Lỏng lẻo quản lý chất lượng công trình giao thông

ANTĐ - Trong bối cảnh ùn tắc và mất an toàn giao thông là điểm nóng mà nguyên nhân là do hạ tầng cơ sở yếu kém, chất lượng đường sá xuống cấp. Song, việc quản lý chất lượng các công trình giao thông vẫn còn nhiều bất cập.

Công trình đường vành đai 3 sẽ bị thanh tra trong thời gian tới

Các khâu đều có vấn đề

Tổng cục Đường bộ (TCĐB) Việt Nam cho biết, trong năm 2011, đơn vị này được giao 106 dự án về giao thông, trong đó, 39 dự án đang thực hiện đầu tư do TCĐB làm chủ đầu tư, 10 dự án ODA và 45 dự án chuẩn bị đầu tư. Ngoài ra, cũng đơn vị này là cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền 22 dự án BOT. Hàng năm, Ngân sách Nhà nước chi hàng nghìn tỷ đồng để xây dựng các dự án này. Tuy nhiên, quản lý chất lượng các công trình, dự án nhiều khâu có vấn đề, khiến chất lượng đường sá, cầu cống cũng theo đó mà đi xuống.

Bằng chứng là trong năm 2011, nhiều công trình giao thông đã liên tiếp gặp sự cố như cầu Thanh Trì, dự án sửa chữa mặt cầu Thăng Long, QL1A đoạn tránh Hà Tĩnh… Trước thực trạng đó, Bộ GTVT đã ra quyết định thanh tra 6 dự án trọng điểm. Ông Nguyễn Đức Thắng, Phó Tổng cục trưởng TCĐB Việt Nam nhận định, công tác quản lý chất lượng xây dựng cơ bản có vấn đề ở tất cả các khâu, từ chủ đầu tư, tới ban QLDA, tư vấn kỹ thuật, tư vấn giám sát (TVGS)… “Các ban QLDA chưa phát huy được vai trò, nhiệm vụ của đại diện chủ đầu tư giao, ý thức trách nhiệm chưa cao, chưa nhận thức được ý nghĩa quan trọng mang tính sống còn của công tác chất lượng. Kiểm tra chất lượng công trình còn nhiều sơ hở, dẫn đến công trình vừa bàn giao đưa vào khai thác đã hư hỏng”.

Đặc biệt, công tác kiểm tra, giám sát hiện trường, lựa chọn nhà thầu tư vấn, Ban QLDA còn buông lỏng, giao hết trách nhiệm cho TVGS nên khi chất lượng công trình có vấn đề phải nhờ phản ánh mới biết, gây bức xúc trong dư luận, thậm chí còn đồng tình với nhà thầu bao che lẫn nhau. Trong khi đó, các tư vấn trong thực hiện dự án còn nhiều tồn tại, chậm trễ, nhiều sai sót, từ tư vấn thiết kế đến tư vấn thẩm định khiến nhiều công trình và thi công xong đưa vào sử dụng đã xảy ra lún, nứt, sụt trượt.

Báo động về chất lượng tư vấn

“Chất lượng hoạt động của TVGS là vấn đề đáng phải báo động cả về năng lực và trách nhiệm đối với công tác quản lý chất lượng công trình”, ông Thắng cho biết. Theo đó, nhiều tổ chức TVGS sử dụng nhân sự không đáp ứng được yêu cầu về chất lượng và số lượng, thậm chí, TVGS không bám địa bàn, khi cần mới xuống hiện trường làm thủ tục. Ngay cả việc nghiệm thu công trình, theo ông Thắng, cũng còn mang tính hình thức, nể nang. Ông này lấy dẫn chứng, dự án cải tạo, nâng cấp QL10, dù 18 lần đi nghiệm thu, có đầy đủ thành phần các bên nhưng đều bỏ qua phần thi công cống rãnh, ổ gà, thậm chí đã được nhắc nhở về vấn đề này. Trong bối cảnh hạ tầng giao thông còn yếu, tốc độ phát triển phương tiện nhanh mà tồn tại những con người với sức ỳ và tư duy trì trệ như vậy thì khó lòng tốt lên được. Do vậy, ông Thắng kiến nghị, trong giai đoạn tới, sẽ không để ban QLDA lựa chọn nhà thầu tư vấn kiểm định, TVGS mà sẽ thí điểm giao về cho Cục Quản lý xây dựng đường bộ lựa chọn.

Kết quả thanh tra 6 công trình giao thông trọng điểm năm 2011 cho thấy có vấn đề ở hầu hết các khâu nhưng đến nay, các đơn vị, cá nhân có liên quan vẫn chưa bị kiểm điểm trách nhiệm bởi công tác quản lý chồng chéo, thay đổi liên tục người có trách nhiệm. Theo Thứ trưởng Bộ GTVT, kiêm Tổng cục trưởng TCĐB Nguyễn Ngọc Đông, trong năm 2012, cần sớm xây dựng cơ chế trách nhiệm với đơn vị, cá nhân tham gia xây dựng cơ bản, đặt biệt với chất lượng công trình. Trách nhiệm sẽ do người duyệt dự án chịu.

Ngành giao thông đang tăng cường thu các loại phí để phục vụ yêu cầu xây dựng hạ tầng, duy tu, bảo dưỡng đường sá, cầu cống. Sử dụng đường thì phải trả phí, nhưng đồng tiền của nhân dân đóng góp liệu đã được sử dụng đúng và nghiêm khi mà còn quá nhiều tồn tại về chất lượng công trình.