Kỹ năng sơ cứu, cấp cứu người trong đám cháy

ANTD.VN - Trong mỗi vụ tai nạn, cháy nổ xảy ra, khi tiếp cận hiện trường, lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH buộc phải chọn giải pháp trang bị kỹ phương tiện, dụng cụ chống nhiệt, lửa, rồi băng qua bức "tường lửa" hay hiện trường nguy hiểm để cứu người. Đây cũng là thời điểm "vàng" để sơ cấp cứu ban đầu cho các nạn nhân, quyết định sống - còn cho các nạn nhân. 

Vụ cháy trên phố Núi Trúc (Hà Nội) ngày 10-9-2019... ngọn lửa bao trùm từ tầng 1 cháy lan lên tầng 3. Trong biển lửa bao trùm, những người trong nhà rơi vào cơn hoảng loạn. Các chiến sỹ cứu nạn cứu hộ đã nhanh chóng tiếp cận và đưa mọi người ra ngoài an toàn. Đặc biệt, lực lượng chức năng đã phát hiện một nạn nhân do hoảng sợ đã chui vào gầm giường trên tầng 4 và bị ngạt khói. Lực lượng cứu nạn đã cõng nạn nhân nhanh chóng sơ cấp cứu ban đầu rồi đưa xuống xe ô tô chuyển đến bệnh viện. Nhờ đó, nạn nhân đã vượt qua được thời khắc nguy hiểm đến tính mạng.

Đây chỉ là 1 trong số hàng trăm vụ việc cứu hộ cứu nạn mà lực lượng CS PCCC và CNCH xử lý trong thời gian vừa qua. Cứu nạn cứu hộ là công tác đặc thù… Việc tổ chức CNCH ở hiện trường các sự cố, tai nạn lớn thường có diễn biến phức tạp, khó lường, nạn nhân cũng đối mặt với từng giây phút khó khăn, nguy cấp tính mạng. Do vậy, đòi hỏi CBCS phải có thể lực tốt, tinh thông về nghiệp vụ, và cần có những kiến thức y khoa, sơ cấp cứu ban đầu để giúp nạn nhân vượt qua được thời điểm chạm mặt tử thần.

Những "bác sĩ bất đắc dĩ"... đó là cái tên vui mà mọi người thường nhắc đến lính cứu nạn, cứu hộ. Hàng năm, các chiến sỹ cảnh sát PCCC và CNCH đều được tập huấn sơ cấp cứu. Những lớp tập huấn này đã trang bị, bồi dưỡng kiến thức cấp cứu ban đầu, các kỹ năng cấp cứu đối với CBCS PCCC đáp ứng yêu cầu can thiệp nhanh, cấp cứu kịp thời. Thầm lặng và hiểm nguy nhưng với những nỗ lực trau dồi kiến thức y học, trong những năm qua, các chiến sỹ cảnh sát PCCC và CNCH đã tham gia cứu sống được hàng trăm nạn nhân trong các vụ tai nạn, sự cố cháy nổ... Dù không khoác trên mình bộ áo blu trắng, nhưng trong lòng người dân, các anh cũng chính là những bác sĩ thực thụ.

Cách xử lý khi thấy người khác bị cháy

- Trấn an giúp người đó không hoảng sợ, dừng chạy ngay lập tức. Dùng chăn chiên đã tẩm nước hoặc dùng bình bột chữa cháy, nước để dập tắt lửa.

- Đưa người bị cháy đến cơ sở y tế gần nhất để chăm sóc, theo dõi tình hình sức khỏe.

Cách sơ cứu người bị ngừng thở

- Nếu nạn nhân ngừng thở nhưng mạch còn đập, tiến hành hô hấp nhân tạo sau đỏ kêu gọi sự hỗ trợ giúp đỡ và tiếp tục hô hấp cho đến khi nạn nhân bắt đầu tự thở được hoặc đến khi có người đến giúp đỡ.

- Nếu nạn nhân ngừng thở và mạch cũng ngừng đập phải tiến hành hô hấp nhân tạo và ép tim ngoài lồng ngực. Người cứu cần thực hiện 1 chu kỳ: 2 lần thổi ngạt sau đó ép tim 30 lần.

Dừng lại để kiểm tra tim, phổi nạn nhân. Nếu nạn nhân tự thở được thì dừng thổi ngạt, tim mạch hoạt động lại thì dừng ép tim. Nếu chưa phục hồi thì vẫn cấp cứu theo chu kỳ trên cho đến khi nạn nhân phục hồi hoặc nhân viên y tế đến.

- Đưa đến cơ sở y tế gần nhất để chăm sóc theo dõi tình trạng sức khỏe.

Cách sơ cứu người bị bỏng

- Sử dụng nước sạch (nhiệt độ nước tốt nhất là từ 16 - 20 C để ngâm và rửa vết bỏng).

- Có thể ngâm, rửa phần bị bỏng dưới vòi nước hay trong chậu nước mát hoặc dội liên tục nước sạch lên vùng bỏng hoặc đắp thay đổi bằng khăn ướt.

- Kết hợp vừa ngâm rửa phần bị bỏng, vừa cắt bỏ quần áo bị cháy, rửa sạch dị vật hoặc tác nhân gây bỏng còn bám vào vết bỏng.

- Đưa đến cơ sở y tế gần nhất để chăm sóc theo dõi tình trạng sức khỏe.