- Hà Nội lọt top 15 thành phố có nền ẩm thực hấp dẫn nhất thế giới
- Bún thang - nét đẹp ẩm thực Hà thành
Du khách nườm nượp đổ về lễ hội
Lễ hội văn hóa ẩm thực Hà Nội 2024 có chủ đề “Hà Nội kết nối năm châu” nhằm tôn vinh, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, ẩm thực truyền thống của Thủ đô Hà Nội, xây dựng và khai thác có hiệu quả thương hiệu văn hóa, ẩm thực thông qua phát triển nền văn hóa, ẩm thực tinh túy, đặc sắc, chất lượng. Lễ hội còn giới thiệu, quảng bá hình ảnh Thủ đô là điểm đến du lịch, văn hóa, ẩm thực đặc sắc; là dịp để Hà Nội và Đại sứ quán các nước, các địa phương, tổ chức, cá nhân gặp gỡ, giao lưu, trưng bày quảng bá sản phẩm.
|
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh cùng Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Thu Hà bấm nút khai trương gian hàng phở số Hà thành |
So với 3 kỳ tổ chức trước đây, Lễ hội văn hóa ẩm thực Hà Nội 2024 có sự vượt trội về số lượng gian hàng và số lượng du khách tới tham dự. Năm nay, bên cạnh các gian hàng tôn vinh ẩm thực Hà thành như cốm Mễ Trì, xôi Phú Thượng, trà sen Quảng An… còn quy tụ 16 gian hàng của đại sứ quán các nước như Algeria, Argentina, Azerbaijan, Brazil, Ấn Độ, Iran, Nhật Bản, Mông Cổ, Lào, Liên bang Nga, Srilanka, Thổ Nhĩ Kỳ, Hàn Quốc, Pháp, Italia, Venezela. Bên cạnh đó là sự tham dự của 8 tỉnh như Hà Giang, Sơn La, Lạng Sơn, Hưng Yên, Bắc Ninh, Khánh Hòa, Thanh Hóa, Quảng Bình.
Tổng số lên tới 80 gian hàng, giới thiệu tới thực khách nhiều món ăn đặc sắc trong và ngoài nước như thịt cừu hồng của Iran, kem ngọt ngậy của Liên bang Nga, bánh Mochi của Nhật Bản, món Kim Chi nức tiếng của Hàn Quốc cho tới các món ăn rất gần gũi với người Việt như giò chả Ước Lễ, nem Phùng, chè lam Thạch Thất, xôi cốm Hàng Than... Các gian hàng đều chật cứng thực khách tới thưởng thức, cảnh mua bán tấp nập như phiên chợ ngày Tết, ai khi ra về cũng có trong tay vài thức quà. Trẻ nhỏ tới lễ hội còn được tham gia các hoạt động ngoài trời như nhảy dây, đọc sách, thưởng thức các tiết mục nghệ thuật như trình diễn cồng chiêng người Mường, tham quan triển lãm ảnh… Đặc biệt, thời tiết những ngày cuối tuần khá ấm áp, các hoạt động lễ hội diễn ra thuận lợi nên lượng du khách đổ về đông gấp 3 - 4 lần các kỳ trước. Bãi đỗ xe của công viên Thống Nhất chật kín phương tiện. Dẫu vậy, các hoạt động diễn ra trong trật tự, không có cảnh chen lấn, xô đẩy.
|
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh cùng du khách trải nghiệm robot thông minh nấu phở |
Theo chia sẻ của gian hàng bánh cốm Hàng Than, chỉ trong khoảng 2 giờ, 2 thúng xôi cốm đã được bán hết. Bên cạnh đó, các mặt hàng khác như cốm mộc, cốm xào, bánh cốm cũng rất đắt hàng. Khi tham gia lễ hội, cửa hàng không phải trả phí tham dự, giá bán cho thực khách không cao hơn giá cửa hàng đang bán bên ngoài. Các mặt hàng được giới thiệu tại lễ hội đều đạt chất lượng về an toàn thực phẩm và đều là sản phẩm hảo hạng. Do được du khách đón nhận nhiệt tình nên cửa hàng rất vui.
|
Điểm nhấn của lễ hội là không gian tôn vinh phở Hà Nội khi có tới 4 gian hàng giới thiệu từ phở truyền thống tới phở số Hà thành |
Tôn vinh phở Hà Nội
Ông Lê Văn Cử, nghệ nhân của làng Ước Lễ (huyện Thanh Oai, Hà Nội) cho biết, làng nghề giò chả Ước Lễ đem đến Lễ hội văn hóa ẩm thực Hà Nội 2024 màn trình diễn tái hiện giã giò truyền thống, rước lễ phẩm, trưng bày ống chả quế khổng lồ dài hơn 2m, nặng 120kg… Tại đây, du khách được xem người làng biểu diễn giã giò bằng tay và thưởng thức sản phẩm ngay tại chỗ. Nghệ nhân đã 88 tuổi không giấu nổi tự hào khi được góp mặt trong sự kiện và cùng những người con quê hương giới thiệu hương vị truyền thống tới nhiều người.
|
Robot phục vụ công đoạn mang phở tới du khách tại gian hàng phở số Hà thành |
Điểm nhấn của lễ hội là không gian tôn vinh phở Hà Nội khi có tới 4 gian hàng giới thiệu từ phở truyền thống tới phở số Hà thành, từ phở thủ công tới phở sản xuất theo dây chuyền công nghiệp. Trong tiết trời se lạnh, những bát phở thơm ngon, nóng hổi được bưng tới tận tay thực khách. Chương trình “Phở số Hà Thành” trong lễ hội sẽ giới thiệu tới người dân những ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số trong ngành ẩm thực Việt Nam. Khách mời có cơ hội trải nghiệm “Phở số” với robot thông minh thực hiện các công việc sản xuất và phục vụ.
|
Lễ hội năm nay mở rộng về quy mô với nhiều gian hàng ẩm thực phong phú |
Sở dĩ có điều này là bởi phở Hà Nội vừa được đưa vào Danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia với Quyết định số 2328/QĐ-BVHTTDL của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ngày 9-8-2024. Việc “Phở Hà Nội” chính thức được công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia không chỉ là sự ghi nhận về giá trị lịch sử và văn hóa, mà còn mở ra cơ hội bảo tồn và phát triển bền vững tinh hoa ẩm thực truyền thống của Thủ đô.
|
Cốm Hà thành với các biến tấu như cốm xào, cốm mộc, sữa chua cốm được thực khách yêu thích |
Là người dân tham gia lễ hội, chị Nguyễn Thùy Trang (quận Ba Đình) chia sẻ: “Lễ hội năm nay mở rộng về quy mô với nhiều gian hàng ẩm thực phong phú. Tôi ấn tượng với các gian hàng giới thiệu phở Hà Nội. Người dân và du khách không chỉ được trải nghiệm hương vị của những thương hiệu phở nổi tiếng Hà thành mà còn được trải nghiệm robot chế biến và phục vụ rất mới lạ”.
|
Làng nghề truyền thống giò chả Ước Lễ tại Lễ hội văn hóa ẩm thực Hà Nội năm 2024 giới thiệu nhiều món ăn truyền thống và màn trình diễn giã giò bằng tay |
Phát biểu tại buổi khai mạc Lễ hội văn hóa ẩm thực Hà Nội 2024, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Thu Hà cho biết, Hà Nội tự hào là địa phương có số lượng di sản lớn của cả nước, phong phú cả bề rộng, chiều sâu, với sự hòa nhập của văn hóa Thăng Long với các vùng văn hóa xứ Đoài, xứ Đông, Kinh Bắc, Sơn Nam Thượng. Cùng với nghề cốm Mễ Trì, nghề làm xôi Phú Thượng, nghề ướp trà sen Quảng An, năm 2024 “Phở Hà Nội” đã vinh dự được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định ghi danh vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đây là niềm vinh dự, tự hào của cộng đồng chủ thể và những người yêu thích ẩm thực. Sự ghi danh di sản cũng là cơ sở pháp lý quan trọng để góp phần triển khai các biện pháp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể “Phở Hà Nội”.
|
Các gian hàng ẩm thực Hà thành hút khách tham quan và thưởng thức |
Lễ hội văn hóa ẩm thực Hà Nội 2024 sẽ diễn ra đến hết ngày 1-12. Bên cạnh các hoạt động chính, lễ hội còn có các hoạt động giới thiệu, quảng bá, tọa đàm, trình diễn ẩm thực và di sản truyền thống như triển lãm ảnh, triển lãm sách lưu động giới thiệu các tác phẩm nghệ thuật, giới thiệu sách quảng bá về văn hóa nghệ thuật, du lịch, ẩm thực tiêu biểu trong nước và quốc tế… các trò chơi dân gian, biểu diễn nghệ thuật truyền thống và hiện đại; tọa đàm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển văn hóa ẩm thực... Có thể nói, nhân sự kiện Lễ hội Văn hóa ẩm thực Hà Nội 2024, Hà Nội cùng bạn bè quốc tế và các tỉnh, thành phố trong cả nước sẽ tiếp tục lan tỏa các giá trị văn hóa, các sản phẩm đặc sản của từng vùng, địa phương, từng đất nước đến với người dân và du khách.
Nơi nào ở Hà Nội có nhiều quán phở nhất?
|
Phở Thìn Bờ Hồ ghi dấu ấn lâu đời với người dân Thủ đô |
Những thương hiệu phở gia truyền (trên 2 đời làm phở) thường chỉ chuyên bán phở bò hoặc phở gà tập trung chủ yếu trên địa bàn quận Hoàn Kiếm, quận Ba Đình, quận Hai Bà Trưng. Năm 2023, Sở VH&TT Hà Nội đã tiến hành khảo sát 18/30 quận huyện và thống kê được 700 quán phở đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, trong đó tập trung chủ yếu trên địa bàn các quận: Ba Đình (21 cửa hàng), Hoàn Kiếm (32 cửa hàng), Cầu Giấy (29 cửa hàng), Đống Đa (9 cửa hàng), Hai Bà Trưng (30 cửa hàng), Thanh Xuân (56 cửa hàng), Long Biên (93 cửa hàng).
Không gian văn hóa ban đầu của di sản là những gánh phở đi bán rong ở quanh khu vực phố cổ Hà Nội. Để có thương hiệu phở Thìn Bờ Hồ ngày nay thì vào những năm 50 của thế kỷ 20, ông Bùi Chí Thìn khởi nghiệp với phở gánh đi bán rong quanh khu vực Bờ Hồ, vườn hoa Con Cóc, sau đó bán cố định tại 61 Đinh Tiên Hoàng, quận Hoàn Kiếm. Hay phở ông Đào tại 33 Hàng Giấy, quận Hoàn Kiếm trước đây do ông Vũ Văn Tâm khởi nghiệp từ bán phở gánh ở khu vực phố Nguyễn Thiện Thuật và Trần Nhật Duật vào những năm 50 của thế kỷ 20. Ông Cù Như Thấn bán những gánh phở rong đầu tiên, sau đó truyền nghề lại cho 5 người con. Một trong số những người con ấy rất thành công tạo nên thương hiệu phở Chiêu nổi tiếng ở phố Hàng Đồng và phở 49A Bát Đàn, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Sau này những người bán phở gánh dần chuyển sang địa điểm cố định.
Với người Hà Nội, phở thường được gọi là quà sáng nên các cửa hàng phục vụ nhiều nhất vào nửa buổi sáng (đến khoảng 10h). Bên cạnh đó, để phục vụ một bộ phận người dân làm ca đêm thì cũng xuất hiện những cửa hàng chỉ bán từ lúc chiều muộn đến đêm khuya như phở Thật 48 Trần Nhật Duật, phở gánh ở ngã tư Hàng Đường - Hàng Chiếu, phở gà Nguyệt ở 5B Phủ Doãn. Khi thưởng thức phở phải ăn nóng mới ngon, bát phở được bưng ra, việc đầu tiên mà người khách sành ăn là đảo nhẹ bát phở cho đều hạt tiêu rồi múc một thìa nước dùng lên… húp thử. Sở dĩ như vậy là để thưởng thức hương vị của phở nhằm kích thích vị giác, sau là để xem còn thiếu gia vị gì thì sẽ bổ sung thêm. Trên từng bàn đã bày sẵn tương ớt, dấm tỏi, hạt tiêu, chanh và ớt tươi. Thực khách có thể thêm các gia vị tùy theo khẩu vị cá nhân.
Phở chỉ ngon khi được ăn trong bát sứ không quá to hoặc quá nhỏ. Nếu bát quá nhỏ, nước dùng sẽ chóng nguội và không có đủ chỗ để thịt, rau thơm và gia vị. Nếu bát quá to thì chưa ăn hết đã chán vì phở chỉ là món ăn nhẹ hoặc món ăn thêm. Khi ăn phở, một tay cầm đũa còn tay kia cầm thìa. Dùng đũa tre là thích hợp nhất vì nó giản dị và không bị trơn khi gắp bánh phở. Thường khi ăn phở sẽ không thêm dùng đồ uống hoặc các đồ ăn khác, ăn như vậy mới thưởng thức hết vị ngon của phở.
Các quán phở ngon thường chỉ dùng loại bàn ghế xoàng. Bàn ăn phở cần hơi thấp so với bình thường để nước dùng không vương vào quần áo khi bạn cúi xuống gắp bánh phở lên.
Nguồn thông tin: Phòng Quản lý Di sản (Sở VHTT Hà Nội)