Liên hoan sân khấu Dù kê Khmer trở lại sau 10 năm

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Sau lần đầu tổ chức thành công vào năm 2013, Liên hoan Nghệ thuật Sân khấu Dù kê Khmer Nam Bộ chính thức trở lại sau 10 năm với quy mô, sự chuẩn bị ấn tượng.

Dù kê là kịch hát truyền thống của người dân tộc Khmer tại các tỉnh Sóc Trăng, Cà Mau, An Giang, Trà Vinh. Tác phẩm thường có kết cấu giống cải lương, nội dung diễn tả tình yêu quê hương đất nước, nét thân tình của các dân tộc. Là món ăn tinh thần của người dân tộc miền Tây, dù kê được hát bằng tiếng Khmer kèm các điệu múa phụ họa, thường biểu diễn tại các lễ hội chùa, đám cưới, lễ hội sinh hoạt văn nghệ.

NSND Trịnh Thúy Mùi - Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam cho hay, nghệ thuật dù kê Khmer ra đời cùng giai đoạn với cải lương, đến nay đã có hơn 100 năm tồn tại, đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong đời sống của người Khmer, cần được bảo tồn và phát triển.

Nghệ thuật sân khấu dù kê ở Nam Bộ tạo ấn tượng với khán giả
Nghệ thuật sân khấu dù kê ở Nam Bộ tạo ấn tượng với khán giả

Năm 2013, Liên hoan Nghệ thuật Sân khấu Dù kê Khmer Nam Bộ lần đầu tổ chức với sự nỗ lực của Hội, soạn giả Lê Duy Hạnh và giám đốc Sở VHTT&DL các tỉnh miền Tây Nam Bộ, quy tụ 10 đoàn nghệ thuật tham gia.

Hội từng định tổ chức Liên hoan lần 2 vào năm 2016 nhưng khi phát văn bản thông báo chỉ nhận lại phản hồi của 3 - 4 đơn vị, dẫn đến việc không đảm bảo quy mô thực hiện. Cộng thêm sự bùng phát của dịch bệnh, Liên hoan bị gián đoạn 10 năm.

Qua Liên hoan, Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam muốn đánh giá thực trạng của dù kê Khmer để tham mưu, bàn lại với các địa phương bảo tồn, phát triển và quảng bá loại hình này. Đồng thời đưa dù kê Khmer lên ngang tầm các loại hình nghệ thuật chuyên nghiệp. Theo NSND Thúy Mùi, cần quan tâm hơn đời sống tinh thần của người dân vùng sâu vùng xa thay vì chỉ tập trung vào nghệ thuật ở thành phố lớn.

Sự kiện diễn ra từ ngày 1 đến ngày 7/4 tại Đại học Trà Vinh. Liên hoan năm nay có 13 đoàn tham gia, tăng ba đơn vị so với kỳ tổ chức đầu vào năm 2013. Chương trình do Hội nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Trà Vinh phối hợp tổ chức, với sự chỉ đạo của Ban Tuyên giáo Trung Ương.

Các đoàn bao gồm công lập lẫn xã hội hóa, mỗi đơn vị từ 30 đến 50 diễn viên, như đoàn nghệ thuật Khmer Ánh Bình Minh (Trà Vinh), Kiên Giang, Sóc Trăng, Cà Mau, Nhà hát Cao Văn Lầu, Hội sân khấu tỉnh Bạc Liêu, đoàn nghệ thuật Khmer - Đại học Trà Vinh. Mỗi đoàn được hỗ trợ 50 triệu đồng làm kinh phí dựng tiết mục.

Biểu diễn Dù kê Khmer

Biểu diễn Dù kê Khmer

Ông Dương Hoàng Sum, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể Thao và Du lịch tỉnh Trà Vinh đánh giá năm nay, nhiều vở diễn đầu tư công phu, được tập dượt chuyên nghiệp. Bên cạnh những vở diễn dân gian - lịch sử như "Hoàng tử Vê Son Đo", "Tướng quân Rit Thi Sắc", nhiều đoàn khai thác đề tài hiện đại, thời sự như "Bài học đắt giá", "Giữ vững biển đảo quê hương", "Hoa cau tình thắm".

"Người dân rất quan tâm, hỏi thăm về lịch diễn để đón xem vì dù kê là thể loại được yêu thích tại Trà Vinh. Chúng tôi hy vọng mỗi đêm sẽ thu hút vài trăm khán giả đến xem các vở diễn", ông Sum nói.

Ban tổ chức sẽ trao chứng nhận kèm tiền thưởng cho các vở diễn trong đêm bế mạc 7/4. Huy chương vàng, bạc và giải xuất sắc được trao cho tác giả, đạo diễn, họa sĩ, nhạc sĩ, biên đạo múa (nếu có). Sau liên hoan, các nhà chuyên môn sẽ đánh giá thực trạng của nghệ thuật múa dù kê, từ đó có phương pháp bảo tồn, quảng bá loại hình nghệ thuật này. Liên hoan dự kiến diễn ra ba năm một lần - khoảng thời gian cần thiết để các đơn vị nghiên cứu chất liệu, kịch bản trước khi tham gia.