Lao xe vào lực lượng làm nhiệm vụ: Đủ yếu tố cấu thành tội giết người

ANTĐ - Có cả trăm lý do biện minh cho hành vi lao thẳng ô tô vào lực lượng làm nhiệm vụ, nhưng có một điều thường bị người ta “quên” mất, đó là pháp luật buộc người lái xe phải biết hành vi đó có thể tước đoạt mạng sống con người. Vì thế cần phải xem xét hành vi lao thẳng xe vào người khác theo tội giết người để đúng với tinh thần của pháp luật cũng như thực tiễn đang xảy ra.

Đỗ Văn Lập lái ô tô bỏ chạy làm chết người truy đuổi nên bị quy kết tội “Giết người”  

Bài học nhãn tiền…

Ngày 4-7 vừa qua, TAND TP Hà Nội đã  xét xử và tuyên phạt Đỗ Văn Lập (SN 1983, trú ở thôn Đồng, xã Trung Sơn, Việt Yên, Bắc Giang) 18 năm tù về tội giết người. Ở vụ án này cho dù không mong muốn nạn nhân chết, song rõ ràng bị cáo ý thức được hành vi nguy hiểm của mình, nhưng vẫn quyết liệt thực hiện và hậu quả đau lòng đã xảy ra. 

Nội dung vụ án thể hiện, tối 28-8-2011, tổ công tác CAP Giang Biên (quận Long Biên), trong đó có anh Nguyễn Xuân Hùng và anh Nguyễn Văn Diệp - dân phòng làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát giao thông trên địa bàn. Tại tuyến phố Kế Tạnh, tổ công tác phát hiện xe ô tô tải BKS: 98C-00547 chở vật liệu xây dựng do Đỗ Văn Lập điều khiển có biểu hiện vi phạm Luật GTĐB. Ngay lập tức, tổ công tác ra hiệu lệnh dừng xe để kiểm tra. Lái xe nhất quyết không chịu xuất trình giấy tờ nên lực lượng chức năng buộc phải yêu cầu Lập đưa phương tiện về trụ sở CAP Giang Biên để giải quyết. Tổ công tác đã phân công 2 anh Hùng và Diệp đi xe máy dẫn dắt xe ô tô của Lập. Đi được khoảng 200m, đối tượng bất ngờ đạp ga ô tô bỏ chạy. Anh Diệp và anh Hùng buộc phải phóng xe máy đuổi theo. Dù sau đó, chiếc ô tô vi phạm đã được hai dân phòng chặn lại, nhưng thêm một lần nữa lái xe này lại bỏ chạy. Tiếp tục cuộc rượt đuổi, 2 dân phòng phường Giang Biên liên tục bị xe ô tô của Lập chèn ép khiến 2 anh bị ngã xuống đường. Hậu quả, anh Diệp tử vong do chấn thương sọ não, còn anh Hùng bị trọng thương. 

Quá trình tố tụng, luật sư bào chữa cho bị cáo cho rằng Lập không phạm tội giết người mà phạm vào một tội khác. Thế nhưng giữ quyền công tố, đại diện VKS khẳng định hành vi của lái xe Lập đã thỏa mãn các yếu tố của tội giết người. Vì thế đại diện VKS giữ nguyên quan điểm truy tố. Đánh giá chứng cứ, tài liệu và lời khai của các bên tại phiên xét xử, tòa án quy kết Đỗ Văn Lập phạm tội giết người và tuyên phạt mức án trên. 

Phải chặn đứng hành vi côn đồ 

Hành vi tương tự như Đỗ Văn Lập trong thực tiễn xảy ra khá nhiều, thậm chí tính chất còn manh động hơn hẳn. Thế nhưng do hậu quả chết người không xảy ra nên chẳng mấy khi các cơ quan tiến hành tố tụng áp dụng tội danh và hình phạt nghiêm khắc, đúng với bản chất của tội phạm.

Mới đây (trưa 17-7), dư luận lại được một phen thất kinh bởi nữ lái xe taxi Nguyễn Thị Xiêm (SN 1985, trú ở Phú Nghĩa, Chương Mỹ, Hà Nội) đã lao thẳng ô tô vào tổ công tác CAP Phú La (Hà Đông). Tại khu vực ngã 3 Ba La, tổ CAP Phú La phát hiện ô tô của Xiêm vi phạm giao thông nên ra hiệu dừng xe. Xiêm không chấp hành mà lập tức lao thẳng vào tổ công tác. Mặc cho một chiến sĩ cảnh sát nằm trên nắp capo, Xiêm vẫn đạp ga phóng chạy. Chưa dừng lại, trên đường chạy trốn đối tượng tiếp tục đâm vào một cảnh sát nữa… Hiện, cơ quan bảo vệ pháp luật đang hoàn tất, điều tra để xử lý đối tượng trước pháp luật. Tuy nhiên, có một điều gần như chắc chắn rằng Xiêm sẽ không bị xem xét theo hành vi giết người, đơn giản chỉ vì thiệt hại về người không xảy ra. 

Thực tế truy tố, xét xử cho thấy phần lớn các vụ cố ý đâm xe vào cảnh sát thường chỉ bị xem xét về tội chống người thi hành công vụ với mức hình phạt cao nhất chỉ từ 2-7 năm tù hoặc tội cố ý gây thương tích với án phạt tù cao nhất cũng không quá 15 năm. Còn nếu bị quy vào tội giết người, theo khoản điểm d, khoản 1, Điều 93-BLHS thì mức án thấp nhất cũng phải là 12 năm tù giam và cao nhất là tử hình. 

Hiện nay, hành vi lao thẳng xe ô tô vào lực lượng làm nhiệm vụ như nữ lái xe hãng taxi Hà Đông nêu trên rất nhiều. Vậy nhưng không mấy vụ việc được xử lý đích đáng, thể hiện rõ tính răn đe. Nhiều ý kiến cho rằng chính vì các vụ việc như của Xiêm không bị xử lý về tội giết người nên mới dẫn tới tình trạng ngày càng nhiều lái xe ô tô đâm thẳng vào lực lượng cảnh sát. Loại tội phạm này giờ chẳng khác nào một căn bệnh truyền nhiễm, nó đã lây lan sang nhiều đối tượng, thành phần khác nhau trong xã hội... Phân tích về bản chất của tội phạm, luật sư Nguyễn Quang Tiến (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng có đủ cơ sở để quy kết tội giết người đối với những người cố ý lao xe ô tô vào người khác vì đã thỏa mãn 4 đặc điểm cấu thành tội phạm.

Cụ thể, mặt khách quan đối với loại tội phạm này là toàn bộ diễn biến của hành động xe ô tô đâm thẳng vào một hoặc nhiều con người cụ thể. Nói cách khác, đó là tất cả các biểu hiện ra bên ngoài trong hành động lao phương tiện vào lực lượng cảnh sát. 

Mặt chủ quan, tức ý thức của chủ thể thực hiện tội phạm trong trường hợp này có thể thấy rõ đó là người lái xe hoàn toàn nhận biết và biết chắc chắn rằng hành động đâm thẳng ô tô vào người phía trước rất nguy hiểm, hậu quả chết người có thể xảy ra ngay tức khắc, bị pháp luật nghiêm cấm, nhưng vẫn quyết tâm thực hiện. Do đó, yếu tố lỗi ở đây là lỗi cố ý. 

Chủ thể của tội phạm trong trường hợp này là người điều khiển phương tiện đâm xe vào người khác, có đầy đủ năng lực hành vi dân sự. Hơn thế chủ thể ở đây lại là người nắm giữ, điều khiển “nguồn nguy hiểm cao độ” - ô tô nên không chỉ có đầy đủ năng lực hành vi mà còn được trang bị cả về kỹ năng điều khiển, quản lý phương tiện, có trình độ đủ để hiểu biết về pháp luật trong quá trình tham gia giao thông.  

Còn khách thể của tội phạm chính là sức khỏe, thân thể, tính mạng của con người được pháp luật bảo vệ. Trong trường hợp này chính là sức khỏe, thân thể và tính mạng của lực lượng thi hành công vụ. 

Cũng theo luật sư Nguyễn Quang Tiến, trường hợp cố ý đâm xe ô tô vào lực lượng thi hành công vụ phải được xác định là tội phạm cấu thành về mặt hình thức. Điều này có nghĩa là hậu quả (chết người) về mặt thực tế có thể xảy ra hoặc không xảy ra. Hậu quả đối với trường hợp lái xe cố ý đâm vào lực lượng cảnh sát đó là sự logic (mang tính nhân - quả) với mặt khách quan, mặt chủ quan và chủ thể của tội phạm. Nói khác đi là người thực hiện tội phạm mong muốn cho hậu quả thực tế xảy ra hoặc không mong muốn, nhưng để mặc cho hậu quả xảy ra.

Luật sư Tiến cho rằng để có đủ căn cứ xử lý hành vi lái xe đâm thẳng vào lực lượng cảnh sát theo tội giết người thì điều quan trọng nhất là làm rõ được mặt chủ quan của tội phạm, tức ý thức chủ quan của người điều khiển phương tiện trong trường hợp này. Chứng minh điều đó cũng không phải quá khó vì thông thường sự việc luôn được rất nhiều người chứng kiến… Mặt khác, đứng ở góc độ xã hội đã đến lúc cần phải “mạnh tay” thì mới có thể chặn đứng được sự ngông cuồng của tội phạm manh động.