|
Trẻ em chia nhau từng mét vuông vỉa hè để đá bóng |
Bài học nhớ đời
Nhưng có một lần và từ ấy tôi cạch không dám đá bóng trên hè phố nữa. Số là hôm đó, như thường lệ, bọn trẻ chúng tôi lại rủ nhau đem quả bóng cao su màu đỏ ra đá. Cũng chia thành đội đàng hoàng, quân số mỗi bên tùy thuộc vào hôm đó có bao nhiêu đứa thì sẽ chia đều. Chúng tôi say sưa đá đến nỗi chẳng biết sợ là gì, chẳng lo nguy hiểm có thể đến bất cứ lúc nào. Đơn giản vì vỉa hè là chỗ cho người di bộ và lòng đường là chỗ cho xe cộ lưu thông. Thế rồi không hiểu thế nào đội bên kia đá một phát rất mạnh, quả bóng lăn ra giữa lòng đường.
Tôi mải lao theo bóng nên không để ý có một chiếc “Con thỏ” (xe máy do Liên Xô sản xuất) đang phóng tới. Chiếc xe chạy ngược chiều với hướng lăn quả bóng buộc phải phanh gấp phát ra tiếng “két… két…” nghe muốn “cháy” đường, sau đó là một tiếng “huỵch” rất lớn. Hai thanh niên đã kịp dừng xe lại để không tông trực diện vào tôi, nhưng cú phanh đột ngột làm chiếc xe máy đổ kềnh. Tôi an toàn và dĩ nhiên quả bóng cũng không hề hấn gì. Tôi ôm gọn quả bóng vào lòng rồi ngẩng lên nhìn. Hai anh thanh niên ngã lăn ra đất cũng đã kịp ngồi dậy, nhưng cái đau làm các anh kêu lên thành tiếng. Hú hồn, tôi ôm bóng chạy một mạch vào trong ngõ nhỏ, phải hơn 1 tiếng đồng hồ sau mới dám mon men ra “xem xét” tình hình. Chiếc xe máy đã được chuyển đi, hai anh thanh niên cũng không thấy ở đó nữa. Bọn trẻ sau khi thấy tôi chạy biến thì chẳng thằng nào bảo thằng nào cũng nhanh chóng lủi sạch. Trước mắt tôi là vỉa hè thông thoáng, lòng đường cũng thông thoáng. Tôi lấp ló nhìn ra trong lòng cứ ân hận không biết hai anh thanh niên kia có đau lắm không? Chiếc “Con thỏ” có hư hỏng gì không? Sau lần đó tôi cạch và lũ bạn cũng không dám rủ nhau ra hè phố đá bóng nữa.
|
Mỗi khi tắc đường, xe máy nối đuôi nhau lưu thông ngược xuôi trên vỉa hè |
Văn hóa và tạp hóa
Vào những dịp lễ, Tết thì vỉa hè khá đẹp và “từ tốn”, ấy là khi các nhà mặt phố đồng loạt treo cờ đỏ rực hoặc trang trí nhằm hút mắt người qua lại. Đặc biệt là các cửa hàng cửa hiệu lớn hay như các khách sạn, quán ăn lại càng rực rỡ. Đèn đóm đủ màu đua nhau mời gọi nhìn cũng thấy hay hay, thấy đẹp, cũng thấy có chút tự hào về phố phường Hà Nội.
Phố tôi là một trong những con phố đẹp và rộng nhất nhì Hà Nội nên vỉa hè và cả sát lòng đường luôn có rất nhiều xe đạp chở hoa chờ khách. Những chiếc xe hoa đó phục vụ các cô, các chị, các bà những bó hoa tươi đủ loại, đủ màu. Đấy là khi họ đến mua hoa rồi mặt mày rạng rỡ ôm bó hoa tạo dáng để “check in”. Thành ra lòng đường, vỉa hè thêm nhộn nhịp và bỗng dưng bị thu hẹp lại. Nhưng mà nhu cầu “check in” giờ đã thành một phần của cuộc sống nên đông đúc, chen chúc và làm khó người đi bộ cũng đành chấp nhận.
Vỉa hè là nơi trai thanh gái lịch đến đây ngồi uống cà phê. Hiện cà phê vỉa hè đang là mốt của thanh niên Hà Nội. Họ thích vừa được uống cà phê, vừa được ngắm phố phường, nhưng quan trọng là “mình thích thì mình check in thôi”. Chuyện chụp ảnh không có gì đáng phàn nàn nếu như không muốn nói là cũng hay, cũng đẹp thêm cho phố phường Hà Nội bởi các chàng trai, cô gái bây giờ ăn mặc rất đẹp. Có điều hứng lên là hô nhau “check in”, mà đã “check in” thì mọi chỗ đều có thể là nơi tạo dáng, kể cả giữa lòng đường, bất chấp tiếng còi xe gắt gỏng thúc giục.
|
Nam thanh nữ tú Hà Nội chuộng cà phê vỉa hè |
“Ăn trông nồi, ngồi trông hướng”
Có ai đó từng nói, “muốn biết người Hà Nội sinh hoạt thế nào thì cứ ra vỉa hè sẽ thấy”. Vỉa hè là nơi người Hà Nội thể hiện mình rõ ràng nhất. Đó là nơi mấy bác thợ sửa xe ngồi kỳ cạch bơm vá, nắn nắn, chỉnh chỉnh, là nơi để mấy cô vé số ngồi đó “bán may mắn” cho người qua lại, là nơi mấy chị chở hoa bán dạo dừng chân (họ thường dừng lại ở điểm khách qua đường dễ dàng nhận ra và dễ dàng dừng xe vào hỏi mua). Những ngày cuối năm, vỉa hè còn bị chen chúc bởi các hộ mặt phố tu sửa nhà cửa đón năm mới. Thế là vật liệu xây dựng như cát, sỏi, xi măng, gạch, sắt thép… được tập kết chiếm lĩnh hết vỉa hè. Lại thêm mấy bác thợ sắt, thợ hàn mang máy ra xì xoẹt cưa cắt tóe lửa, tỏa khói khét lẹt. Người đi bộ vội vòng xuống lòng đường để tránh cát bụi, lửa khói và dĩ nhiên là tránh va chạm có thể xảy ra, nhẹ thì đau mà nặng thì có thể phải băng bó. Sợ nhất là những viên gạch, những thanh cốt pha có thể rơi xuống bất cứ lúc nào. Thành thử vỉa hè cũng là nơi mất an toàn đối với người qua lại.
|
Tập kết vật liệu xây dựng trên vỉa hè |
Hà Nội bây giờ lúc nào cũng nườm nượp người xe qua lại. Vào đầu giờ sáng hay cuối giờ chiều còn đông đúc, chen chúc hơn nhiều. Nhưng tệ nhất là không chỉ có 1 - 2 chiếc xe máy lao lên vỉa hè mà dòng xe còn nối nhau vô tận, bất chấp lúc đó còn rất nhiều người đi bộ. Có dạo, tôi cứ chiều chiều là đi bộ thể dục, thú nhất là được ngắm người, ngắm phố. Nhưng đi bộ gọi là để thể dục thư giãn mà cứ phải vòng, phải tránh, phải ngó lên ngó xuống cũng nản, tôi chuyển sang tập dụng cụ tập thể dục công cộng. Nhưng nào đã yên, chỗ vỉa hè được lắp đặt các loại dụng cụ thể dục công cộng ấy cũng bị những chiếc xe máy lao lên hè, còi xe bấm inh ỏi cứ như mấy ông mấy bà đi bộ hay tập thể dục “chiếm” mất đường của họ vậy. Có cậu chạy xe máy va vào ai đó còn gân cổ lên mắng: “Ông/bà đi không có mắt à?”. Ô hay! Vỉa hè vốn dành cho người đi bộ, mà đi bộ trên vỉa hè còn bị xe máy lao lên tông trúng, rồi còn bị mắng là “không có mắt” thì lạ quá. Văn hóa tham gia giao thông, nhất là văn hóa sử dụng vỉa hè hiện nay đúng là có vấn đề.
Cuối năm đang “xình xịch” đến nên ai cũng vội, nhưng rất cần mỗi người có ý thức hơn một chút là phố phường Hà Nội sẽ có những vỉa hè đẹp như ngày lễ, Tết.