- Israel và Thổ Nhĩ Kỳ đối đầu gay gắt ở Syria
- Đặc nhiệm Mỹ nhanh chân tiến vào tiếp quản căn cứ quân sự Nga tại Syria
|
Lực lượng đối lập ở Syria phát hiện xưởng sản xuất Captagon quy mô lớn tại một nhà kho ở Douma, ngoại ô Damascus |
Mạng lưới sản xuất Captagon lộ diện
Lực lượng đối lập ở Syria cho biết, trong số các địa điểm được sử dụng để sản xuất loại thuốc này có một căn cứ không quân ở Damascus, một công ty kinh doanh ô tô ở Latakia và một nhà máy từng sản xuất khoai tây chiên ở vùng ngoại ô Douma của Thủ đô. “Sau khi chế độ sụp đổ, tôi đến đây và thấy nó bốc cháy. Họ đến vào ban đêm và châm lửa, nhưng không thể đốt cháy mọi thứ” - ông Firas al-Toot, chủ sở hữu ban đầu của nhà máy nói. “Từ đây, thuốc Captagon được làm ra để giết người dân của chúng tôi” - Abu Zihab, một nhà hoạt động của Hayat Tahrir al-Sham (HTS - nhóm đứng đầu lực lượng kiểm soát Syria) cho biết.
Cuộc nội chiến kéo dài gần 14 năm của Syria đã chia cắt đất nước, làm sụp đổ nền kinh tế và tạo ra mảnh đất màu mỡ cho việc sản xuất loại thuốc này. Các lực lượng dân quân, lãnh chúa… đã biến hoạt động sản xuất Captagon từ một hoạt động quy mô nhỏ do các nhóm tội phạm điều hành thành một nguồn doanh thu công nghiệp trị giá hàng tỷ USD. Việc Tổng thống Syria bị lật đổ gần đây đã phá vỡ các mạng lưới này và lộ ra nền kinh tế chiến tranh góp phần duy trì quyền lực của nhiều phe phái.
Ông Ahmed al-Sharaa (còn được gọi là al-Jolani), chỉ huy cấp cao của HTS trong những ngày gần đây cáo buộc chế độ cũ đã khiến Syria trở thành “nguồn cung cấp Captagon hàng đầu thế giới”. Ông Ahmed al-Sharaa đã hứa sẽ trấn áp hoạt động sản xuất và buôn bán Captagon. Nhưng loại thuốc này là gì và tại sao nó lại đóng vai trò trung tâm trong quan hệ giữa Syria với các nước láng giềng trong những năm gần đây?
|
Nền kinh tế chiến tranh
Captagon là tên thương hiệu của một loại thuốc hướng thần được Công ty Degussa Pharma Gruppe (Đức) sản xuất vào những năm 1960. Thuốc này chủ yếu được kê đơn để điều trị chứng rối loạn thiếu tập trung, chứng ngủ rũ và là chất kích thích hệ thần kinh trung ương. Viên nén Captagon chứa fenetylline, một loại thuốc tổng hợp thuộc họ phenethylamine, giống như amphetamine. Năm 1986, fenetylline được đưa vào Phụ lục II của Công ước Liên hợp quốc về chất hướng thần và hầu hết các quốc gia đã ngừng sử dụng nó. Captagon đã bị cấm do các vấn đề về tim và đặc tính gây nghiện. Nhưng hoạt động sản xuất loại thuốc này chưa hẳn đã chấm dứt, một lượng lớn nguyên liệu đã được buôn lậu ra khỏi Đông Âu, đặc biệt là Bulgaria, đến Trung Đông. Nó trở nên phổ biến ở Trung Đông trong cả giới tinh hoa và phiến quân vì giúp tăng cường sự tập trung và giảm mệt mỏi.
Trước nhu cầu lớn của thị trường, các phe nhóm chính trị đã nhận ra cơ hội béo bở từ loại thuốc có thể sản xuất với giá rẻ này trong bối cảnh kinh tế Syria hỗn loạn và các lệnh trừng phạt nặng nề. Captagon được sản xuất thông qua một quy trình hóa học đơn giản bao gồm việc trộn các dẫn xuất amphetamine với tá dược để tạo thành viên nén, thường là trong các phòng thí nghiệm tạm thời. Hoạt động buôn bán Captagon bắt đầu công nghiệp hóa vào khoảng năm 2018-2019 khi hầu hết các phe phái chính trị, các nhóm vũ trang ở Syria đầu tư vào các cơ sở sản xuất, nhà kho và mạng lưới buôn lậu. Điều này cho phép Syria nổi lên là nhà sản xuất Captagon lớn nhất trên toàn cầu.
Mặc dù Damascus phủ nhận mọi sự liên quan đến hoạt động buôn bán Captagon, nhưng các nhà quan sát cho biết, hoạt động sản xuất và buôn lậu loại thuốc này đã tạo giải pháp về kinh tế cho Syria. Theo bà Caroline Rose - Giám đốc Dự án buôn bán Captagon của Viện New Lines có trụ sở tại New York, giá trị giao dịch toàn cầu hàng năm của Captagon ước tính là 10 tỷ USD. Trong quá trình này, người ta đã sử dụng các cấu trúc liên minh địa phương với các nhóm vũ trang khác như Hezbollah để hỗ trợ kỹ thuật và hậu cần trong sản xuất và buôn bán Captagon. Captagon được buôn lậu qua biên giới bằng xe tải. Đôi khi, loại chất gây nghiện này được giấu trong thực phẩm, đồ điện tử và vật liệu xây dựng để tránh bị phát hiện. Các tuyến buôn lậu chính là biên giới lỏng lẻo của Syria với Lebanon, Jordan và Iraq, từ đó phân phối trên khắp khu vực. Thị trường hàng đầu là các quốc gia vùng Vịnh giàu có như Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Arập Thống nhất.
Sau khi phát hiện ra những thùng trái cây được đóng gói cẩn thận với các bó Captagon được giấu giữa lựu và cam, Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Arập Thống nhất đã thực hiện lệnh cấm đối với các sản phẩm nông nghiệp của Lebanon. Và mặc dù Saudi Arabia đã áp dụng các hình phạt nghiêm khắc đối với hoạt động buôn bán Captagon và tăng cường an ninh biên giới, hợp tác với các quốc gia vùng Vịnh khác để giám sát các tuyến đường buôn lậu, nhưng những nỗ lực này đã phải đối mặt với những thách thức từ các mạng lưới phức tạp hoạt động trên khắp Syria, Lebanon và Jordan.
|
Cơ hội để phá bỏ “ngành công nghiệp” Captagon
Mặc dù loại thuốc này ít được biết đến bên ngoài Trung Đông, nhưng các quốc gia như Vương quốc Anh và Mỹ đã nêu lên mối lo ngại về việc sản xuất chúng. Năm 2023, cả 2 quốc gia đều áp đặt các lệnh trừng phạt mới đối với người Syria có liên quan đến hoạt động buôn bán này. Một tuyên bố của Anh cho biết, 80% Captagon trên thế giới được sản xuất tại Syria và đem lại giá trị gấp khoảng 3 lần tổng giá trị thương mại của các băng đảng Mexico.
Mong muốn của các thành viên Liên đoàn Arập nhằm ngăn chặn việc sản xuất và buôn bán Captagon ra khỏi Syria đã khiến việc này trở thành con bài mặc cả quan trọng đối với Damascus. Vào tháng 5-2023, Syria đã được kết nạp lại vào Liên đoàn Arập sau khi bị đình chỉ từ năm 2011. Cụ thể, tại cuộc họp Ngoại trưởng các nước Arập vào ngày 1-5-2023, các đại biểu cho biết Syria cần thể hiện nghiêm túc trong việc đạt được giải pháp chính trị vì đây sẽ là điều kiện để vận động dỡ bỏ lệnh trừng phạt của phương Tây, một bước quan trọng để tài trợ tái thiết ở Syria.
Sau cuộc họp tại Amman, các Ngoại trưởng của Ai Cập, Iraq, Jordan, Saudi Arabia và Syria cho biết, Damascus đồng ý “thực hiện các bước cần thiết để chấm dứt nạn buôn lậu ma túy ở biên giới với Jordan và Iraq”. Một tuần sau, một trùm buôn lậu ma túy hàng đầu người Syria và gia đình của hắn đã thiệt mạng trong một cuộc không kích (được cho là do Jordan thực hiện) ở miền Nam Syria.
Nhận định về thị trường Captagon sau khi chính phủ của Tổng thống al-Assad sụp đổ, bà Caroline Rose nói: “Có khả năng, chúng ta sẽ thấy giảm nguồn cung trong ngắn hạn và giảm tần suất các vụ bắt giữ khi hoạt động sản xuất quy mô công nghiệp phần lớn bị dừng lại. Tuy nhiên, các tác nhân tội phạm rất sáng tạo, có khả năng tìm kiếm các địa điểm mới để sản xuất và buôn lậu Captagon trở lại, đặc biệt là khi mức cầu vẫn ổn định”.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho biết sự thay đổi ở Syria có thể tạo ra cơ hội để phá bỏ ngành công nghiệp Captagon. Theo bà Rose, ngoài việc xóa bỏ hoạt động buôn bán Captagon, chính phủ chuyển tiếp của nước này nên “thiết lập các chương trình phát triển kinh tế nhằm khuyến khích người dân Syria tham gia vào lĩnh vực kinh tế chính thức, hợp pháp của đất nước”.