỉnh đối với lực lượng thuộc các tổ chức hội, đoàn thể, lực lượng tình nguyện, tự quản bảo vệ cơ quan doanh nghiệp bảo vệ chung cư… sẽ không phù hợp về vị trí vai trò cũng như là tính chất hoạt động của lực lượng do chính quyền thành lập với lực lượng hoạt động tự nguyện, tự quản ở cộng đồng dân cư cơ sở” – ông Vận nói.

Đại biểu Đào Hồng Vận phát biểu

Đại biểu Đào Hồng Vận phát biểu

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) có chung quan điểm khi cho rằng, không nên mở rộng phạm vi điều chỉnh của Luật đối với các tổ chức tự nguyện, tự quản khác hỗ trợ lực lượng công an đảm bảo ANTT ở cơ sở vì sẽ không phù hợp với vị trí, vai trò cũng như tính chất hoạt động của tổ chức do chính quyền thành lập.

Cũng qua thảo luận, nhiều ĐBQH khác quan tâm đến việc bảo đảm chế độ, chính sách cho lực lượng tham gia BVANTT ở cơ sở. Đại biểu Hoàng Ngọc Định (đoàn Hà Giang) đề nghị Quốc hội xem xét bổ sung quy định về cơ chế hỗ trợ các địa phương khó khăn về ngân sách, không cân đối được ngân sách để bảo đảm chế độ, chính sách cho lực lượng này.