- Sẽ bổ sung quy định để hạn chế tình trạng đẩy trách nhiệm lên Thủ tướng Chính phủ
- Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm gợi mở nhiều giải pháp, mong Hà Nội phát triển toàn diện, đi đầu cả nước
|
Thủ tướng Phạm Minh Chính đến làm việc với Thành ủy Hà Nội |
Đề xuất chọn 2-3 khu đô thị mới để thí điểm phát triển đô thị thông minh
Sáng nay, 17-8, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội.
Báo cáo với đoàn công tác của Thủ tướng, Phó Bí thư Thành ủy – Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu còn nhiều biến động, Thủ đô Hà Nội đã nỗ lực vượt qua thách thức, đạt được những thành tựu đáng khích lệ trong 7 tháng đầu năm 2024.
|
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh báo cáo tại buổi làm việc |
Đáng chú ý, cùng với việc triển khai các nhiệm vụ thường xuyên, thành phố đã tập trung chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm, chiến lược, trong đó có 3 nội dung quan trọng: Luật Thủ đô (sửa đổi) đã được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 7; Quy hoạch Thủ đô, Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô đã được Bộ Chính trị, Quốc hội cho ý kiến, hiện nay đang trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Về kinh tế xã hội, Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết, kinh tế Thủ đô tiếp tục tăng trưởng, các cân đối lớn được đảm bảo, hầu hết các chỉ tiêu đều tăng so với cùng kỳ năm 2023.
Nổi bật như: GRDP 6 tháng đầu năm 2024 của Hà Nội tăng 6%, bình quân 3 năm 2021-2023 tăng 6,04% - cao hơn khoảng 1,16 lần mức tăng của cả nước. Tổng thu ngân sách nhà nước 7 tháng đầu năm đạt gần 324 nghìn tỷ đồng, bằng 79,2% dự toán; tổng chi ngân sách gần 53 nghìn tỷ đồng, đạt 36% dự toán, trong đó chi đầu tư phát triển hơn 23 nghìn tỷ đồng, đạt 28,7% dự toán.
“Lũy kế giải ngân kế hoạch đầu tư công đến hết tháng 7/2024 đạt hơn 23 nghìn tỷ đồng, bằng 28,7% kế hoạch, đứng thứ 2 về khối lượng so với các bộ, ngành và địa phương; điều đó thể hiện quyết tâm, nỗ lực lớn của Thành phố” – ông Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh.
|
Lãnh đạo Chính phủ dự buổi làm việc |
Ngoài ra, Hà Nội cũng là địa phương đầu tiên cả nước ban hành và thực hiện Nghị quyết 09 về phát triển công nghiệp văn hóa…
Thay mặt lãnh đạo thành phố, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm chỉ đạo nhiều nội dung, như: hỗ trợ thành phố thu hút đầu tư từ các tập đoàn lớn vào các khu công nghệ cao, khu công nghiệp; xem xét, sớm phê duyệt Quy hoạch Thủ đô Hà Nội và đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội để tạo không gian phát triển mới cho Thủ đô;
Hà Nội cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép thí điểm mô hình phát triển đô thị thông minh tại một số khu đô thị, trong đó giao UBND TP lựa chọn 2-3 khu đô thị mới trên địa bàn để thực hiện thí điểm phát triển đô thị thông minh.
|
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên phát biểu thảo luận tại buổi làm việc |
Đồng thời, cho phép thực hiện các dự án tái thiết đô thị trong khu vực nội thành để quy hoạch, bố trí sắp xếp lại dân cư, dành quỹ đất để xây dựng các công trình tạo nguồn lực phát triển kinh tế xã hội, hình thành các khu dân cư, khu nhà ở đồng bộ, hiện đại.
Hà Nội cũng đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cho phép triển khai ngay các chương trình, kế hoạch đầu tư phát triển thành phố phía Bắc vùng Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn và Thành phố phía Tây vùng Hòa Lạc, Xuân Mai để kêu gọi các nguồn lực, kinh nghiệm đầu tư phát triển trong nước và quốc tế...
Thủ tướng chỉ đạo 5 nhiệm vụ trọng tâm, 10 nhiệm vụ cụ thể
|
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc |
Sau khi nghe các báo cáo và ý kiến thảo luận, phát biểu tại buổi làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính chia sẻ, điều ông ấn tượng nhất với Hà Nội là về sự đoàn kết, thống nhất, trên dưới một lòng, tiền hô hậu ủng, dọc ngang thông suốt như cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói.
Thủ tướng đánh giá, trong 7 tháng đầu năm nay, Hà Nội có 10 điểm sáng. Trong đó, về kinh tế, Hà Nội đạt nhiều kết quả phát triển ấn tượng. Về xây dựng thể chế, Luật Thủ đô sửa đổi đã được Quốc hội thông qua. Đầu tư công đã khắc phục được tình trạng dàn trải. An sinh xã hội được đảm bảo, quốc phòng an ninh được giữ vững…
Bên cạnh đó, thủ tướng cũng chỉ ra 5 điểm tồn tại, hạn chế của Hà Nội. Trong đó, Thủ tướng nhấn mạnh, tăng trưởng kinh tế của Hà Nội đạt 6% là ấn tượng nhưng Chính phủ mong muốn Hà Nội phải đạt tăng trưởng cao hơn nữa, vượt trội so với cả nước. Rồi tình trạng ô nhiễm môi trường của Hà Nội vẫn nhức nhối. Hà Nội cũng còn thiếu các sự kiện văn hóa thể thao mang tầm vóc khu vực, quốc tế…
|
Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài phát biểu tại buổi làm việc |
Thủ tướng lưu ý, thời gian tới, khó khăn thách thức vẫn nhiều hơn thời cơ, thuận lợi. Do đó, Hà Nội phải nhận thức sát với tình hình, đưa ra các giải pháp có trọng tâm, hiệu quả hơn.
Thủ tướng gợi ý Hà Nội cần tập trung vào 5 nhiệm vụ trọng tâm. Đầu tiên, cần xây dựng Thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại, xem đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm hàng đầu. Cùng đó, rà soát lại các mục tiêu, chỉ tiêu của nhiệm kỳ này, trên cơ sở đó cái gì đã làm được thì phải làm tốt hơn, cái gì chưa làm được thì phải nỗ lực hơn, cái gì khó thực hiện thì phải có giải pháp đột phá với quyết tâm cao hơn.
Đồng thời, phải đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn của nền kinh tế. Tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về thể chế để huy động mọi nguồn lực cho sự phát triển nhanh, bền vững của Thủ đô. Tiếp tục cải cách hành chính; đảm bảo an sinh, tiến bộ, công bằng xã hội.
Về các nhiệm vụ cụ thể, Thủ tướng yêu cầu Hà Nội tập trung vào 10 nhiệm vụ.
|
Lãnh đạo Chính phủ và các Bộ ngành chụp ảnh với lãnh đạo Thành ủy Hà Nội |
Trong đó, Thủ tướng đôn đốc phải hoàn thành dự án đường Vành đai 4 và các công trình trọng điểm đúng tiến độ; tiếp tục làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống, đẩy mạnh các động lực tăng trưởng mới như kinh tế tri thức, kinh tế ban đêm, kinh tế tuần hoàn; nâng cao các chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, đặc biệt là chỉ số hài lòng của người dân;
Thủ tướng cũng nhấn mạnh về lĩnh vực y tế, giáo dục. Trong đó, yêu cầu Hà Nội không để thiếu thuốc chữa bệnh. Vào năm học mới, không để thiếu trường, thiếu lớp, thiếu giáo viên, dứt khoát không để tăng giá giáo dục đầu năm học mới. Về an sinh xã hội, Thủ tướng yêu cầu làm tốt, nghiêm túc công tác tăng lương nhưng không để tăng giá…
Về các đề xuất, kiến nghị của Hà Nội, Thủ tướng giao Văn phòng Chính phủ tập hợp, báo cáo các Phó Thủ tướng phụ trách lĩnh vực phân công các bộ ngành phối hợp với Hà Nội để giải quyết, trên tinh thần rõ người, rõ việc, rõ tiến độ.
Phát biểu sau đó, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài thay mặt lãnh đạo thành phố Hà Nội khẳng định sẽ nghiêm túc tiếp thu đầy đủ ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng và ý kiến tham gia góp ý của các đồng chí lãnh đạo, bộ ngành, trung ương.
Trên cơ sở đó, tới đây, Hà Nội sẽ cụ thể hóa bằng các giải pháp để thực hiện hiệu quả.