Kỷ niệm 1984 năm khởi nghĩa Hai Bà Trưng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Lễ kỷ niệm 1984 năm khởi nghĩa Hai Bà Trưng (năm 40-43 sau Công nguyên) và khai mạc Lễ hội đền Hai Bà Trưng năm 2024 đã diễn ra vào tối ngày 15/2 tại Khu Di tích Quốc gia đặc biệt đền Hai Bà Trưng, huyện Mê Linh, Hà Nội.

Dự buổi lễ có Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân, Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến; Phó Bí thư Thành uỷ Hà Nội Nguyễn Văn Phong cùng đại diện các bộ, ban ngành của Trung ương và Hà Nội.

Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Mê Linh Hoàng Anh Tuấn nhấn mạnh, Hai Bà Trưng đã lãnh đạo nhân dân cả nước đánh đuổi quân Tô Định ra khỏi bờ cõi, giành lại giang sơn, chấm dứt chế độ đô hộ hà khắc của nhà Đông Hán. Khởi nghĩa Hai Bà Trưng đã ghi mốc son chói lọi đầu tiên trong lịch sử giữ nước của dân tộc Việt Nam.

Các đại biểu và nhân dân dâng hương tại đền thờ Hai Bà Trưng.

Các đại biểu và nhân dân dâng hương tại đền thờ Hai Bà Trưng.

Ngay sau khi khởi nghĩa thắng lợi, Hai Bà Trưng xưng vương, lập Kinh đô, tiến hành củng cố, xây dựng lại đất nước. Đó cũng là lời tuyên bố hùng hồn: Nước Nam là của người dân nước Nam, do người dân nước Nam cai quản. Hai Bà Trưng đã trở thành vị vua nữ đầu tiên của dân tộc, nữ vương đầu tiên trên thế giới; là niềm tự hào của dân tộc ta, nhân dân ta.

Năm 2013, Đền Hai Bà Trưng được Nhà nước xếp hạng là Di tích Lịch sử Quốc gia đặc biệt. Năm 2018, Lễ hội Đền Hai Bà Trưng được công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia. Năm 2021, Thành phố, công nhận là điểm đến du lịch. Những năm qua, được sự quan tâm, đầu tư của các cấp, các ngành và Nhân dân cả nước, khu di tích Lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hai Bà Trưng được trùng tu, tôn tạo, bổ sung, hoàn thiện nhiều hạng mục, công trình ngày càng khang trang, trường kỳ với thời gian, là một công trình văn hóa tâm linh, di tích lịch sử - văn hóa - cách mạng đặc sắc; điểm đến du lịch, giáo dục, không gian văn hoá truyền thống của Thủ đô Hà Nội và cả nước.

Tại lễ kỷ niệm, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Hà Thị Nga cho biết, trong suốt chiều dài lịch sử của dân tộc, phụ nữ Việt Nam luôn có vai trò quan trọng, đóng góp to lớn cho sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước. Nhiều tấm gương phụ nữ đã đi vào sử sách, lưu danh muôn đời, trong đó Hai bà Trưng Trắc và Trưng Nhị chính là tấm gương oanh liệt, là niềm tự hào của phụ nữ và nhân dân Việt Nam.

Một cảnh trong chương trình nghệ thuật trình diễn 3D mapping "Âm vang Mê Linh"

Một cảnh trong chương trình nghệ thuật trình diễn 3D mapping "Âm vang Mê Linh"

Tự hào là con cháu Bà Trưng, Bà Triệu, các lực lượng phụ nữ Việt Nam, từ thế hệ này qua thế hệ khác, luôn nêu cao tinh thần yêu nước, ý chí tự cường, đã có những đóng góp to lớn trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Trong những ngày đầu xuân, theo Tết cổ truyền của dân tộc và vào dịp tháng 3 lịch sử hàng năm, người dân, phụ nữ và các cấp Hội phụ nữ cả nước thường xuyên tổ chức các hoạt động tuyên truyền giáo dục, ghi nhớ công ơn của nhị vị Vua Bà, vận động phụ nữ tiếp nối truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, đóng góp tích cực hơn nữa cho sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.

"Việc tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 1984 năm cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng và khai mạc Lễ hội Đền Hai Bà Trưng năm 2024 là dịp để chúng ta ôn lại truyền thống vẻ vang của dân tộc, bày tỏ sự tri ân đối với Hai Bà Trưng và các bậc tiền nhân, đồng thời khơi dậy mạnh mẽ khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, quyết tâm xây dựng một nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh, văn minh, văn hiến và anh hùng theo định hướng xã hội chủ nghĩa", Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Hà Thị Nga nhấn mạnh.

Sau phần lễ là chương trình trình diễn nghệ thuật đặc biệt với chủ đề “Âm vang Mê Linh”. Bằng công nghệ 3D mapping, chương trình đã tái hiện lịch sử oanh liệt thời kỳ Hai Bà Trưng bằng ánh sáng, hình ảnh chân thực, sống động, ấn tượng.

Chương trình nghệ thuật sẽ trở thành sản phẩm văn hóa nghệ thuật, du lịch độc đáo, góp phần thúc đẩy phát triển du lịch Mê Linh tương xứng với bề dày lịch sử, văn hoá truyền thống của huyện và xứng đáng là “điểm đến du lịch” của Thủ đô Hà Nội.