Kinh tế thế giới chờ đợi gì ở năm 2015

ANTĐ - Năm 2014 u ám đã sắp qua, tuy nhiên những cú sốc chưa từng có vẫn đang làm xao động gần như mọi quốc gia trên thế giới. Đó là những đòn trừng phạt kinh tế liên miên giữa những khối và những quốc gia với nhau cùng với việc những cuộc thương lượng dài dặc cho những hiệp định thương mại tự do mà chưa nhìn thấy kết quả. 

Đó là sự sụt giảm đến kinh ngạc của giá dầu tới 50% để hàng nghìn tỷ USD đầu tư cho lĩnh vực năng lượng bị treo lại cùng với hàng triệu lao động mất hy vọng có việc làm. Đó là sự suy giảm đến bờ vực của những nền kinh tế như Nga, Venezuela, Belarus... Đó là sự suy giảm tăng trưởng của nền kinh tế đứng thứ hai thế giới: Trung Quốc. Và cuối cùng là cơn vật lộn với suy thoái của châu Âu chưa kịp đến kết quả thì đã bị đẩy vào cuộc chiến địa chính trị với Nga, dẫn đến sự suy giảm thê thảm của nền kinh tế... Vậy có thể trông chờ gì ở năm 2015? Một sự tăng trưởng chăng? Hơi khó. Đầu năm 2014, các tổ chức kinh tế lớn đều dự báo kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng khoảng 3,5%, nhưng cho đến hết năm 2014, con số hy vọng sẽ là 2,7%. Năm nay, các dự báo lại xoay quanh con số thấp hơn: 3%. Liệu có thành? Tổng hợp các dự báo, chúng ta có thể nhìn thấy một bức tranh không sáng sủa.

Kinh tế thế giới chờ đợi gì ở năm 2015 ảnh 1

Khu vực châu Âu vẫn tiếp tục đánh vật với khó khăn

Tổng quan kinh tế EU vẫn là bức tranh ảm đạm. Cùng với Anh, những nền kinh tế lớn của EU là Đức, Pháp, Italia, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha vẫn chìm trong khó khăn, với mức tăng trưởng rất thấp, tỷ lệ thất nghiệp cao kỷ lục: hơn 10% trên toàn EU, 11,5% tại khu vực đồng Euro, nhất là tại Hy Lạp và Tây Ban Nha, tỷ lệ thất nghiệp lên tới 25%. Pháp và Italia còn vượt quá chỉ tiêu của EU về mức trần thâm hụt ngân sách (3%) và nợ công. Nền kinh tế lớn nhất EU là Đức vừa phải hạ mức tăng trưởng dự kiến của 2014 xuống còn 1,2% và 2015 xuống 1,3% (giảm 1/3 so với dự báo trước đó).

Bộ trưởng kinh tế Đức Sigmar Gabriel thừa nhận kinh tế nước này đang gặp khó khăn về ngoại thương. Pháp thì mới công bố dự thảo ngân sách 2015 với mức thâm hụt chiếm tới 4,3% tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Italia cũng đang chịu áp lực phải cắt giảm nợ công đang ở mức cao tới 133,4% GDP (hơn gấp 2 lần so với mức quy định của EU). Sản xuất công nghiệp và mức tiêu dùng ở các nước EU ngày một giảm. Sau một thời gian khá dài không thể đạt được đồng thuận, ngày 9-12, các nước EU và Nghị viện châu Âu (EP) đạt được thỏa thuận về ngân sách 2015: 141,2 tỷ euro. Trong đó, 8 tỷ Euro sẽ dành cho kế hoạch kích thích kinh tế EU theo đề xuất của Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker. 3,5 tỷ Euro dành để chi trả một số khoản nợ trong năm 2014 (các khoản nợ của EU hiện nay khoảng gần 30 tỷ Euro). Ngân sách 2015 còn phải được EP phê chuẩn ngày 17-12.

Việc đạt được sự thống nhất về ngân sách 2015 trước hết thể hiện nỗ lực của cả EU trong việc thu hẹp những bất đồng, đồng thời phần nào giảm bớt những khó khăn chồng chất của khối này, đặc biệt tạo động lực cần thiết cho tăng trưởng và tạo việc làm. Những dấu hiệu tích cực này cho thấy, châu Âu bắt đầu thể hiện sự đồng lòng trong cách thức giải quyết nhằm tạo động lực mới cho EU. Đó cũng sẽ là nền tảng cho phép khối này nâng cao khả năng cạnh tranh trong tương lai.

Dự báo kinh tế châu Âu sẽ tăng tốc nhẹ, đạt mức tăng 1,4% trong năm 2015 từ mức tăng 0,8% dự kiến đạt được trong năm nay.

Kinh tế Mỹ tăng trưởng mạnh

Ngày 18-12, Quỹ Dự trữ Trung ương Mỹ Fed dự báo nền kinh tế Mỹ sẽ tiếp tục tăng trưởng ổn định trong năm 2015 với tốc độ từ 2,6-3%, trong khi tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống còn 5,2% và tỷ lệ lạm phát cơ bản (đã loại trừ một số mặt hàng dễ biến động giá như lương thực và năng lượng) từ 1-1,6%. Sau đó, tỷ lệ lạm phát sẽ chạm mức 2% vào cuối năm 2016 như mục tiêu đã đề ra. Các nhà hoạch định chính sách của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) nhất trí tiếp tục duy trì lãi suất cơ bản ở mức thấp từ 0-0,25% ít nhất đến giữa năm 2015 nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, sau khi chấm dứt toàn bộ gói nới lỏng tiền tệ (QE3) trong tháng 10-2014.

Theo Fed, việc giá dầu thế giới giảm mạnh là tín hiệu tốt đối với nền kinh tế Mỹ khi giúp người tiêu dùng tiết kiệm chi phí và tăng mạnh chi tiêu. Nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh hơn các nền kinh tế hàng đầu thế giới khác nhờ nhu cầu thị trường nội địa mạnh lên, đặc biệt là nhu cầu tiêu dùng. Các nguồn động lực thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng - lĩnh vực chiếm 70% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ - hiện vẫn đang tích cực, bao gồm tăng trưởng việc làm mạnh, tình hình tài chính của các hộ gia đình được cải thiện, và giá xăng giảm xuống mức thấp.

Kinh tế Trung Quốc giảm tăng trưởng

Sự sa sút của lĩnh vực bất động sản được dự báo sẽ kéo lùi tăng trưởng của nền kinh tế Trung Quốc trong năm 2015. Tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế Trung Quốc có thể giảm còn 7,1% trong năm 2015 từ mức 7,4% dự kiến đạt được trong năm 2014. Theo báo cáo của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc, nhu cầu của thị trường toàn cầu khởi sắc có thể giúp lĩnh vực xuất khẩu của Trung Quốc tăng trưởng khả quan, nhưng không đủ để bù đắp cho ảnh hưởng từ sự suy giảm của đầu tư bất động sản.

Bản báo cáo nhận định, xuất khẩu của Trung Quốc sẽ tăng trưởng 6,9% trong năm 2015 từ mức 6,1% trong năm nay, trong khi nhập khẩu tăng 5,1% từ mức 1,9% của năm 2014. Quý 3-2014, tăng trưởng kinh tế Trung Quốc giảm tốc còn 7,3%. Các số liệu kinh tế ảm đạm của nước này trong tháng 11 khiến giới phân tích cho rằng Trung Quốc sẽ không đạt mục tiêu tăng trưởng 7,5% cho năm 2014 mà Bắc Kinh đề ra. Nếu vậy, năm nay sẽ là năm tăng trưởng chậm nhất của nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới trong 24 năm. Các chuyên gia kinh tế cố vấn cho Chính phủ Trung Quốc dự báo tăng trưởng về mức khoảng 7% trong năm 2015.

Nền kinh tế Nga rơi vào suy thoái

Theo kết quả thăm dò ý kiến các nhà kinh tế vừa do Hãng tin Reuters thực hiện, kinh tế Nga trong năm 2015 có thể rơi vào suy thoái lần đầu tiên kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008 và tỷ lệ lạm phát ở nước này sẽ lên tới mức hai con số, vì những tác động tiêu cực của việc dầu mỏ trượt giá mạnh và các lệnh trừng phạt kinh tế của phương Tây. Các nhà kinh tế dự đoán Tổng sản phẩm trong nước (GDP) của Nga sẽ sụt giảm 3,6% năm 2015. Sau khi kinh tế Nga chỉ tăng trưởng 0,5% năm 2014, giải quyết vấn đề suy thoái kinh tế sẽ là thách thức lớn đối với Tổng thống Vladimir Putin - người mới tuần trước cam kết rằng Nga có thể hồi phục sau những giai đoạn khó khăn. Các nhà kinh tế cũng dự đoán đồng Ruble sẽ vẫn đứng trước sức ép giảm giá, buộc Ngân hàng Trung ương nước này phải duy trì lãi suất ở mức cao trong năm 2015. 

Kinh tế Nhật Bản sẽ lấy lại đà tăng trưởng

Việc tăng thuế tiêu dùng từ 5% lên 8% từ tháng 4-2014 đã khiến kinh tế Nhật Bản rơi vào tình trạng suy yếu trầm trọng nhất kể từ khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2009, làm gia tăng những lo ngại về khả năng đối phó với việc tăng thuế lần thứ hai lên 10% vào tháng 10-2015. Thủ tướng Shinzo Abe sẽ phải đưa ra quyết định vào cuối năm nay liệu có thực hiện tăng thuế lần hai vào năm 2015 hay không khi có kết quả tăng trưởng GDP và các chỉ số kinh tế khác trong quý III. Tuy nhiên, cho dù kinh tế Nhật Bản tăng trưởng yếu trong quý III, Chính phủ Nhật Bản vẫn phải tiến hành tăng thuế lần thứ hai như kế hoạch để hạn chế nợ công vì hiện nay nợ công của Nhật Bản đã cao gấp đôi mức tăng trưởng GDP, đây là tình trạng tồi tệ nhất trong các nước phát triển.

Về việc đồng Yên suy yếu sẽ giúp xuất khẩu của Nhật Bản tăng dần, tuy nhiên xuất khẩu sẽ không tăng mạnh trừ khi kinh tế toàn cầu trong đó có Trung Quốc bước vào giai đoạn phục hồi ổn định. Chính sách nới lỏng của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) và gói kích thích khổng lồ của Chính phủ Nhật, cùng với giá năng lượng thấp, sẽ là những yếu tố đưa nền kinh tế lớn thứ ba thế giới trở lại với tăng trưởng. Các chuyên gia dự báo nền kinh tế Nhật Bản sẽ tăng trưởng khoảng 1,1% trong năm 2015.

 Giá dầu sẽ duy trì mức thấp

 Hầu hết giới chuyên gia đều dự đoán giá dầu năm 2015 sẽ hồi phục sau khi tuột dốc thảm hại trong năm 2014. Tuy nhiên, giới thương nhân dường như có vẻ thận trọng hơn. Các nhà dự báo và những người tham gia thị trường không cho rằng giá dầu sẽ hồi phục mạnh mẽ trong 12 tháng tới. Nhiều hãng dự báo cho rằng giá dầu Brent kỳ hạn sẽ vẫn dưới 70 USD/thùng vào cuối năm 2015. Tuy nhiên, các nhà sản xuất dự đoán giá dầu sẽ hồi phục.

Các nhà dự đoán trong cuộc khảo sát của Bloomberg cho rằng giá dầu Brent sẽ tăng 35% lên 82 USD/thùng vào cuối năm 2015. Trong khi đó, Goldman Sachs có vẻ lạc quan hơn khi dự đoán giá dầu Brent sẽ tăng lên 85 USD/thùng.

Đồng đô la Mỹ mạnh hơn

Đồng USD sẽ tiếp tục mạnh lên nhờ triển vọng tăng trưởng khả quan của nền kinh tế Mỹ và kỳ vọng FED tăng lãi suất. Theo kế hoạch, FED, Ngân hàng Trung ương Anh (BOE), và Ngân hàng Trung ương Canada (BOC) được IHS dự báo sẽ bắt đầu tăng lãi suất trở lại trong năm 2015, tương ứng vào tháng 6, 8 và 10, ngoại trừ trường hợp có sự giảm mạnh trong tốc độ lạm phát.

Trong khi đó, khả năng ECB và BOJ tăng cường bơm thanh khoản vào thị trường đống nghĩa với việc cả đồng Euro và đồng Yên sẽ tiếp tục xuống giá trong năm 2015. Nhiều ngân hàng  cho rằng, tỷ giá Euro/USD sẽ giảm về ngưỡng 1,15-1,2 USD/Euro trước mùa thu năm 2015, còn USD/Yên sẽ giao dịch trong khoảng 120-125 Yên/USD trong năm tới. Trong bối cảnh giá hàng hóa cơ bản tụt dốc và tăng trưởng toàn cầu yếu ớt, các yếu tố giảm phát đang xuất hiện mạnh nhất ở các nền kinh tế phát triển. Ngoại lệ của giảm phát đang là các nền kinh tế mới nổi như Nga. Nền kinh tế xứ bạch dương đang chứng kiến tỷ giá đồng nội tệ sụt chóng mặt kéo theo lạm phát tăng vọt.