Lợi ích của các loại thực phẩm màu tím

ANTD.VN -  Các loại rau củ quả màu tím là nguồn thực phẩm chứa nhiều dưỡng chất có lợi cho sức khỏe, trong đó anthocyanidin - hợp chất tạo nên màu tím trong rau quả là chất chống oxy hóa mạnh, có thể ức chế tác hại của các gốc tự do trong cơ thể, mang lại những lợi ích cho sức khỏe.

Các thực phẩm màu tím có chứa hàm lượng chất dinh dưỡng phong phú và khả năng chống oxy hóa mang lại nhiều lợi ích sức khỏe

Lợi ích sức khỏe

Tốt cho dạ dày. Một nghiên cứu ở Mỹ cho thấy, anthocyanin trong rau củ quả màu tím giúp hạn chế sự hình thành các vết loét dạ dày, làm chậm quá trình oxy hóa và tăng cường hoạt động của các chất chống oxy hóa (như glutathione) tự nhiên trong cơ thể.

Tốt cho não bộ. Thực phẩm màu tím như khoai lang tím giúp hỗ trợ tăng cường trí nhớ. Các anthocyanin giúp ngăn ngừa sự suy giảm hệ thống thần kinh liên quan đến tuổi, đồng thời tăng cường khả năng học tập và ghi nhớ.

Nâng cao sức khỏe tim mạch. Các hợp chất flavonoid nói chung và các anthocyanin nói riêng được cho là có khả năng làm giảm nguy cơ mắc bệnh động mạch vành bởi khả năng ngăn chặn sự oxy hóa các lipoprotein có tỷ trọng thấp trong huyết tương. Hệ tuần hoàn máu, cơ tim sẽ được tăng cường bảo vệ khỏi các tác động tiêu cực của oxy hóa nhờ các anthocyanin có trong thực phẩm màu tím.

Hỗ trợ giảm huyết áp. Nghiên cứu từ Đại học King (London, Anh) cho thấy, resveratrol (chứa nhiều trong thực phẩm tím) giúp thư giãn và mở rộng mạch. Khi mạch máu giãn, máu sẽ được lưu thông dễ dàng hơn, lực tác dụng lên thành mạch cũng giảm, từ đó làm giảm huyết áp.

Những loại rau củ quả tím nên ăn

Cà tím. Cà tím có giá trị dinh dưỡng cao. Trong thịt quả cà tím chứa nhiều vitamin như A, C, các vitamin nhóm B và nhiều khoáng chất vi lượng. Nhờ nguồn axit folic (vitamin B9) và sắt vi lượng dồi dào, cà tím giúp hỗ trợ quá trình tạo hồng cầu và ngăn ngừa thiếu máu. Ngoài ra, magiê và canxi cùng với vitamin A và C trong cà tím có tác dụng cải thiện cấu trúc xương giúp tăng cường hệ miễn dịch, giảm cảm giác bồn chồn, lo lắng, cải thiện tình trạng giấc ngủ. Lượng nước trong cà tím chiếm 92% giúp cải thiện tình trạng táo bón, ngăn ngừa hình thành chất béo trong cơ thể.

Bắp cải tím. Các loại bắp cải nói chung chứa nhiều vitamin A, C và E. Riêng bắp cải tím có lượng vitamin C nhiều gấp đôi và lượng vitamin A gấp 10 lần so với các loại bắp cải xanh. Vitamin A, C và các chất chống oxy hóa trong bắp cải tím giúp tăng cường hệ miễn dịch, bảo vệ cơ thể khỏi các tổn thương gốc tự do, bảo vệ các tế bào não phòng suy giảm trí nhớ, chống lão hóa. Vitamin K giúp xương chắc khỏe hơn, thúc đẩy liền xương cũng như duy trì mật độ canxi trong xương.

Khoai lang tím. Khoai lang tím giàu beta-carotene, vitamin B1 chứa nhiều chất chống oxy hóa. Vỏ khoai chứa nhiều anthocyanin là chất đặc trưng với nhiếu tác dụng như ngăn ngừa ung thư, ngăn chặn tích tụ các độc tố bất lợi; chống lão hóa nhất là lão hóa da, tăng lượng máu lên não, tốt cho hệ thần kinh trung ương, giúp cải thiện trí nhớ và ngăn ngừa đãng trí.

Củ cải đường. Một trong những chất dinh dưỡng trong củ cải đường, được gọi là betaine, có liên quan đến việc giảm nguy cơ các bệnh mãn tính. Củ cải đường còn có khả năng kiểm soát huyết áp và ngừa việc giảm sút trí tuệ đồng giúp tăng hiệu suất và hồi phục nhanh sau khi luyện tập thể dục.

Quả việt quất. Theo nghiên cứu, việt quất còn làm giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường, triệu chứng tim mạch, bệnh Alzheimer và béo phì. Một nghiên cứu thậm chí cho thấy rằng quả việt quất có thể làm giảm sự phát triển của các tế bào ung thư đến 50%.

Súp lơ tím. Với hàm lượng chất dinh dưỡng cao hơn hẳn loại súp lơ trắng thông thường, sắp lơ tím chứa lượng anthocyanin cao. Ít calo, nhưng lại có nhiều chất xơ, vitamin C, K, B6, và folate. Là một thành viên trong họ nhà cải, súp lơ tím được xem sẽ giúp giảm nguy cơ ung thư, đặc biệt là ở phổi và đường tiêu hóa.

Ngô tím. Đây là sản phẩm ngô mới có tính năng vượt trội so với các loại ngô thông thường. Ngô tím có mùi vị giống hệt ngô ngọt (thơm, ngọt, giòn); có màu tím quy định bởi sắc tố anthocyanin. Các nhà nghiên cứu Nhật Bản cũng khẳng định bắp tím có tác dụng chống ung thư nhờ chức năng chống ôxy hóa của sắc tố.