Liên tiếp phát hiện bánh Trung thu trôi nổi, người tiêu dùng không nên ham rẻ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Chỉ còn ít ngày nữa là đến Tết Trung thu nhưng lực lượng chức năng liên tiếp phát hiện các cơ sở kinh doanh bánh Trung thu trôi nổi không rõ nguồn gốc, xuất xứ, có nguy cơ ảnh hưởng sức khỏe người tiêu dùng.  

Sáng 24/8, tổ công tác Đội 4 Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường, CATP Hà Nội, phối hợp với Đội QLTT số 13 (Cục Quản lý thị trường Hà Nội) kiểm tra điểm tập kết hàng là bánh Trung thu do nước ngoài sản xuất tại khu vực ngõ 89 Lạc Long Quân, phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, Hà Nội.

Tại thời điểm kiểm tra, tổ công tác phát hiện hơn 4.700 chiếc bánh Trung thu các loại không có hóa đơn chứng từ, chứng minh nguồn gốc xuất xứ. Chủ hàng là Nguyễn Thị Bích N (SN 1993, quê Quảng Ninh) cho biết, nhận thấy nhu cầu tiêu dùng mặt hàng bánh Trung thu do nước ngoài sản xuất rất lớn nên N. đã thu mua các loại bánh Trung thu trôi nổi trên thị trường về bán kiếm lời.

Lực lượng chức năng kiểm tra điểm tập kết hàng là bánh Trung thu do nước ngoài sản xuất tại khu vực ngõ 89 Lạc Long Quân, phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, Hà Nội

Lực lượng chức năng kiểm tra điểm tập kết hàng là bánh Trung thu do nước ngoài sản xuất tại khu vực ngõ 89 Lạc Long Quân, phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, Hà Nội

Trước đó vào chiều 18/8, Đội Cảnh sát kinh tế, Công an quận Cầu Giấy, phối hợp với Đội Quản lý thị trường số 13, Cục Quản lý thị trường Hà Nội cũng phát hiện tại trước cửa nhà số 7 đường Phạm Văn Đồng, (phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy) một đối tượng đang tập kết hàng hóa nghi hàng nhập lậu. Qua kiểm tra, phát hiện có 2.040 chiếc bánh Trung thu và 1.350 gói bánh kẹo các loại, trên bao bì đều in chữ Trung Quốc.

Lực lượng chức năng phát hiện có 2.040 chiếc bánh Trung thu và 1.350 gói bánh kẹo các loại không rõ nguồn gốc tại trước cửa nhà số 7 đường Phạm Văn Đồng (phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy)

Lực lượng chức năng phát hiện có 2.040 chiếc bánh Trung thu và 1.350 gói bánh kẹo các loại không rõ nguồn gốc tại trước cửa nhà số 7 đường Phạm Văn Đồng (phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy)

Chủ lô hàng là Nguyễn Huy Nghĩa, SN 1997, trú tại phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình, Hà Nội, khai nhận, số hàng trên được mua trôi nổi trên thị trường với giá gần 30 triệu đồng. Thời điểm kiểm tra, Nguyễn Huy Nghĩa không xuất trình được hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc lô hàng.

Trước nữa, ngày 15/8, Tổ công tác của Phòng Cảnh sát Môi trường Công an tỉnh Hà Nam phối hợp Đội QLTT số 3 - Cục QLTT tỉnh Hà Nam phát hiện Phạm Thị Phụng (SN 1994, trú phường Thanh Tuyền, TP Phủ Lý) đang kinh doanh, buôn bán gần 1.600 chiếc bánh trung thu (bánh nướng các loại) không rõ nguồn gốc, xuất xứ tại Khu công nghiệp Châu Sơn, TP Phủ Lý (Hà Nam). Tại thời điểm kiểm tra, Phụng không xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ liên quan đến toàn bộ số hàng trên. Phụng khai nhận đã thu mua số bánh trên qua mạng xã hội với giá 3.000 đồng/chiếc về bán kiếm lời.

Theo Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), hiện nay bánh Trung thu trôi nổi, giá rẻ tràn ngập chợ mạng, do vậy người tiêu dùng cần lưu ý những tiêu chí dưới đây để lựa chọn bánh trung thu đảm bảo an toàn: Chỉ nên mua, sử dụng thực phẩm có nhãn mác đầy đủ, nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Sản phẩm phải ghi ngày sản xuất, thời hạn sử dụng và còn hạn sử dụng. Tránh mua những sản phẩm không rõ nguồn gốc, không có nhãn mác rõ ràng hay những sản phẩm có bao bì rách nát, sản phẩm bị móp méo hoặc có màu sắc khác thường, bị thiu, ẩm mốc, hư hỏng và có mùi khác lạ…