Kỹ năng thoát hiểm cho trẻ em khi xảy cháy

ANTD.VN - Thời gian vừa qua, do tình hình dịch Covid-19 bùng phát mạnh, trẻ ở nhà, nghỉ hè sớm và phải học online. Nhiều gia đình neo người nên buộc phải để trẻ ở nhà một mình, thiếu sự giám sát của người lớn. Điều này chính là nguy cơ xảy ra tai nạn đối với trẻ, nguy hiểm nhất là khi sự cố cháy nổ xảy ra. Do vậy cần trang bị kỹ năng thoát hiểm cho trẻ là điều rất cần thiết. Trong chuyên mục hôm nay, Cảnh sát PCCC và CNCH Công an quận Ba Đình sẽ hướng dẫn chi tiết 7 kỹ năng thoát hiểm cho trẻ em trong đám cháy.   

Hiện trường vụ cháy nhà khiến một trẻ 7 tuổi thiệt mạng vào đêm 18-5 vừa qua… tại xã Nà Hỳ (huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên). Khi xảy cháy, chỉ có cháu bé xấu số ở nhà. Phát hiện sự việc, người dân xung quanh đã nhanh chóng đến chữa cháy, cứu người nhưng do đám cháy quá lớn, đã thiêu rụi ngôi nhà; cháu bé không kịp thoát ra ngoài đã tử vong thương tâm trong đám cháy. Thời điểm xảy ra vụ cháy này, huyện Nậm Pồ đang làm tâm dịch Covid-19 của tỉnh Điện Biên khi nhiều ngày qua địa phương này liên tiếp phát hiện hàng chục ca dương tính với SARS-CoV-2 tại xã Si Pa Phìn.

Chính vì vậy, Cảnh sát PCCC và CNCH khuyến cáo các bậc phụ huynh một số vấn đề về công tác bảo đảm an toàn như sau: Để các vật dụng có khả năng phát sinh nguồn nhiệt, nguồn lửa xa tầm tay của trẻ em; tuyệt đối không để trẻ em tự ý sử dụng các thiết bị điện, tự ý đun nấu, mở van gas, bếp gas; tuyệt đối không được vừa sạc, vừa sử dụng các loại điện thoại thông minh, máy tính bảng… Để phòng tránh, các bậc cha mẹ nên giáo dục cho trẻ những kỹ năng thoát hiểm ngay từ khi các em còn nhỏ.Sau đây là 7 kỹ năng thoát hiểm cho trẻ em trong đám cháy.

Kỹ năng 1: Khi phát hiện, ngửi thấy mùi lửa, khói bốc lên thì hãy gọi ngay cho lực lượng chức năng để giúp đỡ với số điện thoại 114. Nếu như bị kẹt trong đám cháy, các em phải thật bình tĩnh và làm theo hướng dẫn của người lớn.

Kỹ năng 2: Trẻ cần nắm rõ các lối thoát hiểm trong nhà như: cửa trước, cửa sau, lối thông sang nhà bên cạnh. Hoặc nếu nhà cao tầng thì trẻ cần thoát hiểm bằng cầu thang bộ.Tuyệt đối không đi bằng cầu thang máy.

Kỹ năng 3: Trẻ cần biết quan sát vị trí các biến báo thoát hiểm dạ quang, biển báo PCCC dạ quang để thoát ra ngoài nhanh nhất. Trong một số trường hợp, cần phải kêu lên thật lớn để mọi người biết đến trợ giúp.

Kỹ năng 4: Các trường hợp tử vong chủ yếu là do hít phải khí độc nên trẻ cần phải dùng khăn ướt để bịt mũi và cúi sát người xuống sàn nhà khi thoát nạn. Khi di chuyển, trẻ cần lấy khăn ướt, bịt vào mũi để tránh khí độc nhiễm vào có thể gây ngạt thở. Trẻ phải cúi người xuống cầng thấp càng tốt vì càng sát đất thì khói và khí độc càng ít hơn.

Kỹ năng 5: Đối với trẻ em lớn, trẻ cần học cách sử dụng bình chữa cháy để dập tắt những đám cháy nhỏ, kiểm soát được hành vi, nhận thức của mình khi xảy ra cháy nổ. Tuy nhiên, trẻ không được hắt nước vào đám cháy vì có thể ảnh hưởng đến thiết bị điện ảnh hưởng đến quá trình cứu hộ, cứu nạn.

Kỹ năng 6: Trong trường hợp ở chung cư, khi khói đã che khủ hết không tìm được lối ra, hãy quay về chung cư của mình nếu mang được điện thoại trên người thì càng tốt để nhanh chóng gọi cho 114, người thân đang ở bên ngoài thông báo đang ở phòng số mấy, ra ngoài ban công, cửa sổ dùng một vật gì đó dễ phát hiện và la lớn lên để mọi người biết vị trí của mình.

Kỹ năng 7: Để tăng khả năng sống sót trong trường hợp cháy nổ, đông người, hỗn loạn; trẻ không chạy ngược dòng đám đông hoặc chèn ngang vì khả năng bị kẹt, dẫm đạp lên nhau dẫn đến trường hợp bị ngạt thở và tử vong. Trong trường hợp này, thay vì hùa theo đám đông, thì các con cần bình tĩnh tinh mắt, quan sát vị trí các biển báo exit dạ quang, lối thoát hiểm để tìm ra lối thoát hiểm nhanh chóng nhất. Các con không được chần chừ, cố ở lại để giữ đồ dùng của mình vì đám cháy lớn rất nhanh, đe dọa tính mạng.