Lợi ích ràng buộc khiến Mỹ và phương Tây “hạ nhiệt” căng thẳng với Nga

ANTD.VN - Trong bối cảnh quan hệ giữa Nga với Mỹ và các đồng minh châu Âu đã xuống đến mức thấp nhất kể từ “Chiến tranh lạnh”, một loạt những tuyên bố gần đây của Matxcơva và Washington đang phát đi những tín hiệu tích cực.
  1. Sự thất hứa của Mỹ và phương Tây

Mới đây, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết, Mỹ và Nga đã nhất trí cuộc tiếp xúc song phương giữa các nhà đàm phán hai nước sẽ diễn ra vào vào đầu năm tới. Cũng theo ông Sergei Lavrov, cuộc thảo luận về thỏa thuận giữa Nga với khối quân sự Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cũng sẽ diễn ra trong tháng 1-2022, sau cuộc gặp với phía Mỹ. Trong khi đó, tại cuộc họp báo cuối năm thường niên, Tổng thống Nga Vladimir Putin thông báo Nga đã chấp nhận đề nghị của Tổng thống Mỹ Joe Biden về việc bổ nhiệm những người chịu trách nhiệm giải quyết tình hình miền Đông Ukraine, đồng thời cho biết trong tranh cãi về việc NATO mở rộng về phía Đông, ông nhận thấy một phản ứng tích cực và sự sẵn sàng đối thoại từ phía Mỹ.

Đây là những diễn biến theo chiều hướng tích cực trong bối cảnh quan hệ giữa Nga với Mỹ và châu Âu căng thẳng kéo dài. Kể từ khi Nga sáp nhập bán đảo Cremea, quan hệ hai bên liên tục lao dốc và giờ đã ở mức thấp nhất kể từ “Chiến tranh lạnh”. Trong khi Matxcơva liên tục có những động thái khẳng định sức mạnh, thì danh sách cấm vận mà Mỹ và các nước phương Tây áp đặt với Nga cứ ngày một dài thêm và chưa biết bao giờ mới dừng lại.

Mỹ và châu Âu rất cần đến sự hợp tác của Nga trong các cuộc đàm phán giải quyết vấn đề hạt nhân của Iran

Thực ra, chưa có vấn đề bán đảo Crimea thì quan hệ của Nga với Mỹ và châu Âu đã có nhiều vướng mắc, mà nổi lên là tham vọng “Đông tiến” của khối quân sự NATO. Các hồ sơ được giải mật tại Cơ quan lưu trữ an ninh quốc gia Mỹ cho thấy trong những năm 90 của thế kỷ trước, các quan chức cấp cao của Mỹ, Đức và Anh trong thập niên 1990 đều đưa ra lời hứa với nhà lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev và Bộ trưởng Ngoại giao nước này Eduard Shevardnadze rằng, NATO sẽ không mở rộng về phía biên giới Nga sau khi nước Đức thống nhất.

Thế nhưng, khi Liên Xô tan rã và các nước Đông Âu bắt đầu lên tiếng xin gia nhập NATO, Mỹ và phương Tây đã quên tất cả những lời hứa mà họ đưa ra. Đến nay, NATO đã tiến hành 5 đợt mở rộng về phía Đông. Năm 1999, 3 nước Đông Âu đầu tiên là Ba Lan, CH Czech, Hungary gia nhập NATO. Tiếp đó đến năm 2004, 3 nước Đông Âu là Bulgaria, Romania, Slovakia cùng 3 nước láng giềng của Nga thuộc vùng Baltic là Estonia, Latvia và Litva cũng trở thành thành viên khối quân sự này. Năm 2009 là Croatia, Albania. Cuối cùng là Montenegro vào năm 2017 và Bắc Macedonia vào năm 2020.

Đặc biệt, tại Hội nghị Thượng đỉnh NATO năm 2008 ở Romania, NATO dấn thêm một bước vào không gian hậu Xô Viết vốn thuộc ảnh hưởng của Nga khi lên kế hoạch tiếp nhận 2 nước cộng hòa thuộc Liên Xô trước đây là Ukraine và Gruzia vào liên minh này trong tương lai. Mỹ thì triển khai các hệ thống tên lửa đánh chặn ở Romania và Ba Lan. Dù Washington giải thích các tên lửa này chỉ nhằm ngăn chặn tên lửa của Iran nhưng ai cũng hiểu nó còn có khả năng vô hiệu hóa kho vũ khí tên lửa hạt nhân của Nga, dẫn đến những thay đổi về tương quan lực lượng có lợi của Mỹ và phương Tây.

Để tháo bỏ những tranh cãi giữa Nga với Mỹ và NATO, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho rằng, Mỹ và NATO cần đàm phán thực chất về việc đảm bảo an ninh lâu dài, đáng tin cậy cho Nga để có thể loại trừ mọi kế hoạch mở rộng hoạt động của NATO về phía Đông châu Âu, trước hết là sang Ukraine. Khác với những người lãnh đạo Liên Xô trước đây, ông Vladimir Putin nhấn mạnh Nga cần có sự đảm bảo mang tính pháp lý vì phương Tây đã không thực hiện những cam kết bằng lời nói của họ trong những năm 1990.

Những “quân bài” giúp Nga có thể “phản đòn”

Quan hệ giữa Nga với Mỹ và châu Âu đã có phần hạ nhiệt. Vấn đề là bởi dù coi Nga là đối thủ nhưng Mỹ và các nước châu Âu vẫn rất cần hợp tác với Nga trong giải quyết các vấn đề toàn cầu, như phổ biến vũ khí hạt nhân, chạy đua vũ trang, giải quyết các “điểm nóng” trên thế giới, đối phó với thách thức biến đổi khí hậu. Đặc biệt là Mỹ và Nga còn cần phải khởi động đàm phán về việc gia hạn Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược (START) mới, một khi nó hết hạn vào năm 2026. Sau khi hiệp ước này được gia hạn hồi đầu năm 2021, Mỹ muốn thỏa thuận tiếp theo phải bổ sung những vũ khí chiến lược còn chưa có trong thỏa thuận hiện hữu. Tiến trình thảo luận thường mất nhiều năm nên cần khởi động sớm nếu hai bên muốn đi đến thỏa thuận cuối cùng.

Thêm vào đó, nước Nga còn có không ít các con bài, kể cả về kinh tế, để phản đòn Mỹ và châu Âu. Theo con số thống kê, ngoại trừ suy giảm trong năm 2020 do tác động của đại dịch Covid-19, nhu cầu tiêu thụ khí đốt của Liên minh châu Âu (EU) liên tục tăng, từ 400 tỷ mét khối năm 2015 lên 470 tỷ mét khối năm 2019. Hiện nay, do nhu cầu tăng cao trong những tháng mùa đông và kinh tế khởi sắc khi dịch bệnh giảm bớt, các kho dự trữ khí đốt thì đang cạn kiệt trong khi lượng gió giảm mạnh ảnh hưởng tới việc khai thác điện gió, thị trường năng lượng châu Âu liên tục “xô đổ” các kỷ lục về giá.

Trong khi đó, Nga lại là nhà cung cấp năng lượng hàng đầu cho châu Âu, chiếm tới 40% lượng khí đốt tiêu thụ của châu lục. Dự án “Dòng chảy phương Bắc 2” trị giá khoảng 11 tỷ USD mà Nga và Đức hợp tác xây dựng đã hoàn thành và sẵn sàng cung cấp cho châu Âu hơn 50 tỷ mét khối khí đốt mỗi năm. Các đời chính quyền Mỹ gần đây đều tìm cách áp đặt lệnh trừng phạt nhằm vào các bên tham gia “Dòng chảy phương Bắc 2” dưới lý do Nga can thiệp vào Ukraine nhưng vẫn không ngăn cản được dự án này hoàn thành. Đa số các nước châu Âu, đặc biệt là Đức, đang ngóng dòng khí đốt giá rẻ từ “Dòng chảy phương Bắc 2”.

Để tránh bị Mỹ và phương Tây gây sức ép về kinh tế, Nga còn tìm cách thắt chặt quan hệ với Trung Quốc. Trong cuộc gặp trực tuyến giữa tháng 12 vừa rồi, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã thống nhất sẽ đẩy nhanh thành lập một hạ tầng tài chính độc lập để giảm sự phụ thuộc vào hệ thống tài chính quốc tế do Mỹ dẫn đầu. Hai bên sẽ tìm cách gia tăng số lượng các giao dịch được thanh toán bằng đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc và đồng Ruble của Nga chứ không dùng đồng USD của Mỹ, cũng như nỗ lực cải thiện khả năng tiếp cận thị trường chứng khoán cho các nhà đầu tư từ cả hai nước.

Hiện đồng Nhân dân tệ mới chỉ chiếm hơn 17% các thỏa thuận thương mại song phương Trung Quốc - Nga và hơn 12% dự trữ quốc tế của Nga. Tuy nhiên, con số này đang có xu hướng tăng nhanh. Theo con số thống kê, trong nửa đầu năm 2020, các thỏa thuận thương mại song phương bằng đồng USD giữa Trung Quốc và Nga đã giảm từ mức 90% vào năm 2015 xuống còn 46%, trong khi tỷ trọng các thỏa thuận thanh toán bằng đồng Nhân dân tệ và đồng Ruble tăng lên 24%.