Làn sóng "tháo chạy" khỏi cổ phiếu Nhật Bản

ANTD.VN - Các nhà đầu tư quốc tế đang dấy lên làn sóng “tháo chạy” khỏi thị trường chứng khoán Nhật Bản mạnh nhất từ sau đợt đào thoát kỷ lục năm 1987 do lo ngại chính sách Abenomics (Kinh tế kiểu Abe) không hiệu quả.

Làn sóng "tháo chạy" khỏi cổ phiếu Nhật Bản ảnh 1Giới đầu tư nước ngoài đang đào thoát khỏi thị trường chứng khoán Nhật Bản

Hãng tin quốc tế chuyên về kinh tế Bloomberg ngày 19-10 cho biết, các nhà đầu tư nước ngoài đang “tháo chạy” khỏi cổ phiếu Nhật Bản do ngao ngán chính sách kinh tế thiếu hiệu quả của Thủ tướng Shinzo Abe và đồng yên tăng giá. Đợt rút vốn này của giới đầu tư quốc tế đã được so sánh với làn sóng rút vốn của các nhà đầu tư nước ngoài hồi năm 1987 để chạy trốn khỏi bong bóng định giá và đợt lao dốc được gọi là ngày “Thứ hai đen” của thị trường chứng khoán Nhật Bản khi đó.

Theo Bloomberg, dòng vốn thoái lên tới 59 tỷ USD của đợt rút vốn mới đây ở Nhật Bản là lớn nhất trong số 33 thị trường toàn cầu được các chuyên gia của hãng tin kinh tế này theo dõi. Khi nhận thấy các nhà đầu tư nước ngoài thoái vốn, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) đã tung tiền mua song tốc độ này không nhanh bằng sự “tháo chạy” của giới đầu tư quốc tế. 

Việc xảy ra đợt rút vốn được so sánh với lần thoái vốn ngày “Thứ hai đen” cách đây gần 30 năm đã cho thấy sự thất vọng của các nhà đầu tư quốc tế với chính sách “Kinh tế kiểu Abe”, còn được gọi là Abenomics, do Thủ tướng Abe khởi xướng cách đây hơn 3 năm. Abenomics khi đó đã được xem là liều thuốc mạnh mẽ và hiệu quả nhằm điều trị triệt để căn bệnh trầm kha của nền kinh tế Nhật Bản sau gần hai thập kỷ chìm trong giảm phát, khiến nước này phải duy trì chính sách lãi suất âm.

Chính sách Abenomics là hàng loạt chính sách kinh tế được gọi là chiến lược “3 mũi tên” với trọng tâm chính gồm: Thúc đẩy chi tiêu công, nới lỏng tiền tệ và tăng trưởng kinh tế sâu rộng. Theo hai “mũi tên” đầu tiên mang tên nới lỏng tiền tệ và tăng chi tiêu công, chính quyền đã thúc đẩy đầu tư cho lĩnh vực tư nhân và hoạt động của khối doanh nghiệp, tăng tổng vốn đầu tư cho doanh nghiệp thêm 10% trong 3 năm tới lên mức khoảng 70.000 tỷ yên (khoảng 700 tỷ USD) và tăng tổng thu nhập bình quân đầu người thêm 3,84 triệu yên trong vòng 10 năm tới…

Thời gian đầu, chính sách Abenomics đã tạo ra làn gió tươi mới thổi vào nền kinh tế trì trệ lưu niên của nước Nhật, giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và quan trọng nhất là niềm tin của người tiêu dùng cũng như giới đầu tư trong và ngoài nước. Tuy nhiên, chính sách được kỳ vọng này càng ngày càng tỏ ra “hụt hơi” bởi không giải quyết được căn nguyên giảm phát.

Chính vì thế, Thủ tướng Abe vào cuối tháng 7 vừa qua lại một lần nữa phải tung ra gói kích thích mới trị giá 28.000 tỷ yên, tương đương 265 tỷ USD, để vực dậy kinh tế nước Nhật. Thế nhưng, “đơn thuốc” kết hợp kích thích tiền tệ lớn, tăng chi tiêu tài khóa và cải cách cơ cấu mới nhất này của Chính phủ Nhật Bản lại chưa cho thấy hiệu quả trong việc thúc đẩy tăng trưởng, khiến giới đầu tư thất vọng.

Chuyên gia kinh tế Toru Ibayashi thuộc UBS Group ở Nhật Bản cho rằng, mức tăng bền vững chỉ khả thi khi Chính phủ thực hiện nhiều bước đi cải cách quan trọng. Trong đó, một trong những lời hứa chính sách được mong đợi nhất là “đại tu thị trường lao động”, điều cần thiết để cải thiện lợi nhuận của doanh nghiệp Nhật Bản. Song Chính phủ của Thủ tướng Abe đang thận trọng trong vấn đề này bởi lo ngại dẫn tới những bất ổn xã hội khác.