“Ký ức Hà Nội” – món quà tri ân của nhạc sĩ Nguyễn Thành Trung với mảnh đất Tràng An

ANTD.VN - Đau đáu với những thanh âm, hình ảnh và sự thay đổi, phát triển của Hà Nội - nơi mình sinh ra và trưởng thành, sau thời gian ấp ủ, nhạc sĩ Nguyễn Thành Trung và êkip vừa chính thức trình làng album với tên gọi “Ký ức Hà Nội”. Album được phát hành trên các trang nền tảng số về âm nhạc.

"Trà đá vỉa hè" - một ca khúc trong album "Ký ức Hà Nội"

Nhạc sĩ Nguyễn Thành Trung chia sẻ, với anh thì viết về Hà Nội không chỉ có cảm hứng ngợi ca lịch sử mà còn là những dòng cảm xúc rất chân thực từ nhịp sống đời thường, xuất phát từ tình yêu sâu sắc mà anh dành cho mảnh đất ngàn năm văn hiến.

Lấy tựa đề album là “Ký ức Hà Nội” - cái tên dễ khiến người ta nhầm tưởng là sự hoài niệm về những điều xưa cũ về Hà Nội của tác giả, nhưng thực chất trong những ký ức đó là những gom góp của anh từ những câu chuyện nhỏ, hình ảnh đơn giản nhất mà bất cứ ai cũng có thể bắt gặp, cảm nhận và trải qua trên ngõ nhỏ, phố nhỏ đến những mối quan tâm lớn về sự vươn mình phát triển, kiến tạo của đô thị Hà Nội.

Ở đó có những tiếng rao sớm tối, là những âm thanh náo động, ồn ào của phương tiện giao thông, là tiếng người hòa lẫn trong tiếng nhạc; là hình ảnh của xích lô, những người trẻ già bên café phố, trà đá vỉa hè; đến những rộn ràng tươi mới hòa trong nhịp sống mới phát triển, hội nhập của Hà Nội. Dù vậy, với tâm thế của người sinh ra, lớn lên và trưởng thành tại nơi đây, đã đi qua bao thăng trầm của thời gian, không gian, anh tự thấy mình cũng có những khoảng lặng riêng, có cô đơn, có lạc lõng và có cả những khắc khoải đau đáu. Để rồi từ đó “Ký ức Hà Nội” cứ tuôn trào, đưa người nghe đi qua những cung bậc cảm xúc lúc tự tình, khi trầm lắng da diết, lúc lại dâng trào hoan ca.

9 ca khúc trong album “Ký ức Hà Nội” của Nguyễn Thành Trung đã thể hiện lên những điều đó và mang những ẩn ý mà tác giả muốn kể tới người nghe câu chuyện của anh về một Hà Nội rất riêng theo cách nhìn của anh. Từ “Thu trả cho đời” (ca sĩ Tiến Mạnh), “Hà Nội cũ” (NSƯT Hoàng Tùng), “Cafe phố” (NSND Mai Hoa), “Trà đá vỉa hè” (ca sĩ Hồng Duyên), “Nỗi nhớ” (ca sĩ Quỳnh Anh), “Hoa thanh xuân” (Nguyễn Gia Tuệ Lâm), “Thanh âm Hà Nội” (ca sĩ Tiến Hưng), “Xích lô đón dâu” (ca sĩ Hoàng Hồng Ngọc) và “Cô đơn giữa Hà Nội” (NSƯT Hoàng Tùng).

“Ký ức Hà Nội” vì thế là câu chuyện được Nguyễn Thành Trung kể bằng mạch âm nhạc xuyên suốt, hòa quyện vào nhau từ quá khứ đến hiện tại, từ truyền thống đến hiện đại. Ở đó có âm hưởng dân gian dân tộc của xẩm kết hợp với nhạc điện tử trong “Trà đá vỉa hè” (Hồng Duyên); là chất jazz uyển chuyển, nồng nàn trong “Café phố” của giọng hát trầm đặc biệt của NSND Mai Hoa; là tươi vui trong nhạc Pop với giọng ca trong sáng, trẻ trung của Nguyễn Gia Tuệ Lâm với “Hoa thanh xuân”; một “Thanh âm Hà Nội” đậm màu sắc classical của giọng ca Tiến Hưng…

Nguyễn Gia Tuệ Lâm - con gái nhạc sĩ Nguyễn Thành Trung gây ấn tượng khi thể hiện ca khúc "Hoa xuân ca" trong album

Đồng hành với Nguyễn Thành Trung trong album “Ký ức Hà Nội” vừa với vai trò biên tập âm nhạc, vừa là người bạn đồng điệu trong âm nhạc - NSƯT Hoàng Tùng thể hiện 2 ca khúc được cho là điểm nhấn mang đậm suy tư, cảm xúc của tác giả là “Hà Nội cũ” và “Cô đơn giữa Hà Nội”. Tác phẩm được nhạc sĩ Đức Thụy phối khí theo phong cách bán cổ điển. Nam ca sĩ chia sẻ, có thể nói không gian âm nhạc của album rất rộng, màu sắc âm nhạc phong phú, hội tụ đa dạng giọng hát. Album là sự hội tụ các thế hệ nghệ sĩ và một nhân tố đặc biệt góp mặt trong album chính là giọng hát của Nguyễn Gia Tuệ Lâm – con gái của tác giả Nguyễn Thành Trung. Với “Hoa thanh xuân”, Tuệ Lâm đã góp sự tươi trẻ, trong sáng, mới mẻ như một sự tiếp nối thế hệ âm nhạc trong gia đình, thế hệ thanh âm trẻ mới của Hà Nội.

Với ý niệm làm một album nhạc kể chuyện Hà Nội, tri ân Hà Nội, nhưng “Ký ức Hà Nội” của tác giả Nguyễn Thành Trung được đánh giá không bị gò bó theo một môtip nào, mà mang đến sự mới mẻ trong sự luân chuyển của các thể loại âm nhạc, từ dân gian đương đại, cổ điển, bán cổ điển đến pop, Jazz, Rap… Qua âm nhạc, qua những tác phẩm phong phú về màu sắc thanh âm, giai điệu, hình ảnh, câu chuyện tác giả chắc hẳn muốn gửi gắm rất nhiều, mong muốn rất nhiều về Hà Nội. Ở mỗi tác phẩm, dù là hình ảnh nhỏ nhắn, dung dị, giai điệu da diết, hay sôi động, gấp gáp… thì người nghe có thể dễ dàng bắt gặp, cảm nhận nội tâm, thấy hình ảnh thời trẻ, thấy ký ức của tác giả và cũng có thể là của chính mình, người xung quanh mình trong những thanh âm gắn với Hà Nội, với Hà Nội cũ, Hà Nội mới và Hà Nội của tương lai.

Những ca khúc viết về Hà Nội của tác giả Nguyễn Thành Trung trong album “Ký ức Hà Nội” đã khái quát được sự hoài niệm quá khứ, cái hiện tại, và sự kết hợp quá khứ hiện tại và tương lai trong giai điệu âm nhạc bay bổng, không xô bồ mà thanh thoát, hướng thiện; ca từ có chọn lọc, giàu hình tượng văn học, dễ làm người nghe rung cảm, đồng cảm… từ đó khiến người nghe thêm mến yêu Hà Nội hơn. Và qua đó cũng thể hiện lời tri ân của tác giả Nguyễn Thành Trung với Hà Nội, với khán giả yêu mến âm nhạc của anh.

Trong làng nhạc Việt Nam, cái tên Nguyễn Thành Trung ngày càng trở nên quen thuộc, dù anh luôn khiêm tốn nhận mình là một nhạc sĩ tay ngang, giới truyền thông chưa biết đến nhiều. Không ồn ào mà lặng lẽ, Nguyễn Thành Trung dường như chọn cách để âm nhạc của mình tự lên tiếng. Với phong cách trữ tình lãng mạn, những sáng tác của anh mang đậm dấu ấn cá nhân, chạm đến trái tim người nghe bằng sự chân thành và sâu sắc.

thiết.

Ngay từ ca khúc đầu tiên khi bắt đầu được giới thiệu trên con đường âm nhạc, Nguyễn Thành Trung đã “ghi điểm” trong lòng người nghe với ca khúc “Hà Nội cũ”. Bên cạnh “Hà Nội cũ” Nguyễn Thành Trung tiếp tục chứng minh tài năng của mình qua 4 album: “Tình yêu đầu tiên” (2014), “Nỗi nhớ” (2016), “Xa em” (2022) và “Ký ức Hà Nội” (2024). Bốn album này đánh dấu một chặng đường sáng tạo của cá nhân Nguyễn Thành Trung nhưng nó mang đến những sắc thái âm nhạc khác nhau và đều có chung một mẫu số. Đấy là đậm chất tự sự và trữ tình.