- Từ vụ giết người ở đường Hoàng Hoa Thám: Kẻ thủ ác có bệnh án tâm thần xử lý ra sao?
- Tòa tuyên hai án tử hình trong vụ 'bay lắc' tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1
- Đề nghị truy tố nhiều cán bộ Bệnh viện Tâm thần Trung ương I vì liên quan đến vụ án ma túy
"Kim bài miễn tử" của tội phạm
Giả tâm thần để được đưa đi điều trị nhằm trốn tội, trốn tránh cơ quan điều tra, là thủ đoạn tội phạm hay sử dụng. Trong những năm qua, một bộ phận cán bộ y - bác sỹ, người làm công tác giám định pháp y tâm thần đã không giữ vững bản lĩnh, bị tội phạm mua chuộc, làm sai lệch hồ sơ bệnh án, để tội phạm lợi dụng bệnh án tâm thần trốn tránh xử lý của pháp luật… Hành vi này gây ra những hệ lụy rất lớn cho xã hội. Sự việc mới đây xảy ra tại tại Viện Pháp y tâm thần Trung ương Biên Hoà, đóng tại phường Tân Phong, TP Biên Hoà, tỉnh Đồng Nai tiếp tục gióng lên hồi chuông báo động về thủ đoạn này…
Tính đến nay, Bộ Công an xác định 15 cán bộ quản lý và bác sĩ Viện Pháp y tâm thần Trung ương Biên Hoà đã nhận hối lộ để tạo dựng hồ sơ bệnh án, kết luận giám định tâm thần sai cho đối tượng phạm tội, bị kết án phạt tù… nhằm đối phó với các cơ quan chức năng. Hành vi của các đối tượng đã tiếp tay cho tội phạm và để lại nhiều hệ lụy cho xã hội.
|
Hai nhân viên Bệnh viện tâm thần Trung ương 1 đã bị tạm giam về hành vi gian lận hồ sơ bệnh án tâm thần |
Có thể điểm lại hàng loạt vụ án với hành vi tương tự xảy ra trong những năm qua gây bức xúc trong dư luận, trong đó có vụ án xảy ra tại Bệnh viện Tâm thần TW 1, đã có 4 cán bộ y - bác sỹ của bệnh viện này bị bắt và xử lý. Đối tượng Nguyễn Xuân Quý bị áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh theo quyết định của Viện Kiểm sát nhân dân huyện Thanh Trì, Hà Nội. Trong thời gian điều trị tại Bệnh viện tâm thần Trung ương I, Quý đã mua chuộc y - bác sỹ tại đây và biến phòng điều trị thành "động bay lắc", đồng thời Quý điều hành việc mua bán ma túy diễn ra ngang nhiên, ngay tại bệnh viện...
Mới đây, ngày 7-5, TAND tỉnh Quảng Ngãi đưa ra xét xử vụ án môi giới, đưa và nhận hối lộ để làm giả kết quả giám định pháp y. Theo đó, ông Phạm Ngọc Phượng - cựu Giám đốc Trung tâm Pháp y tỉnh Quảng Ngãi đã bị tuyên phạt 4 năm 6 tháng tù về tội nhận hối lộ để làm giả các bản kết luận giám định bệnh tật, giúp 5 người đủ điều kiện để tòa hoãn thi hành án…
Tiếp tay cho tội ác
Hiện nay có 3 nhóm đối tượng đang lợi dụng tính nhân văn của pháp luật khi thực hiện các hành vi giả bệnh để trốn tội. Loại đầu tiên là nhóm đối tượng giả bệnh án tâm thần với mục tiêu thoát truy cứu trách nhiệm hình sự. Bên cạnh đó còn có nhóm đối tượng "chạy" tuổi và cuối cùng là nhóm đối tượng giả bị mắc bệnh hiểm nghèo như ung thư, lao, HIV...
Trao đổi với phóng viên về vấn đề này, Thiếu tướng Phan Mạnh Trường, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an phân tích: “Có một số trường hợp trước khi đi các đối tượng đã chuẩn bị sẵn các bệnh án tâm thần giả, để khi gây án các đối tượng đưa những bệnh án tâm thần giả này ra nhằm trốn tránh pháp luật. Dạng thứ hai là đã gây án rồi, đi giám định pháp y tâm thần và được xác định là mất khả năng điều khiển hành vi hoặc hạn chế khả năng điều khiển hành vi để được miễn truy cứu trách nhiệm hình sự, hoặc trong trường hợp đã thành án thì được đưa đi chữa trị bắt buộc và phải chờ thời gian chữa bệnh bắt buộc thì được trừ vào thời gian thi hành án”.
|
Nhiều kẻ gây án thoát tội nhờ có bệnh án tâm thần giả |
Tình trạng tạo bệnh án tâm thần giả mặc dù đã bị phát hiện, điều tra, truy tố, xét xử nhưng vẫn tiếp diễn trong thời gian gần đây bởi do yếu tố vụ lợi của các bên liên quan. Với những đối tượng là cán bộ y - bác sỹ làm giả bệnh án tâm thần, chỉ vì lợi ích vật chất, nên một bộ phận đã bất chấp đạo đức nghề nghiệp để tạo ra những bệnh án tâm thần giả.
Còn đối tượng phạm tội, bệnh án tâm thần như lá bùa hộ mệnh… để thoát tội hay giảm nhẹ hình phạt. Do vậy, các đối tượng sẵn sàng bỏ một khoản tiền không nhỏ để biến mình thành bệnh nhân tâm thần hợp pháp.
Trên thực tế, hiện nay, cả nước có 7 tổ chức giám định pháp y tâm thần thực hiện trưng cầu giám định theo yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng, bao gồm Viện Pháp y Tâm thần Trung ương, Viện Pháp y Tâm thần Biên Hòa và 5 Trung tâm pháp y tâm thần khu vực. Các tổ chức giám định pháp y tâm thần là nơi vừa thực hiện giám định theo trưng cầu giám định của cơ quan tiến hành tố tụng, vừa là nơi điều trị cho các đối tượng được giám định có bệnh lý tâm thần để chờ thi hành án. Dù đã có quy định chặt chẽ nhưng cũng không thể tránh khỏi có kẽ hở bị các đối tượng lợi dụng.
Ngoài ra, ý thức của cán bộ thực thi hay còn gọi là đạo đức công vụ đang bị xem nhẹ. Nhiều cán bộ cấp cao có ý thức đạo đức thấp kém, phản ánh một thực trạng đau xót là đạo đức xã hội đang bị xuống cấp.
“Đây là một đạo đức nghề nghiệp, y đức của ngành y tế cần phải được thực hiện nghiêm, đúng đạo đức. Những ai cố tình làm sai những kết luận giám định này thì cơ quan thực thi pháp luật sẽ xử lý nghiêm minh, thậm chí xử lý nghiêm hơn tất cả những hành vi vi phạm pháp luật khác”, Thiếu tướng Phan Mạnh Trường - Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an khuyến cáo.
Người dân mất niềm tin vào các cơ quan thực thi pháp luật là một trong những hậu quả nghiêm trọng do hành vi làm giả hồ sơ bệnh án tâm thần gây ra. Do vậy, cơ quan công an khẳng định, sẽ kiên quyết làm sáng tỏ tất cả các vụ án và xử lý nghiêm minh, không có ngoại lệ, không có vùng cấm… Đây là hồi chuông cảnh tỉnh đến những người làm công tác giám định tư pháp trong bối cảnh có những diễn biến phức tạp về hoạt động của các loại tội phạm như hiện nay.