Làm sao để "vực dậy" xuất khẩu thủy sản?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Sau giai đoạn sản giảm sâu vào các tháng đầu năm nay, xuất khẩu thủy sản đang có tín hiệu tích cực trở lại. Tuy nhiên, việc phục hồi này chủ yếu phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc và Hoa Kỳ.
Xuất khẩu thủy sản đang dần lấy lại đà tăng trưởng

Xuất khẩu thủy sản đang dần lấy lại đà tăng trưởng

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, 9 tháng đầu năm nay, xuất khẩu thủy sản cả nước đạt 6,6 tỷ USD, giảm 22,6% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong đó, xuất khẩu giảm sâu trong giai đoạn nửa đầu năm với 27%. Từ tháng 6 trở đi, tăng trưởng âm thu hẹp dần. Riêng trong tháng 9, doanh số xuất khẩu chỉ còn thấp hơn 5% so với cùng kỳ năm ngoái nên tổng kim ngạch trong quý III chỉ thấp hơn 12% so với cùng kỳ năm 2022 và đây cũng là mức giảm ít nhất trong 3 quý năm nay.

Dự báo kim ngạch xuất khẩu của ngành này năm 2023 ước đạt 9 tỷ USD. Như vậy, so với kết quả 11 tỷ USD năm ngoái, xuất khẩu thủy sản sụt giảm mạnh.

Theo Bộ Công Thương, thủy sản là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn, giữ vai trò quan trọng trong sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam với quy mô ngày càng mở rộng. Sản phẩm thủy sản Việt Nam hiện đã xuất khẩu tới hơn 170 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, nguyên nhân xuất khẩu thủy sản sụt giảm là do các áp lực từ các yếu tố vĩ mô cả trong nước và quốc tế. Theo đó, giá xuất khẩu của các mặt hàng thủy sản đầu năm nay có xu hướng giảm.

Sự cạnh tranh về giá thủy sản trên thị trường quốc tế khiến việc tìm kiếm đơn hàng của các doanh nghiệp Việt Nam gặp khó khăn, dẫn tới việc giảm giá. Tiếp theo, nhu cầu thủy sản nhập khẩu cũng giảm do các quốc gia nhập khẩu cũng chưa tiêu thụ hết lượng hàng tồn kho lớn của năm trước.

Các tháng cuối năm 2023 và năm tiếp theo, tình hình thế giới và khu vực được dự báo tiếp tục có những diễn biến rất phức tạp và khó lường về địa chính trị, gây ảnh hưởng đến sự ổn định toàn cầu, làm gián đoạn, đứt gãy các chuỗi cung ứng, nhu cầu tiêu dùng giảm ở nhiều nước, đặc biệt tại các quốc gia là đối tác thương mại lớn của ngành thủy sản Việt Nam như: Hoa Kỳ, EU, nhóm thị trường CPTTP…

Ngoài những rủi ro do những tác động của tình hình chính trị, kinh tế - xã hội toàn cầu, các doanh nghiệp xuất khẩu của ngành hiện gặp rất nhiều khó khăn trong việc tiếp cận và khai thác thị trường do việc gia tăng các rào cản thương mại, yêu cầu về tính bền vững đối với sản phẩm bao gồm các khía cạnh xã hội, môi trường và kinh tế trong toàn bộ chuỗi cung ứng như “thẻ vàng IUU” tại các thị trường tiêu thụ chủ lực như nhóm thị trường EVFTA, Hoa Kỳ…

Mặc dù vậy, đến thời điểm hiện tại, một số sản phẩm xuất khẩu chủ lực: Cá ngừ, tôm, cá tra đã xuất hiện tín hiệu tích cực.

Theo VASEP, mức độ hồi phục doanh số xuất khẩu thủy sản trong thời gian tới phụ thuộc phần nhiều vào 2 thị trường chính là Hoa Kỳ và Trung Quốc. Cả 2 thị trường này đều có những tín hiệu khả quan về mặt nhu cầu. Các đơn hàng từ 2 thị trường này đang tăng trở lại, nhưng giá xuất khẩu vẫn ở mức thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái.

Ông Nguyễn Hoài Nam- Phó Tổng Thư ký VASEP cho biết trong mấy tháng gần đây nhu cầu gia công thuỷ sản từ các “ông chủ” lớn đến từ các thị trường trọng điểm như Nhật Bản và Mỹ gia tăng đáng kể. Mặt hàng được quan tâm là cá minh thái, cá tuyết, cá thu, cá sòng, cá chim, cá đuối, cá trê….

Theo ông Nguyễn Hoài Nam, việc Trung Quốc và một số quốc gia áp lệnh cấm nhập khẩu thuỷ sản từ Nhật Bản được xem là thông tin tích cực mà nhiều doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt ở miền Trung và miền Bắc quan tâm.

Ông Trần Thanh Hải- Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) nếu vượt qua được khó khăn về thị trường thì doanh nghiệp cần đáp ứng các yêu cầu rất cao về an toàn thực phẩm, chất lượng hàng hóa và đặc biệt là truy xuất nguồn gốc.

“Việc EU áp dụng “thẻ vàng IUU” là một cảnh báo cho việc này, ngoài EU, các thị trường khác cũng áp dụng các biện pháp tương tự, do vậy, cần phải khắc phục được hạn chế để tháo gỡ được thẻ vàng, đây là một hướng đi bền vững để đảm bảo xuất khẩu thuỷ sản tăng trưởng tốt trong thời gian tới”- ông Trần Thanh Hải nhấn mạnh.

Ông Lê Hoàng Tài- Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, tuỳ theo yêu cầu cụ thể của VASEP, Cục sẽ có kế hoạch làm việc với thương vụ tại nước ngoài để hỗ trợ tổ chức các cuộc gặp mặt giữa các doanh nghiệp nhằm tăng cường xuất khẩu.