Liên kết “bốn nhà”: Vẫn nằm ỳ trên giấy

ANTĐ - Việc xác lập một “sợi dây” liên kết giữa nhà nông - nhà nước - nhà khoa học - nhà doanh nghiệp vẫn chưa định hình. Để giúp nông dân tiêu thụ nông sản qua hợp đồng, giảm sự bấp bênh, rủi ro, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 80 để gỡ rối. Tuy nhiên, sau gần 10 năm thực hiện, sợi dây liên kết giữa “bốn nhà” vẫn lỏng lẻo, xa vời với nông dân.
Liên kết “bốn nhà”: Vẫn nằm ỳ trên giấy ảnh 1
Gần 100% nông dân vẫn tự sản tự tiêu
2% nông sản tiêu thụ qua hợp đồng Năm 2002, trước tình trạng nông sản bấp bênh, nông dân dù được mùa hay mất mùa cũng gánh chịu tổn thất bởi tình trạng “được mùa mất giá” và ngược lại xảy ra như cơm bữa. Giải quyết tình trạng này, QĐ 80 ra đời, nhằm hình thành sự liên kết giữa bốn nhà, giúp nông dân giải quyết đầu ra, tiếp thu khoa học kỹ thuật để ứng dụng vào thực tế. Song đến nay, gần 10 năm đã qua khái niệm “liên kết bốn nhà” vẫn chỉ nằm trên giấy tờ. Thậm chí, việc xác lập một “sợi dây” liên kết giữa nhà nông - nhà nước - nhà khoa học - nhà doanh nghiệp vẫn chưa được định hình. Báo cáo của Bộ NN&PTNT cho thấy, đến nay, tỷ lệ nông sản tiêu thụ qua hợp đồng mới đạt vài phần trăm, như lúa hàng hóa 2,1%, chè 9%, rau quả 0,9%... Ngay cả những vùng sản xuất rau lớn, có thương hiệu là rau an toàn như xã Vân Nội (Đông Anh), thì việc tiêu thụ chiếm đến 90% là do nông dân tự túc. Bà Trần Thị Hợp, Phó Chủ tịch UBND xã Vân Nội cho biết, là một trong những địa phương đầu tiên của TP phát triển rau an toàn, nhưng đến nay, hầu hết các mô hình sản xuất trên địa bàn vẫn là nhỏ lẻ, manh mún. Nông dân vẫn tự sản tự tiêu. Bởi vậy, giá rau có thời điểm lên tới 30.000-35.000 đồng/kg, nhưng có lúc, giá xuống chỉ còn 1.000-2.000 đồng/kg. Bộ NN&PTNT đánh giá, việc nông sản được tiêu thụ qua hợp đồng vẫn chiếm tỷ lệ quá khiêm tốn là do thiếu cầu nối giữa nông dân và doanh nghiệp, không có vùng nguyên liệu tập trung quy mô lớn gắn với nhà máy chế biến, thiếu cơ chế chính sách hỗ trợ, khuyến khích các hợp tác xã tham gia tổ chức dịch vụ tiêu thụ nông sản cho xã viên. “Liên kết “bốn nhà” chưa thành công vì không có địa chỉ, chúng ta cứ nói nhà nọ, nhà kia, nhưng lại không thấy nông dân ở đâu, doanh nghiệp ở đâu. Nói là “bốn nhà”, nhưng thực chất chỉ có nông dân và doanh nghiệp. Nếu cứ nói mà không hành động, thì 5-10 năm nữa, liên kết vẫn chỉ là lời nói”, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Bùi Bá Bổng nhận định. Phải hướng tới thị trường Để giải quyết tình trạng trên, Bộ NN&PTNT đã xây dựng đề án phát triển, tiêu thụ nông sản giữa nông dân và các thành phần kinh tế khác, sẽ trình Chính phủ trong thời gian tới. Mặc dù đề án vẫn đang được lấy ý kiến các bộ, ngành, song theo ý kiến nhiều chuyên gia, mục tiêu đưa ra đối với một số nông sản chủ lực hơi cao. Cụ thể, với lúa hàng hóa, đến năm 2015 tiêu thụ được 2% và đến năm 2020 mới “phấn đấu” lên 20%. Tương tự, rau an toàn đến 2015 tiêu thụ 2% và đạt 30% vào năm 2020. Các loại trái cây, cà phê, chè sạch, cũng chỉ dám đặt mục tiêu đạt lượng tiêu thụ qua hợp đồng từ 15-20% vào năm 2020. Ông Nguyễn Thành Biên - Thứ trưởng Bộ Công Thương cho rằng: “Dự thảo thúc đẩy liên kết “bốn nhà” lần này vẫn chưa thấy có công cụ kiểm tra, giám sát, cũng như chưa tạo được động lực cho các tổ chức cá nhân tham gia, nên sẽ khó đi vào cuộc sống. Như Nghị định 109 về kinh doanh xuất khẩu gạo đã có sự gắn kết giữa doanh nghiệp và người dân, có quy trách nhiệm cho doanh nghiệp xuất khẩu để chia sẻ lợi ích, như thế mới hiệu quả”. Tại buổi làm việc với Bộ NN&PTNT gần đây, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã đề nghị: “Trong giai đoạn 2011-2015, ngành nông nghiệp phải tập trung đánh giá ban hành quy định mới theo hướng thị trường hơn đối với liên kết “bốn nhà”. Đồng thời, phải đổi mới tư duy theo hướng làm giàu trong xây dựng thương hiệu và chất lượng sản phẩm. Nếu không đi vào chất lượng, thì sẽ không còn “dư địa” để phát triển. Tiến tới xây dựng những giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành nông nghiệp Việt Nam (có so sánh với các quốc gia khác), những thương hiệu nông sản Việt Nam”.