Lắng nghe dân để không mắc sai lầm

ANTĐ - Tại cuộc tiếp xúc, nhiều cử tri tỏ ra bức xúc với đề xuất thu phí hạn chế phương tiện giao thông cá nhân của Bộ GTVT.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trao đổi với cử tri quận Ba Đình sáng 4-5

Ông Vũ Trọng Hốt (phường Trúc Bạch) hỏi: “Chúng tôi về hưu rồi, lương hưu không được bao nhiêu, không có tiền đóng phí thì phải để xe ở nhà, không được đi nữa hay sao?”. Cử tri Huỳnh Ngọc Trung (phường Thành Công) nói: “Gần đây, đi đâu cũng thấy bàn tán chuyện phí giao thông. Chất lượng đường kém như thế, ùn tắc liên miên... là lỗi của cơ quan quản lý, sao lại đổ trách nhiệm cho dân rồi “đè” ra thu phí. Hạn chế xe cá nhân bây giờ thì dân đi lại bằng gì? Thu phí chỉ giải quyết phần ngọn mà quên cái gốc của vấn đề. Tôi cho rằng không nên thu phí bây giờ...”. Cử tri Vũ Mạnh Đam (phường Ngọc Khánh) chất vấn: “Bộ trưởng Đinh La Thăng nói thu phí là thực hiện Nghị quyết Quốc hội nhưng tôi đọc không thấy câu nào nói tới thu phí. Đề nghị Quốc hội xem xét lại việc này”. Cử tri Phạm Quy (phường Ngọc Khánh) tiếp: “Đề xuất thu phí không hợp lòng dân. Bộ trưởng Đinh La Thăng nói: “đóng phí là yêu nước” nhưng tôi cho rằng nói thế là quá ngây thơ và vô lý. Chẳng lẽ tôi chưa đóng phí đồng nghĩa tôi không yêu nước hay sao?”.

Một vấn đề khác cũng được cử tri đặc biệt quan tâm là Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Cử tri Phan Ba (phường Thành Công) nói: “Đây là Nghị quyết rất hợp lòng dân, là bước khởi đầu nên quá trình thực hiện sẽ có nhiều phức tạp, khó khăn. Tôi cho là đừng trông mong nhiều ở tự phê bình mà cần có sự phê bình thẳn thắn từ tập thể và đặc biệt là từ nhân dân. Nếu thấy cần có thể tổ chức để nhân dân góp ý cho Đảng viên ở nơi cư trú thì sẽ hiệu quả. Ngoài ra, cần đưa cả những cán bộ cao cấp đã nghỉ hưu nhưng từng bị dư luận chê trách ra kiểm điểm để không còn chuyện “hạ cánh an toàn” nữa”. Tâm đắc với việc hàng năm Quốc hội sẽ bỏ phiếu tín nhiệm các chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn, cử tri Trương Đức Ngải (phường Cống Vị) đề nghị, Quốc hội thông qua chủ trương này để làm luôn vào Kỳ họp cuối năm. Ông cũng đề nghị phải có cơ chế đánh giá hoạt động của các ĐBQH: “Căn cứ vào chương trình hành động, sẽ biết ngay ĐBQH đó đã làm được gì...”.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đánh giá cao những ý kiến tâm huyết, xác đáng của cử tri. Ông cho rằng, mọi chủ trương, chính sách pháp luật của Nhà nước đều xuất phát từ đời sống và đáp ứng tâm tư, nguyện vọng của cử tri. Vì thế, các cơ quan chức năng phải luôn lắng nghe ý kiến nhân dân để tránh sai lầm. Ông nói: “Nếu chính sách mà dân không chấp nhận thì phải xem xét điều chỉnh”. Liên quan tới các ý kiến của cử tri về tư cách của một vị nữ ĐBQH khóa XIII, Tổng Bí thư cho biết, các cơ quan liên quan đã có điều tra, xác minh theo đúng quy trình. Hôm nay, 5-5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng sẽ họp, xem xét trường hợp này theo đúng luật định, nếu thấy không còn đủ tư cách ĐBQH thì đề xuất Quốc hội bãi nhiệm theo quy định.

Đồng tình với cử tri về những cam go trong cuộc chiến chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, Tổng Bí thư cho biết, có nhiều ý kiến tỏ ra lo lắng, không biết Nghị quyết Trung ương 4 sẽ triển khai như thế nào, liệu có làm được không? Tổng Bí thư khẳng định, phòng chống tham nhũng, lãng phí là việc làm thường xuyên, lâu dài. Ông nói: “Trước đây, chúng ta đã làm nhiều đợt, nhiều năm với những giải pháp và hệ thống pháp luật khá đầy đủ. Lần này, với Nghị quyết Trung ương 4, chúng ta quyết tâm rất cao. Giải pháp trúng rồi, bắt mạch, bốc thuốc đầy đủ rồi thì cả hệ thống chính trị phải làm, toàn dân cùng tham gia làm cho bằng được”. Ông cũng lưu ý, cách triển khai phải tỉnh táo, khách quan, thận trọng, hiệu quả, bởi đây là vấn đề con người, nếu không cẩn thận sẽ bị rối. Tổng Bí thư phân tích: “Không phải cứ kỷ luật được nhiều cán bộ là thành công. Để Nghị quyết đi vào cuộc sống, Tổng Bí thư và Trung ương Đảng phải chịu trách nhiệm. Từng Đảng viên cũng phải có trách nhiệm để Đảng mạnh lên, Nhà nước mạnh lên...”.