- Triển lãm hội họa của gia đình họa sĩ Dương Ngọc Thăng - Nguyễn Thị Quỳnh
- Triển lãm “Gốm Hương Canh - đối thoại giữa truyền thống và hiện đại”
- Triển lãm "Đại tướng Nguyễn Chí Thanh - Nhà lãnh đạo tài năng, đức độ”
Triển lãm như một thước phim đưa người xem đi qua từng giai đoạn lịch sử, từ những sáng tác của giảng viên Trường Mỹ thuật Đông Dương, những người đã đào tạo nên một thế hệ tài năng cho hội họa Việt Nam, đến tuyệt tác của các danh họa từ mái trường này như Tô Ngọc Vân, Nguyễn Tường Lân, Trần Văn Cẩn…
Triển lãm lần đầu ra mắt công chúng hai tác phẩm tranh lụa của họa sĩ Nguyễn Tường Lân, mang tên "Thiếu nữ mặc yếm" và "Quang cảnh bên sông", thu hút sự chú ý đặc biệt trong giới chuyên gia.
Mạch triển lãm xoay quanh hai tuyến nội dung song song, đó là hình tượng người phụ nữ Việt Nam và cảnh sắc Việt Nam, dưới lăng kính hội họa giao thoa Á - Âu.
Không gian mỹ thuật của triển lãm được bố trí, sắp xếp thành 5 cụm chính, trong đó 4 cụm giới thiệu tác phẩm của các nhóm giảng viên - sinh viên theo những bộ môn chính: dessin (Nguyễn Nam Sơn, Tô Ngọc Vân, Lương Xuân Nhị), sơn dầu (Josept Inguimberty, Trịnh Hữu Ngọc), sơn mài (Alix Aymé, Phạm Hầu) và nhóm đa phương tiện gồm gỗ, lụa và sơn dầu (Trần Văn Cẩn, Nguyễn Tường Lân, Tôn Thất Đào, Hoàng Tích Chu).
Cụm thứ 5 là ốc đảo ở giữa phòng, giới thiệu nhóm họa sĩ di cư sang Pháp nhưng vẫn thực hành từ xa với lụa, sơn dầu và điêu khắc (Lê Phổ, Vũ Cao Đàm, Jean Volang)...
Theo giám tuyển Ace Lê, trong 20 năm hoạt động, mặc dù sử dụng giáo trình hội họa châu Âu, tập thể thầy và trò Trường Mỹ thuật Đông Dương đã cùng mày mò, khám phá những góc nhìn mới bằng việc bản địa hóa chủ đề sáng tác - dù là chân dung hay phong cảnh và đưa chúng vào những chất liệu truyền thống mang đậm hồn cốt Việt. Sự hội ngộ ấy đã kết tinh nên những viên ngọc văn hóa độc đáo trong dòng chảy mỹ thuật Đông Dương, cũng là điểm khởi nguồn cho mỹ thuật hiện đại Việt Nam.
Trước nay, hầu hết sự kiện lớn của mỹ thuật Đông Dương lớn đều diễn ra tại 2 đầu cầu đất nước Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Vì thế, "Trong ngọc trắng ngà" là một sự kiện văn hóa nghệ thuật đặc biệt, đem đến làn gió mới cho cộng đồng yêu nghệ thuật tại Đà Nẵng.
Tất cả các tác phẩm đều thuộc về Phù Sa Art Foundation, một tổ chức nghệ thuật hướng về cộng đồng. Triển lãm kéo dài đến ngày 7/1 tại tầng 4 Nhà hàng Madame Lân, số 4 Bạch Đằng, phường Thạch Thang, quận Hải Châu, TP Đà Nẵng.
Một số tác phẩm tại triển lãm:
"Gội đầu" của Trần Văn Cẩn, sáng tác năm 1940, đoạt giải Nhất tại triển lãm của Nghệ thuật Annam (Farta) ba năm sau đó. Tác phẩm từng được đưa vào bộ tem "Hội họa Việt Nam" năm 1995 |
"Tắm tiên", màu nước, bột màu trên lụa của Lê Phổ, vẽ năm 1930 |
"Quang cảnh bên sông" của Nguyễn Tường Lân |