Loạn thần do rượu: Mối nguy hiểm tiềm ẩn

ANTĐ - Cái chết tức tưởi của 3 mẹ con dưới lưỡi dao oan nghiệt của người cha đã gây đau đớn trong nhân dân. Nguyên nhân chính khiến người đàn ông hiền lành, chăm chỉ làm ăn trở thành tên “ác thú” bắt nguồn từ rượu.

Lái xe ô tô say rượu đâm liên hoàn xe máy

Loạn thần về rượu ngày càng tăng

Ngày 30-9-2010, Tạ Văn Hiển, SN 1957, trú ở Quất Động, Thường Tín, Hà Nội sau thời gian dài nghiện rượu nên mắc chứng tâm thần hoang tưởng đã đâm chết người hàng xóm. Tối 1-2, Nguyễn Hoàng Hùng, ở Dương Nội, Hà Đông tức giận vì vài lời nói “xóc” đã cầm dao truy sát bạn rượu rồi đâm chết người can ngăn. Mới đây, sáng 16-8, Vũ Tiến Thành, SN 1967, trú ở tiểu khu Phú Mỹ, thị trấn Phú Xuyên đã dùng dao đâm chết vợ cùng 2 con rồi tự sát. Theo gia đình nạn nhân cho biết, vài ngày trước, đối tượng Thành thường hay nói nhảm, tâm lý sợ sệt. Khi gia đình đưa đi khám tại bệnh viện Tâm thần Trung ương được xác định là loạn thần do rượu.

Bác sỹ La Đức Cương - Giám đốc bệnh viện Tâm thần Trung ương 1 cho biết: “Bệnh nhân Vũ Tiến Thành được bác sỹ kết luận bị loạn thần do rượu và yêu cầu nhập viện. Tuy nhiên, gia đình bệnh nhân xin thuốc về nhà tự điều trị nên gây hậu quả đau lòng. Những năm gần đây, bệnh nhân tâm thần có chiều hướng gia tăng. Vào năm 2003, người bệnh tâm thần và có dấu hiệu liên quan bệnh tâm thần ở Việt Nam chỉ khoảng 14% dân số. Năm 2010, tỷ lệ này đã tăng lên 15%. Trong 7 tháng đầu năm 2011, bệnh viện đã tiếp nhận 1.585 bệnh nhân bị mắc 10 loại rối loạn thường gặp như tâm thần phân liệt, trầm cảm, nghiện/lạm dụng rượu… Đối với bệnh loạn thần do rượu có thể xuất hiện ngay lần uống rượu đầu tiên. Tuy nhiên, phần lớn những người mắc bệnh này phổ biến ở lứa tuổi  40-50 và trải qua thời gian dài nghiện rượu. 

Rượu là một chất gây nghiện mạnh, những người nghiện rượu mãn tính dễ mắc bệnh loạn chứng tâm thần và luôn có cảm giác hoang tưởng, ảo giác. Khi đó bệnh nhân sẽ bị rối loạn hành vi, không kiểm soát được bản thân. Biểu hiện cụ thể là người bệnh luôn có cảm giác bất an, cảm thấy ai đó tấn công mình và rất muốn tấn công người khác hoặc ghen tuông một cách vô cớ, có hành vi bạo lực với vợ con, hàng xóm. Khi đã rơi vào trạng thái này, lý trí của người bệnh bị suy yếu có thể dẫn đến hành vi sẵn sàng gây sự với người khác, trong lúc bị kích thích cao độ sẽ dẫn đến giết người.  

Siết chặt quản lý

Bác Minh, hàng xóm nhà ông Thành, ở Phú Xuyên không giấu nổi sự lo lắng: “Chồng, con trai của tôi đang là những “tín đồ” của rượu. Thanh niên nông thôn tập tành uống rượu từ khi mới 13-14 tuổi. Nếu không có biện pháp ngăn chặn, tôi sợ chính mình cũng là nạn nhân của căn bệnh loạn thần do rượu”. Mặc dù vụ án gây đau xót trong dư luận nhưng không mấy “bậc mày râu” biết sợ hãi để dừng lại. Chính vì vậy mà chỉ 7h tối tại quán vịt gần khu đô thị Linh Đàm đã chật kín người. Dưới mỗi gầm bàn nhỏ đã xuất hiện vỏ của vài ba chai rượu. Một chủ quán vịt cho biết mỗi tối bán chừng 15 lít rượu trắng, vào dịp cuối tuần, ngày lễ thì tăng hơn nhiều. Khi được hỏi về nguồn gốc số rượu trên, chủ quán chỉ ậm ừ.

Hiện nay, chưa có một cơ quan nào đứng ra đảm bảo chất lượng của tất cả các loại rượu về tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, nồng độ cồn có trong rượu. Chính sự lỏng lẻo trong khâu quản lý nên hiện tượng nhiều cơ sở pha cồn công nghiệp vào rượu, hoặc rượu nấu thủ công không đúng tiêu chuẩn, mất vệ sinh vẫn còn tồn tại khiến nhiều trường hợp bị ngộ độc rượu, nặng dẫn đến tử vong…

Theo bác sỹ Cương, nhiều nước trên thế giới có quy định chỉ được phép bán rượu cho người đủ 18 tuổi trở lên, đây là một biện pháp hạn chế người trẻ sử dụng rượu. Ở Việt Nam, độ tuổi sử dụng rượu đang ngày càng trẻ hóa dẫn đến tình trạng có nhiều thanh thiếu niên lạm dụng rượu để gây xung đột, tấn công người khác và có nhiều hành vi không kiểm soát được dẫn đến phạm tội. Đã đến lúc các ngành chức năng phải đẩy mạnh tuyên truyền tới toàn dân nhằm hạn chế thấp nhất khối lượng rượu mà một người tiêu thụ hàng năm.