Lừa đảo lấy lại tiền bị lừa - chiêu trò "thừa nước đục thả câu"

ANTD.VN -  Gần đây không chỉ nở rộ các hình thức lừa đảo qua mạng xã hội, mà còn có hình thức "thừa nước đục thả câu", đánh vào tâm lý hoang mang của những người vừa bị mất tiền. Các đối tượng xấu đã đóng vai luật sư, nhân viên ngân hàng, kỹ sư công nghệ thông tin...cung cấp "dịch vụ hỗ trợ lấy lại tiền bị lừa" nhưng thực chất là để đưa nạn nhân "vào tròng" thêm một lần nữa.

60% bị hại tiếp tục bị lừa thêm lần nữa

Chỉ với từ khóa "lấy lại tiền lừa đảo", người sử dụng mạng xã hội Facebook có thể tiếp cận với hàng trăm hội nhóm na ná nhau, trong đó có nhiều hội nhóm lên tới hàng trăm ngàn thành viên, như "tiếp nhận hồ sơ", "hỗ trợ lấy lại tiền bị treo", "thu hồi tiền lừa đảo", "thu hồi tiền treo trên sàn thương mại điện tử", "thu hồi tiền treo không cần cọc"…

Mới đây, Công an thành phố Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông đã đấu tranh, triệt phá 1 nhóm đối tượng là học sinh vừa tốt nghiệp trung học phổ thông lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng thủ đoạn “hỗ trợ lấy lại tiền bị lừa đảo” trên mạng xã hội.

Các đối tượng trong nhóm lừa đảo lấy lại tiền bị lừa

Từ tháng 3/2024 đến ngày 25/7/2024 các đối tượng đã lừa đảo và chiếm đoạt số tiền trên 721 triệu đồng của 135 bị hại trên địa bàn thành phố Gia Nghĩa và các tỉnh, thành phố khác trong cả nước.

Theo thống kê ở các vụ lừa đảo kép, nạn nhân không biết rằng, các tài khoản tự xưng là hỗ trợ lấy lại tiền cũng chính là tài khoản lừa đảo ban đầu. Đặc biệt từ tháng 5-2024 đến nay, 60% bị hại của các vụ lừa đảo qua mạng lại bị lừa thêm một lần nữa.

Cẩn trọng tiền mất, tật mang

"Lấy lại tiền bị lừa" là một chiêu trò tinh vi đánh vào tâm lý của những người đã từng là nạn nhân, bị lừa bằng nhiều hình thức như bị dụ dỗ, gạ gẫm tham gia vào các nhóm làm nhiệm vụ kiếm thêm thu nhập, các sàn giao dịch tài chính, các trang web chơi game lừa đảo. Sau khi bị lừa một số tiền lớn, nhiều người có nhu cầu lấy lại tiền nhưng vì nhiều lí do lại không đến trình báo cho lực lượng chức năng.

Những kẻ lừa đảo này thường xuất hiện trên mạng xã hội hoặc sử dụng quảng cáo từ khóa, email với nội dung ghi rõ họ có thể giúp lấy lại tiền mà nạn nhân đã mất. Chúng tạo ra các trang web giả mạo các hãng luật uy tín, các lực lượng an ninh mạng và sử dụng nhiều câu chuyện hư cấu về những người đã lấy lại tiền thành công... để tăng uy tín cho bản thân, từ đó lấy được sự tin tưởng từ các nạn nhân.

Nhan nhản các trang lừa đảo lấy lại tiền bị lừa trên mạng

Theo Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT), hình thức lừa đảo "lấy lại tiền bị lừa" đang tràn lan trên mạng xã hội, người dân cần đặc biệt lưu ý và tìm hiểu những dấu hiệu để nhận biết và phòng tránh kịp thời.

Cụ thể, các đối tượng tạo lập các tài khoản ảo, không có thông tin rõ ràng về công ty, địa chỉ hoặc các thông tin liên hệ. Đối tượng lừa đảo chạy quảng cáo các bài đăng với nội dung "hỗ trợ lấy lại tiền", "cam kết lấy lại được tiền bị lừa", bên dưới là những bình luận cảm ơn đã lấy lại tiền bằng những tài khoản ảo khác.

Sau khi được người dùng liên hệ, các đối tượng nhiệt tình tư vấn, đồng thời liên tục hứa hẹn, cam kết lấy lại 100% số tiền đã mất. Tiếp đó, đối tượng yêu cầu nạn nhân cung cấp các thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng, số tiền đã bị lừa và chuyển khoản tiền "phí dịch vụ”. Tuy nhiên, ngay lập tức nhân viên thông báo tài khoản ngân hàng bị lỗi và không cho rút tiền về. Khi nạn nhân thắc mắc thì đối tượng sẽ chặn toàn bộ liên lạc.

Người dân nên tìm hiểu kỹ thông tin và tham khảo ý kiến từ các cơ quan chức năng trước khi thực hiện bất kỳ giao dịch nào, đặc biệt là cần nâng cao cảnh giác và nhận thức về các thủ đoạn lừa đảo mới.