Kỳ 2: Muốn xử lý, phải... chờ tái phạm

(ANTĐ) - Theo thống kê, chỉ riêng trong quý I năm nay, có tới hơn 60% đối tượng sử dụng súng tự chế để gây án trong tổng số tội phạm sử dụng chất nổ, vũ khí “nóng”. Riêng tại Hải Phòng và Quảng Ninh từ năm 2005 đến nay đã xảy ra 61 vụ án có liên quan đến súng tự chế. Hiểm họa từ súng tự chế đã và đang ở tình trạng báo động.

Phức tạp nạn súng tự chế:

Kỳ 2: Muốn xử lý, phải... chờ tái phạm

>> Kỳ 1: Cứ mâu thuẫn là bắn

(ANTĐ) - Theo thống kê, chỉ riêng trong quý I năm nay, có tới hơn 60% đối tượng sử dụng súng tự chế để gây án trong tổng số tội phạm sử dụng chất nổ, vũ khí “nóng”. Riêng tại Hải Phòng và Quảng Ninh từ năm 2005 đến nay đã xảy ra 61 vụ án có liên quan đến súng tự chế. Hiểm họa từ súng tự chế đã và đang ở tình trạng báo động.

Pháp lệnh sửa đổi hi vọng sẽ đem lại kết quả trong công tác đấu tranh phòng ngừa tội phạm sử dụng súng tự chế

Luật “vuốt đuôi” thực tế

Trung tá Trần Ngọc Hà - Đội trưởng Đội trọng án thuộc Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, CATP Hà Nội chỉ ra điểm bất cập trong lĩnh vực quản lý loại súng bắn đạn hoa cải như sau: Hiện nay, cơ quan chức năng dựa trên Nghị định 47/CP của Chính phủ (về quản lý vũ khí vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ) để xử lý hành vi tàng trữ trái phép vũ khí. Tuy nhiên, trong văn bản này không có bất kỳ một điều khoản nào quy định về loại vũ khí tự chế như súng hoa cải, súng ám sát dạng bút...

Trung tá Hà nói: “Chính vì thế, nếu phát hiện và bắt quả tang những đối tượng đang mang theo trong người loại vũ khí này, công an chỉ có thể xử phạt hành chính. Phải chờ đến lần tái phạm của đối tượng này, công an mới có thể xử lý, mà chỉ có thể  khép tội “Mua bán và tàng trữ trái phép vũ khí thô sơ” chứ không thể xử lý được tội “Mua bán và tàng trữ vũ khí quân dụng”. Trung tá Hà kiến nghị: “Thực tế này khiến việc xử lý loại tội phạm liên quan đến súng hoa cải gây nhiều khó khăn cho công an. Nhà nước cần sửa đổi các quy định này”.

Một điều tra viên khác lý giải việc tỷ lệ tội phạm sử dụng súng tự chế gây án ngày càng nhiều: “Để thực hiện hành vi phạm tội, tội phạm không từ bỏ hành vi, thủ đoạn nguy hiểm... Các đối tượng này phát hiện kẽ hở của pháp luật là sử dụng súng tự chế, một loại hung khí có khả năng gây sát thương lớn nhưng lại không bị khép tội tàng trữ vũ khí quân dụng”. Đây cũng chính là trăn trở của những điều tra viên trong việc phá những chuyên án liên quan đến súng tự chế mà luật vẫn chưa theo kịp thực tế.

Sẽ “vá kẽ hở”

Trả lời báo giới về thực trạng sử dụng súng tự chế, Trung tướng Phạm Quý Ngọ - Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm cho biết, hiện Tổng cục đã đề xuất lãnh đạo Bộ Công an mở các chuyên án liên tỉnh “Phòng ngừa, đấu tranh triệt phá các băng, nhóm tội phạm sử dụng chất nổ, vũ khí để gây án” do lãnh đạo Tổng cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm là Trưởng ban chỉ đạo với sự tham gia của các cục nghiệp vụ và công an các địa phương. Đồng thời, đang có kế hoạch chỉ đạo triển khai thực hiện ở một số cụm địa bàn trọng điểm.

Hai đối tượng sử dụng súng bắn đạn hoa cải gây rối TTCC và hủy  hoại tài sản bị CATP Hải Phòng bắt giữ

Qua công tác vận động nhân dân giao nộp theo Kế hoạch 27/BCA của Bộ Công an, các địa phương đã thu hồi hơn 2.000 khẩu súng săn và súng tự chế các loại. Tuy nhiên, theo đánh giá, hiện vẫn còn lượng vũ khí tự chế tồn tại trong dân và được các đối tượng săn lùng mua bán, tiềm ẩn nguy cơ phạm pháp nguy hiểm. Bộ Công an, Tổng cục Cảnh sát đã chỉ đạo công an các địa phương mở đợt cao điểm tăng cường công tác kiểm tra, quản lý, thu hồi vũ khí, vật liệu nổ tại các cụm địa bàn trọng điểm, phát hiện một lượng lớn vũ khí tàng trữ trái phép, điều này cho thấy công tác quản lý của các ngành chức năng còn bộc lộ nhiều sơ hở, bất cập, tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp về ANTT.

Mới đây, vào đầu tháng 4-2010, Tổng cục Cảnh sát đã mở chuyên án dẹp các băng nhóm sử dụng súng hoa cải tại ba tỉnh Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương. Sau hơn 3 tháng phá án, các điều tra viên đã lật lại hàng chục vụ án diễn ra tại ba tỉnh này có liên quan đến hung khí là súng tự chế, truy nã, bắt tạm giam nhiều đối tượng gây án và thu hàng chục khẩu súng lắp đạn hoa cải.

Để có thể xử lý triệt để đối với loại vũ khí nguy hiểm này, Bộ Công an đã đề xuất biện pháp xử lý cụ thể là sửa Nghị định 47/CP, sửa Pháp lệnh Quản lý vũ khí, vật liệu nổ theo hướng đưa súng tự chế vào quản lý như vũ khí quân dụng. Tổng cục Cảnh sát quản lý hành chính về TTXH cũng đã triển khai dự án Pháp lệnh này để Chính phủ trình Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét. Đặc biệt, một số loại vũ khí mới, chưa được kiểm soát chặt như súng ám sát dạng bút, súng bắn đạn hoa cải, nổi lên ở một số tỉnh phía Bắc tới đây sẽ đưa vào danh mục quản lý. Hi vọng, pháp lệnh dự kiến thông qua vào cuối năm nay sẽ là “cú ra đòn” mạnh đủ trấn áp tình trạng bùng phát sử dụng súng bắn đạn hoa cải như hiện nay.

Nguyễn Hiếu