“Làm nhiều cái tốt thì cái xấu sẽ bị lu mờ”

(ANTĐ) - “Sách là biểu tượng của sự giàu sang! Giáo viên giỏi là giáo viên… thường xuyên đến cơ quan!...

“Làm nhiều cái tốt thì cái xấu sẽ bị lu mờ”

(ANTĐ) - “Sách là biểu tượng của sự giàu sang! Giáo viên giỏi là giáo viên… thường xuyên đến cơ quan!...

Chống tiêu cực trong giáo dục: Lôi hết cái xấu ra trừng trị không có nghĩa là cái tốt sẽ xuất hiện.

Xu hướng chạy theo bằng cấp ở Việt Nam.

Lao động đông, nhân công giá rẻ: Không phải là lợi thế!

Cải cách hành chính: Bỏ thói quen rất ngại!”

Đó là tất cả những nhận định được rút ra giữa câu chuyện của chúng tôi với nhà giáo, nhà nghiên cứu xã hội học, PGS. TS Lê Ngọc Hùng, một trong những người xuất bản nhiều sách xã hội học nhất Việt Nam; học Thạc sỹ và hoàn thành luận án Tiến sỹ theo học bổng Đại Học Harvard-Yenching, Mỹ với kỷ lục 3 năm rưỡi…

- Thưa PGS, trong thế kỷ XXI chúng ta nên hiểu thế nào về chữ “tâm” của một nhà giáo?

- Nên hiểu nó đơn giản là chữ “tâm” trong công việc. Nhà giáo có “tâm” phải đối xử công bằng, bình đẳng với học sinh, nghiêm túc trong khoa học, say mê công việc, nhiệt tình với công việc, nói đơn giản là yêu nghề. Nói theo ngôn ngữ hiện đại thì nó là đạo đức nghề nghiệp.

Mà khi nói đến đạo đức nghề nghiệp thì cũng phải nói đến cả năng suất, chất lượng, hiệu quả công việc. Một người có “tâm” không thuần túy là người tốt theo kiểu đánh giá hình thức mà phải nói thêm: Anh ta làm được gì, năng suất ra sao, chất lượng và hiệu quả như thế nào.

- Vậy theo ông, phải chăng hiện nay chúng ta chưa có cách đánh giá đúng về chất lượng thực của một người thầy?

- Hiện nay còn phổ biến cách đánh giá rất “hành chính”: Giáo viên giỏi là giáo viên... thường xuyên đến cơ quan! Chúng ta chưa đánh giá chất lượng người thầy dựa trên sản phẩm họ làm ra như số lượng giờ dạy, chất lượng bài giảng, số lượng bài báo, tạp chí được đăng, số lượng sách, giáo trình được xuất bản.

Tháp phân tầng quản lý đang “đè bẹp” tháp phân tầng chuyên môn khoa học: Cứ có chức vụ cao tức là người giỏi. Người giỏi chuyên môn thì không có quyền đưa tri thức của mình vào sách, giáo trình, trong khi người quản lý có thể kém chuyên môn nhưng lại có quyền quyết định, áp đặt nội dung của sách, giáo trình.

Một nghiên cứu đã chỉ ra, hiện có khoảng 50-60% giảng viên không có đề tài nghiên cứu, không có công trình nghiên cứu khoa học. Nhưng đại đa số (khoảng 80%) các công trình nghiên cứu khoa học lại rơi vào tay người có chức vụ ở cấp trường, khoa, bộ môn.

Giả sử họ không kém người khác về chuyên môn nhưng do công việc quản lý quá nặng nề nên khách quan mà nói, họ cũng không thể toàn tâm, toàn ý cho chuyên môn được. Nên nhiều khi nhận đề tài về lại phải nhờ, mời người khác làm.

- Đã có thống kê, từ khi Bộ GD-ĐT phát động phong trào “Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục” thì bình quân 3 ngày lại có 1 vụ tiêu cực trong giáo dục bị phanh phui. Ông nghĩ gì về điều này?

- Tiêu cực trong giáo dục là có, nên đương nhiên phải nói không với nó. Nhưng hoạt động của giáo dục không phải chỉ để tập trung vào đó mà phải hoạt động làm sao để cái tốt át cái xấu. Lôi tất cả cái xấu ra trừng trị không có nghĩa là cái tốt sẽ xuất hiện.

Nhưng nếu làm được nhiều cái tốt thì cái xấu sẽ bị lu mờ. Vậy nên chúng ta không nên dốc toàn tâm lực chỉ để chống tiêu cực trong giáo dục. Vì quan trọng là xây chứ chỉ chống phá tiêu cực không thôi thì chưa thể đem lại một nền giáo dục tốt.

Giả sử một nền giáo dục không có các hiện tượng xấu thì chưa hẳn nó đã là một nền giáo dục tốt, mà nó mới chỉ là một nền giáo dục không có tiêu cực.

- Trong cuốn sách “Xã hội học giáo dục” của PGS có mục đề cập đến thuyết xã hội bằng cấp. Thuyết này phê phán một xã hội trong đó mọi người quá coi trọng bằng cấp giáo dục và chủ yếu dựa vào bằng cấp để tuyển dụng lao động mà coi nhẹ năng lực thực sự của cá nhân. Theo ông, xã hội Việt Nam hiện nay có phải là một xã hội bằng cấp hay không?

- Về mặt nào đó, xu hướng chạy theo bằng cấp đúng là đang có ở xã hội ta. Tuy vậy, phê phán bằng cấp không có nghĩa là xổ toẹt tất cả, bỏ qua tiêu chí bằng cấp trong tuyển dụng.

Nếu chúng ta chỉ coi trọng hình thức của bằng cấp, chứng chỉ, chỉ sa vào hình thức thì đó là điều đáng lên án. Vì nhiều khi không phải cứ có bằng cấp là có trình độ chuyên môn tương ứng.

Ngược lại, nếu bằng cấp phản ánh đúng nội dung, chất lượng giáo dục thì nó là một tín hiệu rất tốt về chất lượng nguồn nhân lực cho thị trường lao động. Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra quy luật về sự phụ thuộc của thu nhập vào học vấn: trình độ học vấn càng cao thì thu nhập càng lớn.

Tuy giáo dục không trực tiếp làm tăng năng suất lao động, nhưng người lao động có giáo dục và có trình độ học vấn cao là người có khả năng tạo ra năng suất lao động cao và do vậy được trả công cao. Vì vậy, việc người ta đi học là rất tốt, rất quý.

Càng nhiều người đi học, càng nhiều người học lên cao và được nhận bằng cấp thì càng tốt cho xã hội, chứng chỉ vẫn là một điều rất tích cực nếu việc đi học này đồng nghĩa với việc tích lũy được thêm nhiều kiến thức, kỹ năng, tay nghề.

- Hiện nay nhiều người nói rằng Việt Nam có lợi thế về lao động vì có đông nhân công giá rẻ. Vậy quan điểm của ông?

- Trên thực tế, việc ta có nhiều lao động là có thật, giá rẻ cũng có thật. Nhưng đấy chưa phải lợi thế. Vì giá rẻ ở đây đang chứng tỏ rằng năng suất, chất lượng, hiệu quả lao động thấp, chất lượng nguồn nhân lực thấp. Thấp do chưa qua đào tạo, chưa học hành cẩn thận mà đã đi làm.

Vì lao động đông còn do nhiều người đáng ra đang đi học thì đã đi lao động, tức là bước chân vào thị trường lao động quá sớm. Ví dụ như một số người đáng ra đang phải đi học THPT thì lại không đi học mà ra đi làm.

Hoặc đáng ra học xong THPT rồi phải đi học tiếp TC, CĐ, ĐH thì lại chỉ có 10 đến 15% các em này vào được CĐ, ĐH thôi. Cho nên lao động của ta đông, giá nhân công rẻ chưa phải là lợi thế.

- Hình như ông đang nói chất lượng nguồn nhân lực của chúng ta còn thấp?

- Thấp thì ai cũng biết, nhưng rất gay go ở chỗ: Thông tin về tình trạng chất lượng lao động của nước ta cũng như tình trạng chất lượng nguồn nhân lực của nước khác đều quá ít lại không cập nhật. Dựa vào số liệu thống kê hiện có cho thấy chỉ khoảng 5% lao động Việt Nam có trình độ CĐ, ĐH.

Thực ra chúng ta đang vô cùng thiếu thợ nhưng là thợ có trình độ học vấn cao, thậm chí thợ có trình độ THPT thôi chúng ta cũng đang rất thiếu. Chúng ta cũng đang rất thiếu thầy. Một nước phát triển hàng đầu thế giới trung bình một năm “sản xuất” ra 26 nghìn Tiến sỹ, có những năm tới 30-40 nghìn.

Nhưng ở ta, trong những năm qua chỉ đào tạo được khoảng 13 nghìn Tiến sỹ nhưng khi đưa ra mục tiêu trong 10 năm tới đào tạo ra 20 nghìn Tiến sỹ thì người ta lại sợ là thừa, sợ là đào tạo ra nhiều quá thì chất lượng thấp. Nếu vẫn còn suy nghĩ chúng ta “thừa thầy, thiếu thợ” thì chất lượng nguồn nhân lực của ta sẽ còn thấp và vô cùng chậm chạp để nâng lên.

- Khi nào thì người dân không còn phàn nàn về các thủ tục hành chính, thưa ông?

- Người dân chỉ quan tâm đến chất lượng sản phẩm, đến chất lượng dịch vụ. Trong giao dịch hành chính, chỉ có ba yêu cầu. Một là nhanh chóng về thời gian. Hai là thuận lợi, không phiền phức trong thủ tục.

Ba là tiết kiệm về chi phí. Chừng nào ba yêu cầu này còn chưa được đáp ứng thì còn chê. Nếu đứng ở góc độ đáp ứng ba yêu cầu trên thì người dân vẫn thấy chậm chạp, vẫn thấy phiền phức, vẫn thấy tốn kém. Đứng ở góc độ đó thì cải cách hành chính của ta đúng là chậm thật.

- Vậy các nhà quản lý phải thay đổi thế nào để việc cải cách thực sự có hiệu quả?

- Một là họ phải thay đổi mục tiêu làm việc của mình. Thay về chú trọng hoàn thành các mục tiêu trong công tác quản lý của mình, gọi tắt là mục tiêu quản lý thì họ phải chuyển sang mục tiêu khác: Phục vụ nhân dân.

Hai là, phải bỏ ngay cách nghĩ: Chưa thay đổi được thủ tục hành chính vì chưa có đủ điều kiện. Khi được hỏi “sao chưa cải cách?” thì câu trả lời phổ biến nhất của những người trong cuộc là “do chưa đủ điều kiện!”.

Nhưng những cải cách, đổi mới trong hành chính mà đợi cho đến khi đủ điều kiện thì hiếm có lắm. Ai cũng ngại đổi mới. Bỏ thói quen rất ngại. Muốn đổi mới được phải do yêu cầu cấp bách từ cuộc sống, do áp lực từ người dân, từ khách hàng, từ đối tác hoặc từ đối thủ.

Ba là, phải thay đổi thước đo đối với cán bộ làm công tác hành chính: Ai bị dân phàn nàn thì người đó kém.

- Cán bộ của ta khi làm việc kém hiệu quả thường bào chữa là “do đồng lương thấp, chỉ làm vậy thôi!”. Ông bình luận thế nào về hiện tượng này?

- Người ta nói: Đãi ngộ thấp thành ra làm chưa tốt. Thực ra không phải. Vì đằng nào cũng đến cơ quan làm việc. Dù được trả ít tiền hay không thì cũng phải làm việc trong thời gian ấy. Không thể nói vì lương thấp nên làm việc kém, đã chấp nhận mức lương đó thì mới vào làm việc ở đó. Nếu không chấp nhận mức lương đó thì đừng ở đó làm gì.

Hiện tượng này còn nói lên rằng: Những người đó có nhận thức thấp. Tại sao không nghĩ theo hướng: Tôi làm tốt hơn sẽ được nhiều tiền hơn; đằng nào tôi cũng phải làm nên trong khi chưa có nhiều tiền hơn thì tôi sẽ được kính trọng hơn nếu tôi làm tốt, làm nhiều việc.

Thế mới là chuyên nghiệp. Cách suy nghĩ “Tiền nào của nấy” là biểu hiện của cách ứng xử trong nền kinh tế thị trường tư bản thời sơ khai. Trong nền kinh tế thị trường phát triển, “của” còn được đánh giá bằng nhiều yếu tố khác nữa, bên cạnh “tiền”.

Ánh Hà (Thực hiện)