Kinh nghiệm từ quá trình xây dựng Luật Phòng chống tác hại rượu bia

ANTD.VN - Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia được Quốc hội thông qua hôm 14/6 vừa qua  và chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2020. Quá trình xây dựng, chỉnh sửa và ban hành bộ luật này đã trở thành một kinh nghiệm quý giá cho việc hoạch định chính sách và vận động chính sách, khi nó bị “giằng xé” rõ rệt giữa các nhóm lợi ích sức khỏe và lợi ích kinh tế. 

Thực tế, cứ vào mỗi dịp cao điểm lễ tết, tỉ lệ người nhập viện do TNGT liên quan đến rượu bia lên đến trên 60%. Do đó, Luật Phòng chống tác hại của rượu bia ra đời đúng thời điểm. Bên cạnh việc nghiêm cấm điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn, bộ Luật cũng nhận được đánh giá tích cực ở nhóm giải pháp hạn chế tính sẵn có và tính dễ dàng tiếp cận của rượu bia như: Cấm người chưa đủ 18 tuổi uống rượu bia; Cấm người lao động, học sinh, sinh viên uống rượu bia ngay trước, trong giờ làm việc, học tập và nghỉ giữa giờ... Để có được kết quả đó là cả 1 quá trình phối hợp, chung tay đấu tranh của những tổ chức, cá nhân quan tâm tới lĩnh vực xây dựng luật, chính sách công và phục vụ mục tiêu bảo vệ sức khoẻ cộng đồng.

Việc Luật Phòng chống tác hại của rượu bia được thông qua và có hiệu lực từ1/1/2020 là cột mốc quan trọng trong lộ trình kiểm soát sản xuất, phân phối và tiêu thụ rượu bia của Việt Nam. Từ nay đến khi bộ luật có hiệu lực, các cơ quan tiếp tục vận động các văn bảndưới luật nhằm cụ thể hoá trách nhiệm các bên liên quan trong thực thi hiệu quả các điều luật nhằm đưa bộ luật đi vào cuộc sống.