- Kinh tế Việt Nam thêm một năm khởi sắc, tăng trưởng cao
- Kỳ tích tăng trưởng ngoạn mục của kinh tế Việt Nam năm 2017
- Chứng khoán 6-2: Lực mua "bắt đáy" giúp VN-Index "leo" qua ngưỡng 1.000 điểm
PGS. TS Trần Đình Thiên - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam: Tạo được niềm tin, hiệu ứng tích cực
“Chúng ta thấy báo chí và nhiều người dùng từ “kỳ tích 2017”, đến mức dường như chúng ta hơi “say sưa” vì thắng lợi. Tất nhiên, với xuất phát điểm thấp như đầu năm, thì những con số này khiến ai cũng sửng sốt, nhưng ở khía cạnh kinh tế nên đánh giá bình tĩnh hơn.
Nói như vậy không có nghĩa là phủ nhận thành tích năm qua. Năm qua, Chính phủ đã nỗ lực thay đổi môi trường kinh doanh, Thủ tướng Chính phủ cũng khẳng định phải làm ráo riết, không được “buông tay”. Người ta nói “trên nóng dưới lạnh” nhưng thực tế là đang “nóng dần lên”, chúng ta đã thực sự làm và đang tạo được niềm tin, có hiệu ứng tích cực thực sự.
Khu vực kinh tế tư nhân đã khẳng định được mình, vai trò tư nhân được phát huy tích cực.
Những đổi mới về thể chế, cơ chế rất quan trọng, sẽ tạo niềm tin cho năm 2018, mang đến những kết quả khả quan. Nhưng có lẽ quan trọng hơn những con số là các động thái, do bắt buộc phải thay đổi.
Cơ chế tăng trưởng, cơ cấu ngành, vùng còn chưa thay đổi được nhiều. Doanh nghiệp trong nước có nền tảng quan trọng bậc nhất nhưng còn yếu, cần tiếp tục cải cách. Kinh tế tư nhân tăng trưởng mạnh nhưng nhỏ bé, thiếu liên kết, nguồn nhân lực còn hạn chế... Gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp, chi phí logistics còn cao. Tác động của việc cắt giảm thủ tục trong năm 2018 như thế nào còn phải chờ xem. Công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn chủ yếu dừng lại ở gia công chứ chưa phải công nghệ cao... Đó là những thách thức lớn cho năm 2018”.
TS Trương Văn Phước, Quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia: Phải xây dựng được đội ngũ doanh nghiệp tư nhân vững mạnh
“Năm 2017, mục tiêu tăng trưởng đầu năm đặt ra 6,7%, đến giữa năm chúng ta vẫn lo không đạt. Nhưng nhờ sự chỉ đạo điều hành sâu sát của Chính phủ, cùng với đó là những chính sách từ năm trước có hiệu ứng lan tỏa đã hình thành môi trường kinh doanh tốt, tạo sự hưng phấn trong xã hội cũng như từng cá nhân. Nhờ vậy, chúng ta đã vượt mục tiêu đề ra, kéo theo đó, mức nợ công so với GDP giảm xuống. Chính phủ cũng đã có các chính sách quản lý và cải thiện chất lượng nợ công hiệu quả hơn trong chính sách tài khóa.
Tăng trưởng kinh tế có sự đóng góp của nhiều thành phần kinh tế khác nhau nhưng phải thừa nhận kinh tế tư nhân có vai trò quan trọng. Nghị quyết của Đảng cũng nói rõ vai trò của kinh tế tư nhân là động lực chính cho nền kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, các khảo sát trong thời gian vừa qua chỉ ra hệ thống doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn còn nhiều khó khăn, khả năng tiếp cận vốn chưa thật sự thông suốt; rồi công nghệ, quản trị của doanh nghiệp còn nhiều yếu kém. Đó là những yếu tố còn chưa ổn ở kinh tế tư nhân.
Chúng ta đang trong quá trình đón nhận dòng vốn đầu tư nước ngoài, cùng với cổ phần hóa, chúng ta phải xây dựng được đội ngũ doanh nghiệp vững mạnh. Nếu như sau này các chính sách thật sự đi vào cuộc sống, chúng ta có cách để giúp doanh nghiệp có thể tiếp cận vốn được nhiều hơn nữa. Như vậy, cộng đồng doanh nghiệp tư nhân chắc chắn sẽ hoạt động hiệu quả hơn, giải quyết được nhiều công ăn việc làm và những vấn đề khác của nền kinh tế”.
Ông Nguyễn Xuân Thành - Giám đốc Phát triển, Đại học Fulbright Việt Nam: Tiêu dùng dân cư là động lực tăng trưởng
“Để có được sự khởi sắc kinh tế của năm 2017, nhóm yếu tố rất quan trọng là dấu hiệu tích cực của nền kinh tế thế giới, hầu hết các nền kinh tế phát triển hay mới nổi đều cải thiện; xuất khẩu tăng trưởng mạnh, trong đó có yếu tố lợi thế về tỷ giá. Trong nước, tỷ suất lợi nhuận doanh nghiệp cũng được cải thiện, theo tính toán của Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia, suất sinh lợi năm 2017 lên đến 10,1%. Trong năm 2018, chúng ta đặt mục tiêu tăng trưởng 6,7%. Nhìn vào giai đoạn 2015-2017, có một yếu tố quan trọng giúp thúc đẩy tăng trưởng là sự gia tăng của tiêu dùng dân cư. Thu nhập trung bình của người dân cao hơn, sức mua cao hơn. Đây chính là động lực quan trọng cho tiềm năng tăng trưởng 2018.
Năm 2017, lĩnh vực dịch vụ tăng 7,5% và trong thời gian tới, nếu các yếu tố tích cực ngắn hạn không còn hỗ trợ thì các yếu tố trung hạn vẫn sẽ thúc đẩy tăng trưởng cao hơn. Nhưng để đạt được điều này, các chính sách về tiền tệ phải có sự hỗ trợ từ Chính phủ. Có ổn định được lãi suất thì từ yếu tố tiêu dùng mới chuyển thành các chỉ số tăng trưởng tích cực”.
TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế: Không nên dựa quá nhiều vào tín dụng
“Quan điểm của tôi là chúng ta không nên dựa quá nhiều vào tín dụng dù đây vẫn là kênh đầu tư quan trọng. Theo nghiên cứu của chúng tôi với số liệu của 10 nước, nếu đẩy tín dụng tăng thêm 10% thì tăng trưởng kinh tế chỉ tăng 0,5%.
Như vậy, không phải thúc đẩy tăng trưởng tín dụng là sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Năm 2017, tín dụng tăng 19% nhưng năm nay chúng ta nên đưa ra con số thận trọng hơn là 17%.
Doanh nghiệp luôn mong lãi suất giảm nhưng phải đặt câu hỏi lãi suất có phải điểm nghẽn với doanh nghiệp hay không? Tôi cho là không. Hiện nay, bình quân lãi suất của Việt Nam ở mức 5-12%. Đây là mức trung bình so với các quốc gia trong khu vực có mức tăng trưởng như Việt Nam (Indonesia, Thái Lan, Ấn Độ...).
Trong năm 2018, khả năng giảm lãi suất là khó. Vấn đề nợ xấu không thể sớm xử lý triệt để; chênh lệch giữa lãi suất đầu vào và đầu ra của các ngân hàng Việt Nam đang ở mức tương đối thấp trong khu vực; chi phí giao dịch kinh tế của Việt Nam rất cao”.