Kỷ nguyên mới cho Ấn Độ khi tiêm kích Tejas lần đầu cất, hạ cánh trên tàu sân bay nội địa

ANTD.VN -  Tiêm kích Tejas do Ấn Độ chế tạo đã lần đầu tiên thực hiện thành công cất và hạ cánh trên tàu sân bay nội địa của nước này. Đây được coi là cột mốc quan trọng trong chiến lược mở rộng sức mạnh, vươn ra biển lớn của New Delhi.
"Đây là cột mốc lịch sử trong kế hoạch tự chủ về quốc phòng của Ấn Độ, khi phi công hải quân điều khiển tiêm kích Tejas hạ cánh trên chiến hạm INS Vikrant. Điều này thể hiện năng lực của Ấn Độ trong thiết kế, phát triển, chế tạo và vận hành tàu sân bay cùng tiêm kích nội địa", hải quân Ấn Độ ngày 6/2 ra thông báo.
Hải quân Ấn Độ công bố video cho thấy tiêm kích Tajes đáp xuống tàu sân bay Vikrant và dùng hệ thống cáp hãm đà để dừng lại trên boong.
Tiêm kích này sau đó cất cánh trên đường băng sử dụng cơ chế cầu nhảy của tàu sân bay Vikrant.
Tiêm kích Tejas dự kiến tham gia loạt thử nghiệm với tàu sân bay Vikrant để chứng minh năng lực vận hành máy bay chiến đấu của hàng không mẫu hạm này.
Theo kế hoạch, quá trình thử nghiệm sẽ kết thúc vào giữa năm 2023, mở đường cho tàu sân bay Vikrant đi vào vận hành.

Hải quân Ấn Độ có thể biên chế tiêm kích hạm MiG-29K/KUB cho tàu sân bay Vikrant.

Ấn Độ đã mua 45 chiếc MiG-29K/KUB và đang vận hành chúng trên tàu sân bay INS Vikramaditya. Sau đó họ không mua thêm dù được Nga liên tục chào mời.

Trong khi đó, tàu sân bay Vikrant bắt đầu thử nghiệm trên biển từ tháng 8/2021 sau nhiều lần trì hoãn. Bộ Quốc phòng Ấn Độ cho biết chiến hạm Vikrant có tỷ lệ nội địa hóa hơn 76%.

Tàu sân bay Vikrant có lượng giãn nước 45.000 tấn, tốc độ tối đa khoảng 65 km/h, tầm hoạt động gần 14.000 km.

Việc quyết định trang bị các dòng vũ khí nội địa sẽ giúp Ấn Độ tự chủ trong công nghệ chế tạo vũ khí.

LCA Tejas là tiêm kích đa năng hạng nhẹ do Ấn Độ nghiên cứu và phát triển. Được trang bị những công nghệ mới giúp những chiếc Tejas có sức mạnh đáng gờm trên bầu trời.
Chúng được cho là đủ sức đối đầu với những chiếc J-10 của Trung Quốc chế tạo hay đối thủ F-16 đến từ Pakistan.
Loại máy bay một động cơ này khá đặc biệt khi có thiết kế cánh tam giác lớn, không có cánh đuôi ngang mà chỉ có cánh đuôi đứng, cũng như không được thiết kế cánh mũi
Với phiên bản Tejas Mk1 được cho là không mấy thành công, loại máy bay này dùng loại động cơ có hiệu suất cao F404-GE-IN20 của hãng General Electric - Mỹ.
Nhận thấy rằng loại động cơ này vẫn không đủ để giúp cho máy bay cơ động, ở phiên bản nâng cấp Tejas Mk2, phía Ấn Độ đã chủ động mua của Mỹ loại động cơ F414 của General Electric.
Với loại động cơ mới này giúp cung cấp cho máy bay lực đẩy đến 13.500 kg, gấp đôi động cơ do Ấn Độ sản xuất trang bị trên phiên bản Mk1 và mạnh hơn hẳn động cơ F404-GE-IN20.
Động cơ này sẽ giúp Mk2 hoạt động hiệu quả hơn và tăng khả năng chịu tải của Mk2 lên 25% so với Mk1.
Với trọng lượng không tải 6,5 tấn, trọng lượng cất cánh tối đa 13,5 tấn, LCA Tejas thiết kế với 8 giá treo mang được 4,2 tấn vũ khí.
Các vũ khí trang bị bao gồm tên lửa không đối không; tên lửa không đối đất tầm xa; tên lửa chống tàu; bom dẫn đường.
Về hệ thống điện tử, loại máy bay này hiện đang sử dụng radar EL/M-2032 và các thiết bị điện tử do Israel chế tạo.
Điều đặc biệt máy bay có thể sử dụng được tất cả các chủng loại vũ khí dành cho tiêm kích hạng nhẹ của cả Nga và phương Tây.
Ngoài sử dụng trong nước, Ấn Độ cũng đang đẩy mạnh việc quảng bá để xuất khẩu loại tiêm kích nội địa này.