- Phó Thống đốc: Ngân hàng nào không giảm được lãi suất thì báo cáo để NHNN hỗ trợ
- Hiệp hội Ngân hàng kêu gọi thống nhất lãi suất huy động không quá 9,5%/năm
- Ngân hàng tăng lãi suất sẽ phải báo cáo Ngân hàng Nhà nước
Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính đến cuối tháng 10/2022, tổng tiền gửi của khách hàng tại các tổ chức tín dụng (TCTD) đạt hơn 11,4 triệu tỷ đồng, tăng gần 5.800 tỷ đồng so với tháng 9, chủ yếu nhờ nhóm khách hàng dân cư.
Trong đó, tiền gửi của dân cư tiếp tục tăng hơn 21.500 tỷ đồng so với tháng trước lên hơn 5,66 triệu tỷ đồng. So với cuối năm 2021, hệ thống ngân hàng đã huy động được thêm hơn 360.000 tỷ đồng từ dân cư.
|
Lãi suất ngân hàng tăng thời gian qua đã thu hút nhiều người dân gửi tiền hơn |
Con số từ Ngân hàng Nhà nước cũng cho thấy, tốc độ tăng huy động vốn khu vực dân cư trong tháng đã tăng lên 0,4%, nhanh hơn so với những tháng trước. Đây cũng trùng với thời điểm Ngân hàng Nhà nước tăng lãi suất điều hành 2 lần (22/9 và 25/10) và ngay sau động thái này, các ngân hàng thương mại đã bước vào cuộc đua lãi suất huy động.
Một số ngân hàng thương mại đã điều chỉnh tăng mạnh lãi suất huy động thêm 3 - 4%/năm tùy từng kỳ hạn. Trong đó, trần lãi suất tiền gửi dưới 6 tháng tăng từ mức trần 4% lên 6%/năm; kỳ hạn 6 – 12 tháng tại một số ngân hàng đã lên đến 9 – 10%.
Đối với kỳ hạn từ 12 tháng trở lên, phổ biến lãi suất dao động 9,5 – 10%/năm, cá biệt nhiều ngân hàng lên tới gần 12%/năm.
Ở diễn biến ngược lại, tiền gửi của các tổ chức kinh tế, sau khi tăng mạnh trong tháng 9 đã quay đầu giảm 15.811 tỷ đồng vào tháng 10, xuống còn 5,76 triệu tỷ đồng. Nguyên nhân tiền gửi doanh nghiệp sụt giảm có thể đến từ yếu tố mùa vụ (cuối năm doanh nghiệp có xu hướng rút tiền để phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh nhiều hơn). Ngoài ra, những khó khăn trên thị trường vốn (trái phiếu doanh nghiệp, chứng khoán) cũng khiến dòng tiền của doanh nghiệp kém dồi dào hơn nhiều.
Tính chung tổng tiền gửi của toàn hệ thống ngân hàng từ đầu năm đến hết tháng 10 đã tăng 4,39%, tương đương tăng 480.780 tỷ đồng. Trong đó, tiền gửi dân cư tăng 6,78%, tiền gửi của tổ chức kinh tế tăng 2,15%.
Mặc dù tăng trưởng tiền gửi dân cư cao hơn so với thiếu hụt từ khu vực tổ chức kinh tế nhưng cũng không thể bù đắp được mức sụt giảm của tổng phương tiện thanh toán, lên 17.000 tỷ đồng. Tốc độ tăng của tổng phương tiện thanh toán trong tháng 10 chỉ còn 3,08% thay vì 3,21% của tháng 9.
Theo lý giải, số liệu tổng phương tiện thanh toán chưa loại các khoản phát hành giấy tờ có giá do các tổ chức tín dụng khác trong nước mua. Do tổng phương tiện thanh toán tháng 10 giảm nên kéo mức tăng so với cuối năm 2021 còn 413.000 tỷ đồng.