- Ông bán vàng hôm giá 39 để chốt lãi nhưng vài hôm sau nó nhảy lên 45 nên bây giờ có vẻ đau hơn hoạn?
- Ông cứ đùa, lương công chức quèn, cả tháng không được chỉ vàng, mua bán gì. Lúc đầu thấy thiên hạ nháo nhào vác cả bao tải tiền đi mua vàng, mình dửng dưng vì nó chẳng dính dáng đến mình, đỡ nhọc. Nhưng rồi dửng dưng không được, vì giá cả nó đánh thẳng vào mặt. “Thằng” đánh giày xong “xin bố 8 nghìn”, bảo mày tăng giá kiểu gì đấy, nó cười nhăn nhở: “Vàng tăng mà bố”, gã bơm xe cũng “xin” 3 nghìn một lốp, bảo vì vàng tăng, rồi cái gì cũng thế, cũng bảo tại vàng, tại vàng.
- Báo chí lúc đầu cũng dùng động từ nhẹ “Giá vàng nhảy múa”, đến ngày 8-8 thì đồng loạt dùng chữ “điên loạn” để chỉ cơn sốt đã đến mức kịch phát.
- Hôm ấy cũng là một ngày sầm sập mưa ở Hà Nội. Ông Ngâu bà Ngâu gặp nhau có 1 tiếng, thế mà phố lớn phố nhỏ thành sông. Giao thông náo loạn, lại đúng vào giờ ăn trưa, chị em công sở đành phải kéo “váy Ninja” bì bõm trong nước cống. Khối gã ngồi trong quán cười khành khạch: “Đầu làng Ngang có một chỗ lội/ Chỗ thì đến háng chỗ đến gối”.
- Phố còn tệ hơn làng. Nhiều nơi còn ngập sâu trên háng ấy chứ. Cứ cái đà này, mưa to còn dài, còn ngập nặng. Hà Nội mấy năm nay có thêm nghề lau bugi, chèo thuyền trên phố, nay tay nào nghiên cứu ra “thời trang lội” phục vụ chị em chắc đắt hàng phải biết.
- Ông nói trúng ý tôi. Tôi đang đau đầu vì nghiên cứu thứ thời trang ấy đây. Yêu cầu rất gấp, mà đã là thời trang cho chị em thì phải đảm bảo sự duyên dáng, nữ tính, kín kín hở hở, chân son không được ướt, đùi thon không bị mờ. Tôi đang vẽ mấy kiểu thuê bà xã làm mẫu nhưng không vừa ý lắm. Nhưng tôi sẽ thành công, sẽ nhờ mấy cô chân dài “vì môi trường” xỏ thử. Hàng sẽ nóng, rồi sẽ “sốt” là cái chắc. Lúc ấy thì, “Vàng ơi, mặc mi”!