Lợi dụng chức vụ quyền hạn để phạm tội có phải tình tiết tăng nặng ?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Nhiều người đặt câu hỏi, cưỡng đoạt tài sản bao nhiêu thì bị xử lý hình sự? Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để phạm tội có phải tình tiết tăng nặng?
Ông Lưu Bình Nhưỡng bị khởi tố về hành vi cưỡng đoạt tài sản

Ông Lưu Bình Nhưỡng bị khởi tố về hành vi cưỡng đoạt tài sản

Về hành vi cưỡng đoạt tài sản, luật sư Lê Hồng Vân – Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng, đó là hành vi đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản. Người phạm tội cưỡng đoạt tài sản có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 170 BLHS 2015.

Theo đó, người nào đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác 1-5 năm. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp: Có tổ chức; Có tính chất chuyên nghiệp; Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50-dưới 200 triệu đồng; Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội… thì bị phạt tù từ 3-10 năm.

Phạm tội chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200-dưới 500 triệu đồng thì bị phạt tù từ 7-15 năm. Trường hợp chiếm đoạt tài sản trị giá 500 triệu đồng trở lên hoặc lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp thì bị phạt tù từ 12-20 năm.

Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10-100 triệu đồng hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Như vậy, tùy theo tính chất, mức độ phạm tội mà người thực hiện hành vi cưỡng đoạt tài sản có thể bị phạt tù đến 20 năm.

Cũng theo luật sư Lê Hồng Vân, người lợi dụng chức vụ, quyền hạn để phạm tội cưỡng đoạt tài sản có thể bị tăng nặng trách nhiệm hình sự. Khoản 1 Điều 52 BLHS 2015 nêu rõ, các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự gồm: Phạm tội có tổ chức; Phạm tội có tính chất chuyên nghiệp; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để phạm tội; Phạm tội có tính chất côn đồ…

Bên cạnh đó, theo khoản 1 Điều 51 BLHS 2015, các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự gồm: Người phạm tội đã ngăn chặn hoặc làm giảm bớt tác hại của tội phạm; Người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả; Người phạm tội là người có thành tích xuất sắc trong sản xuất, chiến đấu, học tập hoặc công tác…

Khi quyết định hình phạt, Tòa án có thể coi đầu thú hoặc tình tiết khác là tình tiết giảm nhẹ, nhưng phải ghi rõ lý do giảm nhẹ trong bản án. Các tình tiết giảm nhẹ đã được Bộ luật này quy định là dấu hiệu định tội hoặc định khung thì không được coi là tình tiết giảm nhẹ trong khi quyết định hình phạt.

Đối chiếu quy định trên, người phạm tội cưỡng đoạt tài sản là người có thành tích xuất sắc trong quá trình công tác thì có thể được giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.