Lộ ra trách nhiệm

ANTĐ - Thông tin được cơ quan Quản lý thị trường (QLTT) Hà Nội chia sẻ, trong hơn 10 ngày đầu tháng 3 này, các đội QLTT địa bàn phối hợp với lực lượng chức năng khác đã kiểm tra, tịch thu hơn 10.000 chiếc mũ bảo hiểm vi phạm, qua đó xử phạt hành chính số tiền hàng chục triệu đồng. Động thái kiểm tra hoạt động kinh doanh mũ bảo hiểm trên toàn địa bàn thành phố, do lực lượng QLTT làm chủ công, ít nhiều được dư luận ghi nhận. Nhưng đằng sau “chiến công” này là gì?

Nhưng, đằng sau “chiến công” xử lý hơn 10.000 mũ bảo hiểm vi phạm ấy vẫn có rất nhiều điều phải suy nghĩ. Thế nào là mũ bảo hiểm vi phạm? Hầu hết đó không phải là những chiếc mũ bị làm giả, làm nhái, mà là mũ không có nguồn gốc, không có chứng nhận kiểm định chất lượng, và được bán để phục vụ những người có nhu cầu đội mũ nhằm… đối phó với lực lượng chức năng khi tham gia giao thông. Những địa chỉ kinh doanh mũ bảo hiểm bị kiểm tra trong hơn 10 ngày qua đều là “thủ phủ” của mũ bảo hiểm “vi phạm”, như Cầu Giấy, Phố Huế, phố Chùa Bộc.

“Chiến công” chưa chắc đã có, nếu việc quản lý chặt chẽ thị trường mũ bảo hiểm được làm tốt từ cách đây… 5 năm. Kể từ khi quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm đối với người tham gia giao thông bằng mô tô, xe máy có hiệu lực, người ta chứng kiến sự vào cuộc hăng hái của những doanh nghiệp sản xuất mũ bảo hiểm chính danh, rồi không lâu sau đó, lại phải chứng kiến sự ngậm ngùi, lặng lẽ rút khỏi thị trường của những doanh nghiệp này. Vì sao vậy? Vì không cạnh tranh được với giá thành của mũ kém chất lượng, mũ không rõ nguồn gốc. Và nhất là, vì không có cơ quan nào bảo đảm “an toàn” cho doanh nghiệp chính danh sản xuất mũ bảo hiểm cạnh tranh với mũ bảo hiểm “vi phạm”. Cho đến thời điểm này, có thể đếm được trên đầu ngón tay số doanh nghiệp đang tồn tại bằng việc sản xuất mũ bảo hiểm. Còn trên thị trường, mũ nhái, mũ có vấn đề, đang tràn lan.

Đi kiểm tra, xử lý và tịch thu những chiếc mũ bảo hiểm vi phạm đang bày bán nhan nhản, có hệ thống, có lẽ nên sòng phẳng với nhau, không thể xem đó là “chiến công”. “Thả gà ra đuổi” là đúc kết chính xác về thực trạng công tác quản lý thị trường mũ bảo hiểm lâu nay. Nhưng dù sao, quan trọng lúc này là cơ quan QLTT cần tích cực, quyết liệt hơn nữa trong việc  “đuổi” – xử lý cho bằng sạch mũ bảo hiểm vi phạm. Dù đã muộn nhưng nhất định phải làm, để đảm bảo an toàn cho người dân khi tham gia giao thông, cũng như trả lại sự lành mạnh cho thị trường mũ bảo hiểm khá nhiều tiềm năng này. Đằng sau “chiến công”, lộ ra trách nhiệm bị bỏ ngơ trong lĩnh vực được Nhà nước giao quản lý của cơ quan QLTT.