Lời giải nào cho "bài toán" khủng hoảng Nga - Ukraine

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Bất chấp chiến sự đang diễn ra ác liệt, Nga và Ukraine vẫn duy trì các cuộc đàm phán hòa bình tại Belarus, vốn được coi là hy vọng để giải quyết cuộc khủng hoảng. Tuy nhiên, ít ai lạc quan rằng, các cuộc đàm phán sẽ sớm dẫn tới một giải pháp nhanh chóng bởi khác biệt quá lớn trong quan điểm của đôi bên. Cuộc chiến ở Ukraine cũng đặt ra những câu hỏi về một cơ cấu an ninh cho châu Âu trong tương lai, làm sao hóa giải mâu thuẫn Nga-NATO.

Chưa có được tiếng nói chung

Dù cả Nga và Ukraine đều không đưa ra điều kiện có tính tiên quyết để có thể bắt đầu các cuộc đàm phán, nhưng yêu cầu mà 2 bên đặt ra cho giải pháp hòa bình lại không dễ dàng. Nga tuyên bố không có mục tiêu chiếm đóng Ukraine và “chiến dịch quân sự đăc biệt” của họ là nhằm yêu cầu Ukraine nhượng bộ về mặt chính trị, tức là chấp nhận quy chế trung lập, không tham gia NATO để không tạo mối đe dọa về quân sự với Nga.

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nhiều lần cảnh báo rằng, Kiev phải phi quân sự hóa, trung lập và từ bỏ chủ quyền với bán đảo Crimea (mà Nga sáp nhập năm 2014), nơi có đa số người Nga sinh sống. Theo nhiều nhà quan sát, có lẽ trong con mắt của Nga, Ukraine nên theo kịch bản giống như với Áo sau Thế chiến 2. Tháng 5-1955, Áo ký kết Hiệp ước Nhà nước với 4 cường quốc chiếm đóng sau chiến tranh là Mỹ, Anh, Pháp và Liên Xô. Theo đó, tất cả quân đội 4 nước trên rời khỏi Áo, đổi lại Áo tuyên bố “trung lập vĩnh viễn” bằng một đạo luật của Quốc hội.

Phái đoàn Nga và Ukraine tại cuộc đàm phán ở vùng Gomel, Belarus

Phái đoàn Nga và Ukraine tại cuộc đàm phán ở vùng Gomel, Belarus

Trở lại với Ukraine, trong các tuyên bố mới nhất, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đều đặt ra yêu cầu về việc Nga ngừng bắn hoàn toàn thì mới đi vào giải pháp. Có thể nói, hiện tại khoảng cách về quan điểm của Nga và Ukraine còn quá lớn để có thể có thỏa hiệp. Vấn đề là bởi Ukraine khó có thể chấp nhận ngay những yêu cầu của Nga như về quyền sở hữu Crimea, quy chế độc lập cho 2 nước cộng hòa ly khai là Cộng hòa nhân dân Donesk và Cộng hòa nhân dân Lugansk, cũng như những sửa đổi trong hiến pháp về quy chế trung lập của nước này. Trong bối cảnh xung đột và đối đầu căng thẳng như hiện nay, nếu chấp nhận các yêu cầu trên, ông Volodymyr Zelensky sẽ bị coi là phản quốc.

Xung đột ở Ukraine buộc phương Tây phải thừa nhận rằng, các nước này không thể chỉ đơn giản xây dựng một cấu trúc an ninh châu Âu và mặc nhiên cho rằng Nga sẽ nhượng bộ hòa bình với chính sách mở rộng NATO về phía Đông. Nó cho thấy cấu trúc an ninh châu Âu, chủ yếu được định hình bởi các nước phương Tây trong 3 thập kỷ qua kể từ khi Liên Xô sụp đổ là không còn phù hợp nữa. Có lẽ, châu Âu phải bắt đầu suy nghĩ về một hệ thống mới ổn định hơn cho an ninh đa phương trên toàn châu lục.

Hai vòng đàm phán chưa đưa đến bất cứ giải pháp nào chấm dứt xung đột mà mới chỉ dừng ở thỏa thuận thống nhất việc thiết lập các hành lang nhân đạo để sơ tán dân thường và có thể đạt được một lệnh ngừng bắn tạm thời để tạo điều kiện sơ tán dân thường. Trong cuộc điện đàm ngày 3-3 với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tái khẳng định quyết tâm đạt mục tiêu phi quân sự hóa và trung lập hóa Ukraine, đồng thời tuyên bố Matxcơva sẽ tiếp tục cho đến khi đạt được các mục tiêu trong “chiến dịch quân sự đặc biệt” tại Ukraine.

Ông Vladimir Putin còn nhấn mạnh, nếu Kiev trì hoãn các cuộc đàm phán thì Matxcơva sẽ bổ sung thêm điều nhiều khoản vào danh sách yêu cầu của mình. Nhà lãnh đạo Nga một lần nữa phác thảo chi tiết các cách tiếp cận và điều kiện cơ bản trong đàm phán với các đại diện của Ukraine, trước tiên là về tình trạng phi quân sự hóa và trung lập của Ukraine để nước này không là mối đe dọa an ninh đối với Nga. Điều đó khiến người ta lo ngại xung đột sẽ còn kéo dài, kéo theo thương vong và thiệt hại ngày càng gia tăng.

Một trường học bị trúng bom ở Zhytomys, Ukraine hôm 4-3

Một trường học bị trúng bom ở Zhytomys, Ukraine hôm 4-3

Châu Âu cần một cấu trúc an ninh mới

Xung đột bùng nổ ở Ukraine buộc phương Tây phải thừa nhận rằng, các nước này không thể chỉ đơn giản xây dựng một cấu trúc an ninh châu Âu và mặc nhiên cho rằng Nga sẽ nhượng bộ hòa bình với chính sách mở rộng NATO về phía Đông. Cuộc khủng hoảng Nga - Ukraine đòi hỏi NATO phải xem xét lại mục đích, tổ chức và bản chất của điều kiện an ninh mà liên minh quân sự này phải đối mặt. Nếu như trong Chiến tranh Lạnh, yêu cầu phải răn đe, ngăn chặn Liên Xô đòi hỏi sự tồn tại của NATO, thì sau khi Liên Xô sụp đổ lý do này đã không còn cơ sở.

Thế nhưng, NATO vẫn tiếp tục tồn tại, thậm chí còn tìm cách vượt “ra khỏi vòng cấm” để không bị giải thể. Sự can dự của NATO vào cuộc chiến ở Kosovo, Afghanistan, Lybia, Iraq cho thấy, NATO không còn bó hẹp trong khái niệm là một liên minh phòng thủ. Quy mô của NATO cũng tăng lên nhanh chóng bởi sự bổ sung của các nước đến từ Đông Âu và hiện đã lên tới 30 thành viên, tức là tăng hơn gấp đôi so với thời Chiến tranh Lạnh. Châu Âu cũng dần tự khẳng định việc duy trì trật tự châu lục dựa trên NATO, EU và quyền tự do của các nước dân chủ trong việc tham gia cả 2 liên minh này mà không tính đến những lợi ích an ninh của Nga.

Thay vì cố gắng thoát khỏi Chiến tranh Lạnh, liên minh quân sự này dường như ngày càng lún sâu vào những căng thẳng với Nga. Cách đây hơn 15 năm, Tổng thống Nga Vladimir Putin từng nói rằng, phương Tây không thể có cả 2 điều trên. Yêu cầu của Nga đòi hủy bỏ kế hoạch kết nạp Gruzia và Ukraine vào liên minh này trong tương lai là bằng chứng cho thấy Nga quyết định không “nhắm mắt làm ngơ” trước những thay đổi của NATO.

Trong tính toán của Ukraine, việc gia nhập NATO mang lại cho nước này những lợi ích về mặt quân sự. Chương 5 của Hiến chương NATO nêu rõ, nếu một nước bị tấn công đồng nghĩa với cả khối bị tấn công và các thành viên khác có thể hỗ trợ, kể cả về quân sự. Tuy nhiên, cần phải tính rằng việc Ukraine gia nhập NATO chẳng khác nào đặt một con dao bên mạn sườn Nga. Điều gì sẽ xảy ra khi các hệ thống vũ khí của NATO được triển khai ngay sát nước Nga. Còn nhớ vào năm 1962, để đáp trả việc Mỹ triển khai tên lửa tầm trung PGM-19 Jupiter tại Thổ Nhĩ Kỳ có khả năng mang đầu đạn nguyên tử bắn tới Matxcơva và các trung tâm công nghiệp của Liên Xô, Matxcơva đã lên kế hoạch đặt tên lửa hạt nhân ở Cuba, nơi cách bang Florida của Mỹ chỉ 90 dặm. Đối đầu giữa 2 bên căng thẳng đến mức thế giới đã tiến rất gần tới một cuộc chiến tranh hạt nhân.

Xung đột ở Ukraine buộc phương Tây phải thừa nhận rằng, các nước này không thể chỉ đơn giản xây dựng một cấu trúc an ninh châu Âu và mặc nhiên cho rằng Nga sẽ nhượng bộ hòa bình với chính sách mở rộng NATO về phía Đông. Nó cho thấy cấu trúc an ninh châu Âu, chủ yếu được định hình bởi các nước phương Tây trong 3 thập kỷ qua kể từ khi Liên Xô sụp đổ là không còn phù hợp nữa. Có lẽ châu Âu phải bắt đầu suy nghĩ về một hệ thống mới ổn định hơn cho an ninh đa phương trên toàn châu lục.