Lo ngại biến động kết quả thi

(ANTĐ) - Mặc dù quy chế thi tốt nghiệp THPT năm nay đã được Bộ GD-ĐT công bố rõ về việc bắt buộc triển khai thi theo cụm và chấm chéo giữa các tỉnh nhưng vẫn không ít địa phương tỏ ra lo ngại trước nhiều tình huống có thể xảy ra với cách thức tổ chức này.

Thi tốt nghiệp THPT 2009:

Lo ngại biến động kết quả thi

(ANTĐ) - Mặc dù quy chế thi tốt nghiệp THPT năm nay đã được Bộ GD-ĐT công bố rõ về việc bắt buộc triển khai thi theo cụm và chấm chéo giữa các tỉnh nhưng vẫn không ít địa phương tỏ ra lo ngại trước nhiều tình huống có thể xảy ra với cách thức tổ chức này.

Một trong những điều khiến các địa phương e ngại là khả năng kết quả tốt nghiệp THPT năm nay sẽ thấp và tác động mạnh đến tâm lý phụ huynh, học sinh. Điều này đã được lãnh đạo Sở GD-ĐT 5 thành phố trên cả nước trực tiếp phản ánh với Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân.

Điểm thấp sẽ khó “ăn nói”  với cấp trên

Nhiều địa phương lo ngại về độ an toàn trong khâu vận chuyển bài thi sang tỉnh khác để chấm.
Nhiều địa phương lo ngại về độ an toàn trong khâu vận chuyển bài thi sang tỉnh khác để chấm.

“Việc chấm chéo thì không cần phải bàn nên hay không nên làm nhưng việc cần đề cập lúc này là sẽ tổ chức ra sao. Điều chúng tôi lo ngại là nhận thức về barem chấm thi của mỗi giám khảo rất khác nhau dẫn tới thiệt thòi cho thí sinh nếu không phải là chấm cho “tỉnh nhà”” - ông Vũ Đình Chuẩn, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT thành phố Đà Nẵng cho biết.

Theo ông Chuẩn, nếu như các năm trước, các tỉnh tự triển khai chấm thi tốt nghiệp cho tỉnh mình thì lãnh đạo Sở phải hết sức chú trọng tới công tác chuẩn bị, hướng dẫn phổ biến cho giám khảo chấm thi theo đáp án của Bộ. Nay vì chấm cho tỉnh khác, có khả năng công đoạn này sẽ không còn được quan tâm, dẫn tới việc cán bộ chấm thi bỏ qua những chi tiết có lợi cho thí sinh như những bài làm sáng tạo, cách giải khác với đáp án sẵn có... Điểm băn khoăn của cụm 5 thành phố mà ông Trần Trọng Khiếm - Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP Cần Thơ là cụm trưởng đã đại diện phát biểu với Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân vẫn là mối lo chung về khả năng chấm “sát phạt” nhau.

“Ngành giáo dục được quan tâm và đấy cũng chính là sức ép từ xã hội cũng như lãnh đạo địa phương. Nếu kết quả thi năm nay giảm sút một cách đột ngột thì các Sở GD-ĐT khó có thể giải thích với địa phương mình” - ông Vũ Đình Chuẩn cho biết. Đề xuất được đưa ra là Bộ cần kiểm soát liên tục, từng bước khâu chấm thi trên địa bàn toàn quốc. Các tỉnh phải có trách nhiệm báo cáo về Bộ theo từng đợt về kết quả chấm thi để Bộ chủ động điều chỉnh phương án chấm thi nếu có diễn biến đột ngột bởi năm nay chỉ có duy nhất một kỳ thi tốt nghiệp thay vì có hai đợt như năm trước. Việc trượt tốt nghiệp với số lượng lớn sẽ tác động mạnh tới tâm lý học sinh cũng như toàn xã hội.

Chuyển bài thi đã dự kiến hết các tình huống?

Ngoài lo lắng về kỹ thuật chấm thi của các thành phố, các tỉnh vùng xa, vùng cao lại băn khoăn nhiều hơn đến các tình huống có thể xảy ra trong khâu vận chuyển bài thi. Theo quy định, năm nay, các tỉnh sẽ chấm “đuổi bài” thi cho nhau (tỉnh A chấm cho tỉnh B, B chấm cho C, C chấm cho D...).

Ông Hoàng Văn Thinh - Giám đốc Sở GD-ĐT Tuyên Quang cho biết, phải dùng ôtô di chuyển bài thi và phải chất đầy trong 6-7 xe tải lớn. “Nếu gặp trời mưa, hoặc có vấn đề về an ninh đối với bài thi thì sẽ như thế nào?” - ông Thinh đặt câu hỏi. Không những thế, khâu làm phách, phúc khảo cũng có rất nhiều vấn đề khiến các Sở băn khoăn. Trong quá trình rọc phách, người làm rất dễ để bài thí sinh số 1 và số 2 thành 1 bài thi. Việc mất bài thi “giả” rất dễ xảy ra. Vấn đề này sẽ xử lý như thế nào đối với hội đồng chấm thi tỉnh bạn?

Theo ông Trần Văn Nghĩa - Phó Cục trưởng Cục KT và KĐCLGD, Bộ GD-ĐT, việc chuyển bài thi sẽ được bố trí để không đi quá xa. Số lượng bài tỉnh này chấm tỉnh kia khá tương đồng. Các tỉnh lớn như Thanh Hóa, Nghệ An phải chuyển 2 tỉnh, chấm 2 tỉnh. Bài thi được chuyển về sở, toàn bộ số bì thư đã được niêm phong. Khi mở các túi bài ra đếm phải có sự giám sát của sở thứ 2, phát hiện ra sự cố phải lập biên bản ngay. Sau khi giao bài thi xong, tất cả các vấn đề còn lại thuộc trách nhiệm của sở chấm bài kể cả phúc khảo.

Trước những băn khoăn của các Sở GD-ĐT, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân đã đề nghị ông Lê Quán Tần - Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, Bộ GD-ĐT, đại diện cho Ban chỉ đạo thi cần sớm xây dựng hướng dẫn chi tiết cho các địa phương về phương án chấm thi. Các tình huống phải được xây dựng từ kinh nghiệm thực tiễn của địa phương để đảm bảo tính chính xác và thống nhất. Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho biết, Bộ sẽ sớm công bố danh sách các địa phương tổ chức ghép cụm và không ghép cụm thi và trước ngày 10-4 sẽ có hướng dẫn chi tiết về tổ chức thi và chấm thi.

Vinh Hương