Lập lờ nguồn gốc hàng hóa

ANTĐ - Không chỉ có hiện tượng hàng Trung Quốc giá rẻ “đội lốt” hàng Việt Nam để được “nâng tầm”, mà ngược lại, hàng Việt Nam chất lượng tốt còn bị thương nhân Trung Quốc “bóc tem”, dán nhãn hàng Trung Quốc!
Hàng Việt Nam chính hãng chất lượng tốt (trái) có biểu hiện bị làm nhái (phải)

Ông Lưu Duy Dần - Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hiệp hội Làng nghề Việt Nam bức xúc: “Làng đồ gỗ mỹ nghệ Đồng Kỵ (Từ Sơn - Bắc Ninh), mỗi ngày có không dưới 500 thương nhân Trung Quốc đến thu mua những sản phẩm thủ công mỹ nghệ chất lượng cao của Việt Nam. Số hàng này sau đó được gắn mác hàng Trung Quốc rồi đưa sang Trung Quốc tiêu thụ”. Rất khó để các doanh nghiệp sản xuất không bán hàng cho thương nhân Trung Quốc, bởi họ đưa ra mức giá cao hơn, doanh nghiệp Việt trước mắt được hưởng lợi. Tuy nhiên, về lâu dài, những hãng sản xuất tên tuổi, thương hiệu sản phẩm Việt Nam sẽ biến mất.

Trái ngược với tình trạng hàng Việt chất lượng cao bị gắn mác hàng Trung Quốc, thì hàng Trung Quốc giá rẻ như: thực phẩm, sản phẩm dệt may lại được đưa vào thị trường Việt Nam tiêu thụ, “bắn” mác “Made in Vietnam”. Hoàng Lan (nhân viên văn phòng) kể lại: “Tôi thường xuyên đến một cửa hàng “Made in Vietnam” trên đường Cầu Giấy mua đồ vì giá cả hợp lý, chất lượng tốt. Nhưng gần đây, tôi phát hiện áo phông nam tại đây gắn mác hàng Việt nhưng hóa ra là hàng Trung Quốc. Nhân viên bán hàng cho biết, với giá 230.000 đồng/áo phông nam thì hàng Trung Quốc phổ thông, màu sắc đẹp hơn. Hàng Việt có loại rẻ hơn nhưng lại nhanh bai, chảy xệ; chất lượng tốt hơn thì giá lại cao, lên tới 350.000 - 400.000 đồng/chiếc”.

Tại cuộc tọa đàm về hàng Việt được tổ chức mới đây, bà Nguyễn Thị Hồng Tín - Trưởng ban Thị trường trong nước, Tập đoàn Dệt May Việt Nam trăn trở, tại các thành phố, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam đã có những cửa hàng đẹp nhưng lại không hút được khách. Trong khi đó, nhiều nơi bày bán hàng thời trang “Made in Vietnam” nhưng là hàng không rõ nguồn gốc, có thể là hàng nhập ngoại, hàng nhập lậu, hàng trôi nổi nhưng lại đi sâu vào thị trường bằng mạng lưới bán sỉ và lẻ, chiếm lĩnh thị trường nông thôn qua hệ thống sạp quần áo, giày dép tại hầu hết các chợ huyện, xã. Số hàng hoá bán trong mạng lưới này tiếp cận với khoảng 70% dân số Việt Nam, gây sự cạnh tranh lớn với các doanh nghiệp sản xuất hàng dệt may. Bà Tín cho rằng, sự tràn lan của hàng ngoại nhập đặc biệt hàng nhập lậu, hàng giá rẻ, hàng không nhãn mác, thậm chí hàng có chất gây độc hại...  trên thị trường Việt Nam từ nhiều năm đã hình thành tâm lý dễ tính, ham hàng rẻ và sính hàng ngoại của người tiêu dùng.

Đánh trúng tâm lý ham rẻ của một bộ phận người tiêu dùng, thị trường đồ chơi đang có dấu hiệu hàng Trung Quốc “nhái” hàng Việt Nam. Sản phẩm bị nhái là đĩa bay TOSY. Theo anh Trần Lượng - Phụ trách Marketing của TOSY, tuần trước, công ty đã phát hiện hàng nhái tại phía Nam. Loại đồ chơi này mang tên TOYS ghi rõ “Made in China” bằng tiếng Trung và tiếng Anh, nhưng lại có bao bì giống hệt: chữ màu trắng bạc, mặt sau bao bì hướng dẫn 6 level chơi khác nhau như TOSY chính hãng và cũng giới thiệu “có khả năng bay trở lại” (tính năng này của sản phẩm TOSY chính hãng đã được cấp bằng sáng chế độc quyền), trên cánh đĩa bay có minh họa cùng kiểu chữ...

Một điểm “tương đồng” nữa giữa 2 loại đồ chơi này là giá bán. Đồ chơi TOSY chính hãng có giá 129.000 đồng và đồ chơi TOYS có giá 120.000 đồng/ sản phẩm, nếu người mua mặc cả giá bán có thể 80.000 - 90.000 đồng/sản phẩm. “Ngay cả nhân viên bán hàng mới của TOSY, nếu chỉ nhìn lướt qua từ xa cũng không phân biệt được. Trước đây trên thị trường Việt Nam đã tràn lan sản phẩm đĩa bay với giá bán từ 20.000 đến 30.000 đồng/sản phẩm nhưng những mặt hàng đó rất thô sơ, dễ phân biệt, khác với hàng nhái tinh vi gần đây. Số đồ chơi TOYS mới phát hiện nhiều khả năng là hàng nhập lậu vì trên sản phẩm không ghi tên nhà nhập khẩu. Chúng tôi đang tìm hiểu thông tin thêm và nhờ cơ quan quản lý can thiệp” - anh Lượng phản ánh.

Việc lập lờ xuất xứ hàng hóa không chỉ ảnh hưởng đến uy tín, thị phần của doanh nghiệp Việt Nam, mà những sản phẩm này nếu không đảm bảo chất lượng sẽ gây nguy hại cho người sử dụng. Song có một điều đáng mừng là hiện nay, nhiều người tiêu dùng Việt Nam đã thông thái hơn, biết kiểm tra xuất xứ, chất lượng hàng hóa trước khi mua và không ham đồ rẻ.