Lái xe ô tô không nộp phạt vi phạm giao thông có thể bị từ chối đăng kiểm

ANTD.VN - Bạn đọc hỏi: Trước ngày mang xe ô tô đi đăng kiểm định kỳ, tôi tra thông tin phương tiện trên cổng thông tin cảnh sát giao thông và phát hiện có một thông báo vi phạm với trạng thái chưa xử phạt tại Đà Nẵng từ hơn một năm trước. Tuy nhiên, tôi không thể biết mình mắc lỗi gì, mức phạt là bao nhiêu. Vào đọc thông báo đó, tôi chỉ được cung cấp một số điện thoại và khi gọi thì cũng không được cung cấp bất cứ thông tin nào, ngoài một lời mời vào làm việc với Phòng Cảnh sát giao thông Đà Nẵng. Xin hỏi luật sư, pháp luật quy định thế nào về trình tự, thủ tục cũng như cách thức xử phạt vi phạm hành chính về giao thông đường bộ? Cơ quan đăng kiểm có quyền từ chối kiểm định phương tiện không khi chỉ dựa vào thông báo của cơ quan công an? Nguyễn Văn Chi (Hà Nội)

Luật sư trả lời:

Luật sư Đặng Văn Sơn - (VPLS Đặng Sơn và Cộng sự, số nhà 31, ngõ 192, đường Tam Trinh, Yên Sở, Hoàng Mai, Hà Nội)

Luật sư Đặng Văn Sơn - (VPLS Đặng Sơn và Cộng sự, số nhà 31, ngõ 192, đường Tam Trinh, Yên Sở, Hoàng Mai, Hà Nội)

Khi tham gia giao thông đường bộ, người có hành vi vi phạm Luật Giao thông đường bộ (LGTĐB) và nếu đủ căn cứ để xử lý thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính. Theo đó, một số trường hợp, lỗi khi bị phát hiện có thể bị cơ quan có thẩm quyền xử phạt ngay lúc vi phạm bằng biện pháp xử phạt trực tiếp hoặc có trường hợp sau một thời gian vi phạm nhất định mới bị xử lý trên cơ sở thông qua hình thức phát hiện lỗi vi phạm của người tham gia giao thông thông qua các tư liệu, quy định tại Điều 24 - Thông tư 65/2020/TT-BCA của Bộ Công an quy định về tiếp nhận, xác minh thông tin, hình ảnh phản ánh vi phạm trật tự, an toàn giao thông đường bộ do tổ chức, cá nhân cung cấp hoặc đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng. Bên cạnh đó, các thông tin, hình ảnh phản ánh vi phạm trật tự, an toàn giao thông đường bộ được tiếp nhận từ việc ghi thu được bằng thiết bị kỹ thuật của tổ chức, cá nhân; đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội cũng là căn cứ để xử phạt vi phạm hành chính trong giao thông đường bộ. Trường hợp thông tin, hình ảnh phản ánh đúng và xác định được có hành vi vi phạm hành chính thì người có thẩm quyền xử phạt tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính và ra quyết định xử phạt đối với hành vi vi phạm hành chính thuộc thẩm quyền hoặc báo cáo người có thẩm quyền xử phạt theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính. Những trường hợp như thế này thường được gọi là “phạt nguội”.

Cụ thể, căn cứ Điều 11 - Nghị định 165/2013/NĐ-CP; Điều 14 - Thông tư 06/2017/TT-BGTVT và Điều 25 - Thông tư 65/2020/TT-BCA, việc xử phạt nguội được thực hiện với các bước như sau:

Bước 1 là phát hiện vi phạm giao thông thông qua phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, hình ảnh phương tiện vi phạm giao thông được ghi lại. Bước 2 là hình ảnh vi phạm được chuyển cho bộ phận trích xuất. Bộ phận này sẽ lưu lại các thông tin về phương tiện vi phạm như biển số xe, thời gian vi phạm, tuyến đường vi phạm, lỗi vi phạm… Sau đó, cơ quan có thẩm quyền sẽ in hình ảnh vi phạm, kèm theo phiếu xác nhận kết quả vi phạm, rồi chuyển cho lực lượng CSGT để làm căn cứ xác định vi phạm và xử phạt. Việc giao, nhận hình ảnh vi phạm, kèm phiếu xác nhận kết quả phải được ghi chép vào sổ theo dõi, ký nhận và lưu trong hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính. Bước 3 là lực lượng CSGT thông báo hành vi vi phạm. Sau khi nhận được hình ảnh vi phạm và phiếu xác nhận kết quả, lực lượng CSGT sẽ thông báo cho tổ chức, cá nhân vi phạm về hành vi vi phạm, yêu cầu đến cơ quan có thẩm quyền để làm việc. Bước 4 là lập biên bản vi phạm hành chính. Nếu xác định được tổ chức, cá nhân vi phạm, lực lượng CSGT phải tiến hành ngay việc lập biên bản vi phạm hành chính và kết quả thu được bằng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ được lưu theo biên bản vi phạm hành chính. Theo quy trình xử phạt “nguội” được đề cập ở trên thì khi phát hiện vi phạm thông qua hình ảnh được ghi lại từ phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, lực lượng CSGT phải thông báo cho tổ chức, cá nhân vi phạm và yêu cầu họ đến làm việc để xác định chính xác hành vi vi phạm.

Lực lượng CSGT phát hiện vi phạm giao thông thông qua thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ Ảnh: lam thanh

Lực lượng CSGT phát hiện vi phạm giao thông thông qua thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ Ảnh: lam thanh

Theo Điều 58 - Luật Xử lý vi phạm hành chính, nếu đúng là có vi phạm, lực lượng CSGT phải lập biên bản vi phạm hành chính. Biên bản này phải được lập thành ít nhất 2 bản, có cả chữ ký của người vi phạm hoặc đại diện tổ chức vi phạm ký. Nếu bên vi phạm không ký thì lực lượng CSGT ghi rõ vào biên bản. Biên bản vi phạm hành chính lập xong phải giao cho cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính 1 bản. Sau đó, trong thời hạn 7 ngày kể từ ngày lập biên bản xử phạt hành chính, lực lượng CSGT phải ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Quyết định xử phạt hành chính sẽ được gửi cho cá nhân, tổ chức bị xử phạt bằng cách giao trực tiếp hoặc gửi qua bưu điện bằng hình thức bảo đảm và thông báo cho cá nhân, tổ chức bị xử phạt biết.

Tương tự, theo khoản 1 - Điều 73 - Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012, cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính phải chấp hành quyết định xử phạt trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận quyết định. Trường hợp ghi thời hạn thi hành nhiều hơn 10 ngày thì thực hiện theo thời hạn đó. Nếu không nộp “phạt nguội” đúng hạn, người vi phạm sẽ bị cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt và cứ mỗi ngày chậm nộp phạt thì phải nộp thêm 0,05% trên tổng số tiền phạt chưa nộp (khoản 1 - Điều 78 - Luật Xử lý vi phạm hành chính). Trường hợp xe ô tô vi phạm giao thông không nộp phạt nguội đúng thời hạn còn có thể bị từ chối đăng kiểm. Bởi theo khoản 12 - Điều 80 - Nghị định 100/2019, nếu quá hạn nộp phạt, lực lượng CSGT sẽ gửi thông báo cho cơ quan đăng kiểm để đưa vào cảnh báo phương tiện liên quan đến vi phạm hành chính trên Chương trình Quản lý kiểm định. Đây là một trong những lý do để đơn vị đăng kiểm không được kiểm định xe tại khoản 6 - Điều 4 - Thông tư 70/2015/TT-BGTVT.

Như vậy, nếu lái xe ô tô không tiến hành nộp phạt vi phạm về giao thông đường bộ thì sẽ bị cảnh báo trên Chương trình Quản lý kiểm định và không thể thực hiện được việc kiểm định phương tiện. Trường hợp quá hạn đăng kiểm thì chủ phương tiện sẽ bị phạt rất nặng và cao nhất có thể lên đến 16 triệu đồng. Chính vì những lý do trên, bạn nên đến Phòng Cảnh sát giao thông Công an TP Đà Nẵng để giải quyết theo quy định để không bị xử lý và phải nộp thêm các khoản tiền phạt phát sinh.