Loạn nhịp đèn giao thông

(ANTĐ) - Gần đây nhiều cụm đèn tín hiệu giao thông trên địa bàn thành phố bỗng dưng… chết yểu. Hậu quả, không những nhiều người tham gia giao thông kêu trời vì bị CSGT phạt oan mà giao thông ở các điểm, nút cũng bị ùn tắc nghiêm trọng.
Không ai trông thấy có một cột đèn giao thông đứng ở bên phải ngã tư (ảnh chụp tại ngã tư Nguyễn Thái Học - Lê Duẩn) 
 Không ai trông thấy có một cột đèn giao thông đứng ở bên phải ngã tư
                (ảnh chụp tại ngã tư Nguyễn Thái Học - Lê Duẩn)

Bát nháo vàng-đỏ-xanh
Một trong rất nhiều cụm đèn giao thông hiện như đang trêu người đi đường, đó là tại nút giao thông Đại Cồ Việt-phố Huế, Phạm Ngọc Thạch-Chùa Bộc… Tín hiệu ở các cụm đèn này luôn lâm vào cảnh chập chờn. Anh Nguyễn Văn Nam, một người làm nghề “xe ôm” tại ngã tư Phạm Ngọc Thạch-Chùa Bộc cho biết: “Không chỉ “ngủ im” trong giờ cao điểm, việc đèn tín hiệu giao thông liên tục “nhảy dây” tại đây còn diễn ra bất kể thời gian nào trong ngày”. Cũng giống như các nút giao thông trên, hàng loạt các ngã tư như Lê Văn Lương-Hoàng Đạo Thúy, Nguyễn Trãi-Nguyễn Quý Đức, Tây Sơn-Thái Hà… các cụm đèn tín hiệu giao thông thường xuyên loạn nhịp. Nút giao thông được diện vào dạng có lưu lượng phương tiện tham gia giao thông lớn nhất tại Hà Nội là ngã tư Kim Mã-Liễu Giai cũng luôn “dở chứng” khiến không những người tham gia giao thông mà cả CSGT toát mồ hôi.

Giao thông rối như canh hẹ
Trung tá Nguyễn Ngọc Mẽ-Đội trưởng Đội CSGT số 6 khẳng định: “Hệ thống đèn tín hiệu giao thông có tác dụng hướng dẫn người tham gia giao thông nhận thức và chấp hành Luật Giao thông một cách tự giác khi không có CSGT”.

Chị Trần Thị Minh, ở quận Hai Bà Trưng than thở, vào những giờ cao điểm, giao thông tại ngã tư Bạch Mai-Trương Định luôn chật cứng người và xe. Mặc dù có cả CSGT đứng phân luồng nhưng người thì đông, CSGT thì ít, cộng với đèn tín hiệu giao thông chập chờn nên nút giao thông này thường xuyên lâm vào cảnh ùn tắc. Cũng tại ngã tư này, anh Phan Văn Quân nhà ở Bạch Mai phàn nàn, nhiều khi đèn đỏ đèn xanh tại các điểm giao cắt không đồng nhất. Có cụm đèn xanh, đèn vàng bị hỏng còn mỗi đèn đỏ sáng nên khiến nhiều người tham gia giao thông không biết lúc nào nên đi hay dừng. Còn tại ngã tư Lý Thường Kiệt-Phan Bội Châu, vài ngày nay cụm đèn tín hiệu tại đây lúc thì tắt ngóm khi lại hoạt động bát nháo. Dù phần thời gian chờ và đi của các phương tiện được đèn đỏ và xanh hiển thị là 99 giây nhưng chỉ chưa đầy 2 giây đèn đã chuyển màu khiến nhiều người tham gia giao thông bị đặt trong tình thế đã rồi, và nguy cơ TNGT lúc nào cũng có thể xảy ra.

Trong khi các cụm đèn bị hỏng, nhiều cột đèn lại “né” người tham gia giao thông. Ví dụ, cụm đèn tại ngã tư Lê Duẩn-Nguyễn Thái Học điều tiết phương tiện đi lên hướng Trần Phú bị khuất lấp toàn bộ sau cây trứng cá. Còn đèn và biển báo phương tiện được phép rẽ phải từ Nguyễn Phong Sắc xuống Xuân Thủy, Cầu Giấy cũng bị cây bằng lăng “nuốt”. Đối diện với số nhà 60 phố Tây Sơn, vào buổi sáng và giờ tan tầm, người tham gia giao thông lúc thì phóng bạt mạng, khi thì bị dồn ứ vì chẳng nhìn thấy cột đèn tín hiệu đứng ở đâu. Đáng nói, hiện còn rất nhiều nút giao thông thường xuyên xảy ra xung đột nhưng vẫn chưa được lắp đặt đèn tín hiệu như Trần Duy Hưng-Phạm Hùng, Trần Duy Hưng-Mễ Trì… Còn nhiều nơi việc đặt đèn tín hiệu giao thông để điều tiết giao thông nhưng lại gây phản tác dụng như cụm đèn ở cuối phố Hàng Trống nối với Lê Thái Tổ hoặc tại lối rẽ phải từ đường Giải Phóng vào đường Đại Cồ Việt…