Luận án tiến sĩ "áo ngực" được bảo vệ thành công, là công trình khoa học nghiêm túc

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Ngày 12/10, luận án tiến sĩ gây nhiều tranh luận khi đề cập về "áo ngực" của "nữ sinh Bắc Việt Nam" đã được bảo vệ thành công.

Ngày 12/10, luận án tiến sĩ "Nghiên cứu ảnh hưởng của đặc điểm nhân trắc ngực nữ sinh Bắc Việt Nam tới áp lực và độ tiện nghi áp lực của áo ngực" của nghiên cứu sinh Lưu Thị Hồng Nhung đã được bảo vệ thành công trước Hội đồng đánh giá luận án tiến sĩ cấp trường (họp tại trường Đại học Bách khoa Hà Nội).

Trước đó, luận án này gây nhiều ý kiến tranh luận trên các diễn đàn do có tiêu đề về "áo ngực" của "nữ sinh Bắc Việt Nam". Bình luận trên mạng xã hội có người đặt vấn đề: "Tên đề tài rất lạ, liệu rằng có giống với đề tài nghiên cứu và phát triển môn cầu lông hay không? Cần các chuyên gia, hội đồng đánh giá một cách khách quan về chất lượng những đề tài này để giới khoa học yên tâm về các kết quả nghiên cứu, tránh gây lãng phí".

7/7 thành viên Hội đồng bỏ phiếu tán thành luận án tiến sĩ về áo ngực

7/7 thành viên Hội đồng bỏ phiếu tán thành luận án tiến sĩ về áo ngực

Trước nhiều ý kiến trái chiều, nhiều nhà khoa học lo ngại tình trạng "nhìn tên đề tài rồi chỉ trích", bởi việc này có thể làm các nghiên cứu sinh, các nhà khoa học chùn bước, e dè khi chọn đề tài cho các công trình khoa học.

TS Lưu Thị Tho, Trường đại học Công nghiệp Hà Nội, đánh giá luận án tiến sĩ của nghiên cứu sinh Lê Thị Hồng Nhung là công trình khoa học nghiên cứu nghiêm túc, thiết thực và đủ đáp ứng nhu cầu của luận án tiến sĩ công nghệ dệt may.

PGS.TS Phan Thanh Thảo, Viện trưởng Viện dệt may, da giầy và thời trang, trường ĐH Bách khoa Hà Nội nêu quan điểm, đề tài nghiên cứu về áo ngực phụ nữ trên mang ý nghĩa khoa học và giá trị thực tiễn lớn.

Áo ngực nữ có vai trò đặc biệt quan trọng với cảm nhận và ảnh hưởng tới sức khỏe của người mặc. Áo ngực không phù hợp có thể làm người mặc thấy khó chịu, hạn chế lưu thông máu, đau nhức, tổn thương trên da… Vì vậy, đề tài có tính cấp thiết rất lớn.

Được biết, Hội đồng đánh giá luận án tiến sĩ gồm: Chủ tịch hội đồng, Thư ký hội đồng, 3 chuyên gia phản biện và 2 Ủy viên hội đồng. Theo biên bản họp Hội đồng đánh giá luận án tiến sĩ cấp trường của nghiên cứu sinh Lưu Thị Hồng Nhung, trên cơ sở kết quả bỏ phiếu đánh giá, có 7/7 thành viên Hội đồng bỏ phiếu tán thành, trong đó có 3 phiếu xếp loại xuất sắc.

Hội đồng đề nghị Trường ĐH Bách khoa Hà Nội công nhận học vị và cấp bằng tiến sĩ cho nghiên cứu sinh Lưu Thị Hồng Nhung.